“Bắt đầu từ 1/7/2013, hơn 2 triệu người sẽ không phải tiếp tục nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Dù biết rằng nộp thuế là nghĩa vụ của công dân đối với đất nước, nhưng giảm nghĩa vụ về thuế vẫn là tin vui với người nộp thuế”. Đó là phát biểu của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, tại Hội thảo “Hướng tới thực thi hiệu quả Luật Thuế TNCN”, do Tạp chí Tài chính tổ chức tại Hà Nội ngày 16/5.
Đối với thuế chuyển nhượng chứng khoán sẽ được bỏ quy định về thủ tục đăng ký từ năm trước
Tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, việc Quốc hội ban hành Luật số 26/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN, đã khắc phục một số điểm bất cập của Luật hiện hành, đảm bảo đơn giản hoá chính sách, đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hoá công tác quản lý thuế.
Đồng tình với ý kiến trên, nhưng qua kinh nghiệm nhiều năm công tác trong lĩnh vực quản lý thuế, bà Cúc cho biết, người phải nộp thuế luôn mong muốn các cơ quan quản lý cần cụ thể đến từng chi tiết và công khai minh bạch khi xác định các khoản thu nhập chịu thuế, không chịu thuế, miễn thuế.
Đơn cử, về thu nhập từ tiền lương, tiền công chịu thuế được quy định bao gồm: tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công; các khoản phụ cấp, trợ cấp kể cả sinh hoạt phí mà người lao động nhận được, trừ một số khoản được miễn trừ không tính vào thu nhập chịu thuế theo quy định.
“Vậy Thông tư phải hướng dẫn thật cụ thể cách xác định thế nào để người nộp thuế, cơ quan thuế cùng hiểu thống nhất khoản nào chịu thuế, khoản nào không chịu thuế”, bà Cúc kiến nghị.
Hay như hướng dẫn nội dung: “Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được thụ hưởng dưới mọi hình thức”, thì theo bà Cúc, sẽ rất khó rõ ràng và thống nhất trong thực thi. Bởi trên thực tế, các khoản lợi ích mà người nộp thuế nhận được từ cơ quan chi trả thu nhập rất đa dạng: tiền thuê nhà ở, nghỉ mát, tham quan, xe đưa đón..., nếu đưa vào tất cả các khoản lợi ích vật chất, thì khó có thể quản lý thu đầy đủ.
“Do vậy, những văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung này nên liệt kê ra cụ thể các hình thức lợi ích vật chất có thể thu, kiểm soát được và có tính khả thi, không nên sợ bỏ sót mà ghi tất cả các khoản lợi ích vật chất khác, gây khó khăn trong việc xác định thu nhập”, bà Cúc nói.
Ghi nhận những ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã quyết định lựa chọn phương án ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 100/2008/NĐ-CP, trong đó có nội dung quy định chi tiết về các điều khoản được sửa đổi trong Luật mới.
Linh hoạt khi tính thuế chuyển nhượng chứng khoán
Theo quy định hiện hành, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán áp thuế suất 20% trên thực lãi nếu xác định được giá mua, giá bán và chi phí chuyển nhượng; trường hợp không xác định được chi phí và giá mua thì áp thuế 0,1% trên trị giá chuyển nhượng. Tuy nhiên, để được áp dụng thuế suất 20% trên thực lãi (hoặc không phải nộp thuế khi bị lỗ), Nghị định số 100/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định, cá nhân phải đăng ký với cơ quan thuế trước ngày 31/12 của năm trước.
Ông Phụng cho biết, khắc phục bất cập trên, Luật mới có quy định, cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán được lựa chọn kỳ tính thuế theo từng lần chuyển nhượng hoặc kỳ tính thuế theo năm. Theo đó, để triển khai thực hiện quy định này, tại dự thảo nghị định mới, Bộ Tài chính sẽ đề xuất Chính phủ bỏ quy định về thủ tục đăng ký từ năm trước đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán. Cụ thể, thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán là 20% trên thu nhập tính thuế cả năm áp dụng đối với trường hợp đối tượng nộp thuế có chứng từ, xác định được thu nhập tính thuế. Đối với các trường hợp khác, áp dụng thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.
Bên cạnh đó, ông Phụng cũng cho rằng, việc quy định tạm khấu trừ theo mức 0,1% trên mọi giao dịch chuyển nhượng chứng khoán từng lần của cá nhân nhằm đảm bảo tính kịp thời, thu đúng, thu đủ trong thu ngân sách, vì vậy vẫn cần duy trì thực hiện. Trách nhiệm khấu trừ thuế thuộc về công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, nơi cá nhân lưu ký chứng khoán, tổ chức phát hành chứng khoán.