Than các nước bán vào Việt Nam tăng nhanh đã gây sức ép lên thị trường tiêu thụ than trong nước

Than các nước bán vào Việt Nam tăng nhanh đã gây sức ép lên thị trường tiêu thụ than trong nước

TKV nỗ lực tìm giải pháp phát triển bền vững

(ĐTCK) Nhu cầu tiêu thụ than suy giảm tại thị trường trong và ngoài nước, cùng với những khó khăn nội tại của ngành trong thời gian gần đây đã và đang đặt ra những thách thức lớn cho ngành than cũng như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). 

Tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy, nhu cầu năng lượng trong dài hạn sẽ phục hồi và có sự tăng trưởng, do đó, với quyết tâm khắc phục những khó khăn hiện tại để hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh, TKV đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác và kinh doanh, với định hướng phát triển bềnvững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 

Nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh

Theo đánh giá của TKV, trong giai đoạn 2011 - 2015, năm 2011 là năm đỉnh cao cả về sản lượng và hiệu quả kinh doanh. Theo đó, sản xuất - tiêu thụ đạt 44,7 triệu tấn than sạch, riêng TKV trên 40 triệu tấn, năng suất lao động tăng gấp trên 4 lần so với năm 1995. Tới giai đoạn 2012 – 2015, sản lượng than giảm mạnh, chỉ còn trên dưới 35 triệu tấn/năm.

Năm 2016, tình hình thị trường và sản xuất kinh doanh ngày càng khó khăn, do đó, 7 tháng đầu năm 2016, sản lượng tiêu thụ, sản xuất, doanh thu của TKV lần lượt giảm 3%, 7% và 15%. Do tiêu thụ giảm nên sản lượng than khai thác dự kiến cả năm sẽ ở mức 33 triệu tấn than sạch, giảm khoảng 2 triệu tấn so với năm 2015, thấp hơn 3 - 5 triệu tấn so với Quy hoạch phát triển ngành than.

Theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc TKV, nguyên nhân dẫn tới khó khăn của ngành than là ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, nhu cầu tiêu thụ chậm lại, trong khi năng lực sản xuất nhiều nước ở mức cao khiến giá giảm mạnh và lượng than nhập khẩu về Việt Nam tăng. Trong khi đó, đối với than trong nước, các loại thuế, phí trong giá thành các năm gần đây liên tục tăng, ảnh hưởng đến cân đối tài chính của Tập đoàn.

“Chỉ tính riêng thuế tài nguyên của Việt Nam đã cao hơn 7 - 10% so với các nước trong khu vực, trong khi thuế xuất khẩu than của nhiều nước là 0%, thuế nhập khẩu than vào Việt Nam hiện nay là 0%. Vì vậy, than các nước bán vào Việt Nam tăng nhanh đã gây sức ép lên thị trường tiêu thụ than trong nước, buộc TKV phải giảm sản xuất, gây ảnh hưởng tới việc làm, lợi nhuận và tổng số nộp ngân sách Nhà nước”, ông Biên cho biết.

Ngoài ra, điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu và xa hơn làm tăng hệ số bóc đất, tăng cung độ vận chuyển, suất đầu tư, từ đó gia tăng chi phí khấu hao và lãi vay. 

Chung tay nỗ lực vượt khó

Trong điều kiện khó khăn này, lãnh đạo TKV cho biết, Tập đoàn đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp: tái cơ cấu, hoàn thiện quản lý, điều hành sản xuất hợp lý, nâng cao năng suất lao động và tiết giảm chi phí. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến hết 6 tháng năm 2016, Tập đoàn đã giảm lao động từ 121.000 người xuống còn 115.000 người; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong khai thác. Với các nỗ lực này, nếu loại trừ yếu tố khách quan, giá thành các năm giai đoạn 2011 - 2015 giảm khoảng 1,5%/năm.

Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đồng thời triển khai các giải pháp theo Quy hoạch phát triển ngành than như: các bộ, ngành phối hợp với các địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo đủ điều kiện để phát triển ngành than theo Quy hoạch; tìm kiếm các cơ hội và thu xếp nguồn vốn để thực hiện việc đầu tư thăm dò, khai thác than ở nước ngoài dưới nhiều hình thức; tích cực đàm phán với các nước xuất khẩu than trên thế giới để ký hợp đồng nhập khẩu than ổn định, lâu dài cung cấp cho các hộ tiêu thụ trong nước, đặc biệt là các chủng loại than cho sản xuất điện; phát triển ngành than gắn với bảo vệ môi trường. 

“Hiện nay, TKV đang tập trung triển khai các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả kinh doanh, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020, cán bộ nhân viên toàn Tập đoàn đang chung sức để nỗ lực vượt qua khó khăn giai đoạn này”, ông Biên cho biết. 

Cần chính sách thuế phí phù hợp để tăng sức cạnh tranh

Thực tế cho thấy, hệ lụy của việc tăng thuế phí cao hơn các nước trong khu vực 7 - 10% đã làm giảm sức cạnh tranh của than Việt Nam.

“Than nhập khẩu của các nước tràn vào đúng lúc ngành than đang còn nhiều khó khăn, trong khi lẽ ra phải sau 2 năm nữa, khi nhu cầu than cho điện tăng cao, thì than nhập khẩu mới tăng nhanh”, ông Biên cho biết.

Cũng theo ông Biên, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, rất cần có sự chia sẻ, thấu hiểu của các nhà làm chính sách, nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nộp ngân sách và lợi nhuận để đầu tư phát triển doanh nghiệp như ngành mỏ các nước khác đã thực hiện nhiều năm nay.

“Chúng tôi tha thiết kiến nghị nhà nước cần sớm điều chỉnh thuế, phí về mức tương đương với các nước trong khu vực để tăng sức cạnh tranh, giữ vững thị trường và năng lực sản xuất của ngành”, ông Biên đề xuất.        

Tin bài liên quan