Tính toán của Masan Resources khi mua lại liên doanh Núi Pháo - H.C.Starck

Tính toán của Masan Resources khi mua lại liên doanh Núi Pháo - H.C.Starck

(ĐTCK) Masan Resources vừa công bố thông tin mua lại 49% cổ phần của H.C.Starck tại Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C.Starck (liên doanh) với giá trị 29,1 triệu USD. Đây là bước tiến tiếp theo của Masan trong việc tiến sâu vào chuỗi giá trị vonfram, mở rộng thị trường hoá chất công nghiệp vonfram.

Sáng ngày 15/8/2018, Công ty cổ phần Tài Nguyên Masan (MSR) đã công bố việc Công ty TNHH Khai thác và Chế biến Khoáng sản Núi Pháo - công ty con của Masan Resources mua lại 49% cổ phần của H.C.Starck Gmbh (HCS) tại Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C.Starck (NP - HCS) với giá trị 29,1 triệu USD.

Giao dịch này được tài trợ vốn hoàn toàn bởi nguồn tiền của Masan Resources. Núi Pháo - H.C.Starck đã chính thức trở thành công ty con do Masan Resources sở hữu 100%.

Từ lâu, MSR đã đặt mục tiêu trở thành nhà chế biến sâu hoá chất công nghiệp vonfram với quy mô hàng đầu. Hiện các sản phẩm của MSR đang chiếm 36% thị trường hóa chất vonfram (APT, BTO, YTO) thế giới ngoài Trung Quốc và Núi Pháo là mỏ vonfram đơn lẻ lớn nhất thế giới đi vào hoạt động trong vòng 15 năm trở lại đây.

Trước đây, hoạt động kinh doanh của mảng khai thác và chế biến vonfram của Masan Group chưa đem lại kết quả ấn tượng cho cổ đông và hoàn toàn bị lu mờ bởi mảng hàng tiêu dùng và thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, trong vòng hai năm trở lại đây, cùng với đà tăng giá của vonfram thế giới và nhu cầu cho các ngành công nghiệp chiến lược như dầu khí, quốc phòng, chất bán dẫn…, MSR lại vươn lên trở thành “ngôi sao” mới đem lại nhiều tin vui cho cổ đông của MSR lẫn Masan Group.

MSR đặt mục tiêu hợp nhất thị trường hoá chất công nghiệp vonfram với định vị là nền tảng hoá chất công nghiệp vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc và tăng ảnh hưởng lên ngành công nghiệp này.

Việc sở hữu 100% liên doanh đã thể hiện rõ quyết tâm của MSR khi những công nghệ của HCS tại nhà máy hiện đều thuộc về Công ty. Điều này cũng sẽ cải thiện kết quả kinh doanh nhờ vào việc tích hợp vào hoạt động kinh doanh của Núi Pháo và giảm cổ đông thiểu số.

Cụ thể, sau thương vụ này, mỗi năm MSR sẽ được lợi khoảng 8,5 triệu USD lợi ích kinh tế mỗi năm, bao gồm giảm 3 triệu USD chi phí vận hành; 4,5 triệu USD nhờ tăng công suất và 1 triệu USD nhờ vào giá bán sản phẩm cao hơn so với trước.

Theo đó, tỷ số lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) của MSR cho năm 2018 sẽ tăng lên thêm 14%. Việc mua lại 49% phần vốn góp của H.C.Starck sẽ giúp mang về thêm cho công ty liên doanh hậu sáp nhập thêm 59 triệu USD tiền mặt vào cuối năm 2019.

Ngoài ra, cái giá 29,1 triệu USD mà MSR đã bỏ ra để mua lại 49% cổ phần của HCS tại liên doanh NP - HCS là tương đối rẻ, khi MSR sẽ sở hữu hoàn toàn công nghệ để chế biến ra các sản phẩm công nghiệp vonfram cận sâu như Ammonium paratungstate (APT), Blue tungsten oxide (BTO), Yellow tungsten oxide (YTO); và sẽ không phải trả phí nhượng quyền để sử dụng công nghệ này.

Ngoài ra, MSR còn có thể chủ động hơn trong việc tìm đối tác thu mua các sản phẩm công nghiệp vonfram do nay đã sở hữu 100% liên doanh. 

Trong chuỗi giá trị vonfram hiện nay, MSR đã làm chủ được nguồn khoáng sản sơ chế (upstream) với mỏ Núi Pháo lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc và công nghệ chế biến cận sâu (midstream) thông qua sở hữu công nghệ của HCS.

Như vậy, để đạt được mục tiêu trở thành nhà chế biến sâu hoá chất công nghiệp vonfram tích hợp hoàn chỉnh (downstream) hàng đầu vào năm 2022, cũng như tăng thị phần lên trên 50% so với 36% như hiện nay, MSR sẽ phải hợp tác với một đối tác khác trong lĩnh vực chế biến sâu và có thể sẽ tiếp cận được công nghệ tiên tiến trên thế giới nhưđã làm với HCS.

Hiện nay, chưa có một công ty nào sở hữu được nguồn vonfram lớn như MSR, với trữ lượng hơn 50 triệu tấn quặng vonfram trong suốt vòng đời mỏ.

Nay với chiến lược chế biến sâu, MSR sẽ như “hổ mọc thêm cánh”. Có thể chỉ vài năm tới, thị trường sẽ chứng kiến một công ty Việt Nam đứng hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp chế biến sâu vonfram, một thị trường trị giá 11 tỷ USD (theo MSR).

Về kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2018 của MSR, Công ty đạt doanh thu thuần 3.239 tỷ đồng, tăng 26% so với nửa đầu năm 2017.

Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông trong nửa đầu năm 2018 là 300 tỷ đồng, tăng 376,2% so với cùng kỳ năm ngoái. MSR cũng nêu rõ sẽ tìm kiếm đối tác tài chính để tái cơ cấu nợ và cân nhắc việc IPO theo chuẩn quốc tế trong tương lai. Hiện MSR đang niêm yết trên sàn UPCoM với thị giá 27.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 18/8/2018.

Hiện nay, chưa có một công ty nào sở hữu được nguồn vonfram lớn như MSR. 

Nếu các doanh nghiệp khai thác và chế biến hoá chất công nghiệp vonfram như MSR có kinh nghiệm và lợi thế về nguồn cung vonfram và tài chính, thì các đơn vị như HCS lại có công nghệ chế biến hàng đầu.

Phát huy và tận dụng được các thế mạnh này sẽ giúp MSR tiến gần hơn đến mục tiêu năm 2022.

Nếu như trước kia, nhà đầu tư còn chưa tin tưởng mục đích mua lại mỏ Núi Pháo của Masan thì hiện nay, MSR đang thẳng tiến đi đến vị trí chiếm lĩnh thị trường vonfram toàn cầu ngoài Trung Quốc và chứng minh cho thế giới thấy rằng, một công ty Việt Nam có thể dẫn dắt sự thay đổi của thị trường vonfram toàn cầu.

Ông Craig Bradshaw - Tổng giám đốc của MSR chia sẻ: “Trước hết, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến đối tác H.C.Starck vì những đóng góp của họ cho Việt Nam và cho Masan Resources. 

Giao dịch này sẽ là một bước đi quan trọng đầu tiên giúp Công ty hiện thực hoá tầm nhìn trở thành nhà chế biến sâu hoá chất công nghiệp vonfram với quy mô và ảnh hưởng toàn cầu.

Đồng thời, giao dịch này sẽ giúp MSR sở hữu được công nghệ tiên tiến nhất. Hiện nay, Công ty đang là nhà cung cấp tinh quặng vonfram hàng đầu ngoài Trung Quốc, chiếm 36% thị trường vonfram thế giới ngoài Trung Quốc.

Với khát vọng và niềm tin của mình, kết hợp giữa tiềm năng Việt Nam và năng lực vận hành quốc tế, Việt Nam có thể tự hào khi Masan Resources thành công trong hành trình hiện thực hóa tầm nhìn trở thành nhà chế biến sâu hoá chất công nghiệp vonfram hàng đầu thế giới.

MSR sẽ đưa Núi Pháo trở thành biểu tượng của tinh thần “Vietnam can do”. Công ty đang đi đúng hướng trong việc không chỉ tạo ra giá trị lớn cho cổ đông, mà còn mang lại giá trị kinh tế - xã hội giúp nâng tầm vị thế Việt Nam trên sân chơi toàn cầu".

Tin bài liên quan