Tình trạng thiếu phân đạm có nguy cơ làm cắt giảm năng suất cây trồng toàn cầu

Tình trạng thiếu phân đạm có nguy cơ làm cắt giảm năng suất cây trồng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CF Industries, nhà sản xuất phân bón lớn cho biết, tình trạng thiếu phân bón nitơ do giá khí đốt tự nhiên tăng cao đang đe dọa làm giảm năng suất cây trồng toàn cầu trong năm tới.

Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu tăng cao khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch do ảnh hưởng của mức dự trữ khí đốt dưới mức trung bình khi bắt đầu mùa sưởi ấm mùa đông. Khí tự nhiên là nguyên liệu đầu vào chính trong sản xuất phân bón nitơ và chi phí cao hơn đã khiến một số nhà sản xuất cắt giảm sản lượng.

"Có rất nhiều nhu cầu chưa được đáp ứng và điều này sẽ khiến nhu cầu bị dồn nén. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, sản lượng sẽ giảm trên cơ sở toàn cầu vào năm tới. Không phải do nhu cầu tiêu thụ, chỉ vì không có đủ sản lượng”, Giám đốc điều hành CF Industries Tony Will cho biết.

Giá phân đạm, một trong những loại phân bón được sử dụng phổ biến nhất trong việc trồng ngô, cải dầu và các loại cây trồng khác cũng đang ở mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.

Trong khi đó, bão Ida cũng tấn công các nhà máy amoniac của CF Industries ở Louisiana vào cuối tháng 8 và buộc họ phải tạm dừng sản xuất.

Theo Bert Frost, Phó chủ tịch Cấp cao của CF Industries, nhu cầu phân bón toàn cầu có vẻ sẽ kéo dài ít nhất vào năm 2023.

Dự đoán của CF Industries về sản lượng cây trồng bị hạn chế trong thời gian tới cũng đồng thuận với quan điểm về dự đoán của công ty Yara International ASA vào tháng trước. Công ty này cảnh báo rằng, chi phí phân bón tăng sẽ làm tăng giá lương thực và có thể dẫn đến nạn đói trong những năm tới.

Trong khi đó, theo đánh giá của các công ty trong mùa báo cáo lợi nhuận quý III, các nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới là Nutrien và Mosaic dự kiến ​​giá phân bón sẽ tiếp tục tăng cao. Phân bón thường chiếm khoảng 35% chi phí hoạt động của nông dân trong việc trồng ngô. Con số đó có thể tăng lên 45% vào năm 2022 theo Bloomberg’s Green Markets.

Mặt khác, Nga sẽ hạn chế xuất khẩu phân bón nitơ trong 6 tháng để cố gắng kiềm chế bất kỳ sự gia tăng nào nữa của giá lương thực. Trung Quốc cũng đang hạn chế xuất khẩu nitơ.

Tình trạng khó khăn về năng lượng ở châu Âu đang khiến giá khí đốt tự nhiên, nguyên liệu chính cho hầu hết phân đạm và việc sử dụng than ở Trung Quốc đang giảm. Các nhà máy sản xuất phân bón ở châu Âu đã buộc phải đóng cửa hoặc giảm sản lượng. Điều đó đang làm tăng giá phân bón trên thị trường quốc tế.

Ở Mỹ, một số nông dân trồng ngô đang phải chịu mức giá cao hơn gấp đôi so với giá họ đã trả vào năm ngoái. Tại Brazil, khoảng 1/3 nông dân trồng cà phê của nước này không có đủ phân bón. Tại Thái Lan, một số nông dân trồng lúa đang kêu gọi chính phủ can thiệp vào thị trường.

Mặt khác, khi thị trường phân bón chứng kiến ​​những cú sốc về nguồn cung chưa từng có và giá cả kỷ lục, điều đó cũng đồng nghĩa với lạm phát lương thực trên toàn thế giới thậm chí còn có xu hướng khốc liệt hơn.

Tin bài liên quan