Hai công dân Canada là doanh nhân Michael Spavor và cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig đã bị Trung Quốc bắt với cáo buộc gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia nước này.
Peter Navarro, cố vấn chính sách thương mại của Nhà Trắng, cho rằng vụ Canada bắt giám đốc Huawei Mạnh Vãn Chu ngày 1/12 là lý do hai người này bị giam ở Trung Quốc, theo Global News.
Sau khi bà Mạnh bị cảnh sát Canada bắt theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ, nhiều nhà quan sát đã lo ngại về nguy cơ các quan chức, công dân hai nước này bị Bắc Kinh bắt để trả đũa.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 11/12 nhắc lại cảnh báo được đưa ra từ hồi tháng 1, trong đó kêu gọi người dân "tăng cường cảnh giác" bởi do "công dân Mỹ đang tới thăm hoặc cư trú tại Trung Quốc có nguy cơ bị thẩm vấn và giam tùy ý".
Tuy nhiên, Nelson Wiseman, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto, chỉ ra rằng Trung Quốc tới nay mới chỉ nhắm mục tiêu trả đũa vào công dân Canada chứ không phải Mỹ, dù Washington là bên đưa ra yêu cầu bắt bà Mạnh. Theo ông, Bắc Kinh có những toan tính chính trị nhất định đằng sau động thái đáp trả này.
"Người Trung Quốc có thể dễ dàng bắt các doanh nhân hoặc nhà ngoại giao Mỹ đang ở nước này, họ cũng có thể làm cả hai. Nhưng họ không làm vậy", Wiseman nói.
Sau khi thông tin về vụ bắt bà Mạnh được đưa ra, Trung Quốc đã phát đi những cảnh báo quyết liệt tới Canada về "hậu quả nghiêm trọng" nếu Ottawa không thả người.
Ngày 12/12, tổng biên tập Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, đăng một video cảnh báo rằng nếu Canada dẫn độ Mạnh sang Mỹ, sự đáp trả của Trung Quốc sẽ mạnh hơn nhiều.
Trong khi đó, Bắc Kinh dường như có giọng điệu nhẹ nhàng hơn với Washington. Ngày 9/12, Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Mỹ tại nước này và trao công hàm phản đối mạnh mẽ đối với vụ án. Trung Quốc cũng yêu cầu Mỹ rút lệnh bắt đối với giám đốc Huawei, nhưng họ không đe dọa về hậu quả nghiêm trọng như đã làm với Canada.
Wiseman cho rằng sự khác biệt trong cách Trung Quốc đối xử với Canada và Mỹ là vì vấn đề thương mại. "Họ chĩa mũi dùi vào Canada chứ không phải Mỹ vì Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với Mỹ", ông nói.
Mạnh Vãn Chu bị bắt đúng vào ngày lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ đồng ý ngừng áp thuế với hàng hóa của nhau trong 90 ngày, quyết định được ví như "lệnh ngừng bắn" trong chiến tranh thương mại giữa hai nước.
Vụ bắt bà Mạnh từng làm dấy lên lo ngại rằng các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung có thể "trật khỏi đường ray", nhưng Bắc Kinh mới đây tuyên bố các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra.
"Theo quan điểm của Trung Quốc, quan hệ thương mại với Canada chỉ như 'đồng bạc lẻ' so với Mỹ. Kim ngạch thương mại với Canada thấp hơn rất nhiều nên không thành vấn đề với họ", Nelson nhận xét. Ông cho rằng nếu thể hiện quan điểm và có hành động trả đũa gay gắt với Mỹ, lợi ích kinh tế quan trọng của Trung Quốc sẽ bị đe dọa.
Năm 2016, Trung Quốc xuất khẩu lượng hàng hóa hơn 48 tỷ USD sang Canada và nhập về 15 tỷ USD, theo World Integrated Trade Solution, công cụ của Ngân hàng Thế giới. Trong khi đó, năm 2016, Trung Quốc xuất khẩu hơn 480 tỷ USD sang Mỹ và nhập khẩu 115 tỷ USD.
Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, cho biết vì sự phụ thuộc kinh tế của Bắc Kinh vào Washington, Ottawa đã trở thành bên phải giơ đầu chịu báng. "Họ dĩ nhiên không thể nhắm vào Mỹ, vì vậy, họ hướng về phía chúng tôi", ông nói.
Ottawa đã nhiều lần tuyên bố vụ bắt Mạnh Vãn Chu không mang tính chính trị và chỉ tuân thủ luật pháp quốc tế về yêu cầu dẫn độ.
Roland Paris, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, viết trên Twitter vào cuối tuần trước rằng những nỗ lực gây sức ép của Bắc Kinh để buộc Ottawa nhượng bộ sẽ không có hiệu quả.
"Nhà nước Trung Quốc kiểm soát hệ thống tư pháp và có thể gặp khó khăn trong việc hiểu hoặc tin rằng tòa án có thể hoạt động độc lập trong một quốc gia thượng tôn pháp luật. Chẳng ích lợi gì khi gây sức ép với chính phủ Canada, bởi thẩm phán mới là người ra quyết định", Paris nói.