Từ thế giới…
Theo tự bạch, trong một lần du lịch tới Mỹ năm 1995, chàng trai Trung Quốc 31 tuổi lần đầu tiếp xúc với internet - Jack Ma vô cùng ngạc nhiên khi trong hàng trăm, hàng trăm kết quả trả về của từ khóa “Beer”, Yahoo!, không hề có tên Trung Quốc. Ngay lập tức, Jack Ma nhận ra một cơ hội kinh doanh lớn ở thị trường dân số 1 tỷ người nhưng chưa được phủ sóng internet. Cùng với nhóm bạn bè, không bao lâu sau, một cổng điện tử kết nối cơ hội giao thương giữa Trung Quốc với quốc gia bên ngoài - tiền thân của trang thương mại điện tử Alibaba ngày nay, ra đời.
Trong bài nói chuyện ở Davos, Jack Ma chia sẻ, 5 năm đầu công ty không có lãi, chỉ các đối tác của Alibaba được hưởng lợi. Ông kể, một lần đi ăn, khi kêu tính tiền, người phục vụ nói hóa đơn đã được thanh toán, kèm một mẩu giấy, đại ý: “Cám ơn cậu, tôi biết cậu chưa có lời, nhưng nhờ cậu, tôi kiếm kha khá”. Lần khác, ở quán cà phê, một vị khách vô danh tặng Jack Ma hộp xì gà với lời cám ơn tương tự.
Trước khi vươn tới đỉnh cao danh vọng và trở thành người giàu nhất Trung Quốc đại lục vào cuối năm 2014, rồi cả châu Á vào đầu năm 2015, ông chủ của Alibaba đã từng có những cú trượt ngã không thể bẽ bàng hơn: 30 lần vác đơn đi xin việc, cả 30 lần bị từ chối. Thi tuyển vào lực lượng vũ trang, trong số 6 người được phỏng vấn, Jack là người duy nhất bị rớt đài. Phỏng vấn tuyển dụng vào Công ty KFC địa phương, kết quả còn tồi tệ hơn khi trong số 24 người dự tuyển, ông là người duy nhất bị đánh trượt.
Trắc trở như vậy nhưng doanh nhân từng tuyên bố gây sốc “35 tuổi, nếu chưa giàu thì đó là lỗi tại bạn”, đã vươn lên đỉnh thành công từ nghị lực bền bỉ, khả năng tự học hỏi. Sinh trưởng tại ngoại ô TP. Triết Giang, ngay từ khi rất trẻ mỗi ngày ông đã đạp xe 45 phút tới một khách sạn hạng sang nơi có nhiều du khách chỉ để tìm cơ hội đàm thoại với người nước ngoài. Nhằm hoàn thiện kỹ năng nghe nói, vị cựu giáo viên tiếng Anh chấp nhận có thời kỳ làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí cho du khách nước ngoài.
Tinh thần bền bỉ giúp Jack Ma biến một công ty khởi nghiệp có vốn đầu tư ban đầu 60.000 USD (năm 1999) thành một tên tuổi lớn thế giới khi được định giá 200 tỷ USD trong đợt IPO tại Mỹ hồi giữa năm 2014. Riêng cổ đông sáng lập Jack Ma, theo đánh giá của Bloomberg, trở thành người giàu nhất châu Á với tài sản khoảng 36 tỷ USD, xếp trên “ông trùm” Lý Gia Thành.
Trong lần ghé Việt Nam giữa năm 2014, câu chuyện khởi nghiệp của tỷ phú Malaysia Vincent Tan chia sẻ trong một buổi tiệc tối tại TP. HCM cũng thú vị không kém. Chủ tịch Tập đoàn Berjaya (đã hiện diện hoạt động tại Việt Nam ở mảng bất động sản và chứng khoán) kể rằng, tình cờ tại một phòng chờ, ông đọc câu chuyện Mc Donald’s chinh phục nước Mỹ qua Tạp chí Times. Quá thích thú, chàng trai 31 tuổi viết thư tới trụ sở Mc Donald’s nêu thành ý muốn hợp tác kinh doanh đưa thương hiệu khổng lồ này về Malaysia. Quá nhiều lần nhận thư, lãnh đạo Mc Donad’s đành phải hồi âm: “Thôi đừng viết thư nữa. Mọi điều về Malaysia chúng tôi biết cả rồi!”. Không nản chí, Vincent kể ròng rã 7 năm trời, gần như hàng tuần gửi thư cho đến khi nhận được cái gật đầu. Theo tự bạch, đây là bước ngoặt lớn của người trước đó phải bất đắc dĩ bỏ dở chương trình trung học vì gia cảnh nghèo khó.
Câu chuyện về hai chàng trai trẻ Evan Spiegel (23 tuổi) và Bobby Murphy (26 tuổi) viết ứng dụng Snapchat (một phần mềm đảm bảo tính riêng tư trên Internet với hình ảnh gửi đi tự biến mất sau một thời gian nhất định) mang một sắc thái khác. Từ chối khoản tiền 3 tỷ USD mua lại Snapchat từ Facebook, hai anh chàng người Mỹ bị xem là “điên rồ” khi Snapchat chưa mang về một đồng doanh thu nào. Quyết định kinh doanh được săm soi nhất năm 2013 té ra không mấy bí hiểm. Cả hai đều nuôi khát vọng và niềm tin có thể đảo ngược hệ thống thứ bậc truyền thông xã hội và ứng dụng internet vốn đang được cầm trịch bởi các ông lớn như Zukerberg (Facebook), Lary Page (Google)…
Dù khác nhau về điều kiện xuất thân, chọn lối đi và con đường kinh doanh khác nhau, nhưng cả Jack Ma, Vincent Tan hay Spiegel và Murphy đều có điểm chung nuôi dưỡng khát vọng bản thân. Họ chinh phục nhiều mục tiêu khác nhau mà chắc chắn tiền bạc chưa phải mục đích tối thượng. Chẳng hạn, Vincent Tan chia sẻ về việc hiến tặng một nửa tài sản cho mục tiêu từ thiện: “Bản thân tôi xuất thân từ bần hàn. Tôi trở nên giàu có là nhờ xã hội đã mua sắm sản phẩm sử dụng dịch vụ của mình. Vậy nên chúng ta phải biết chia sẻ lại cho xã hội”.
…Nhìn về Việt Nam
Năm 2003, ở tuổi 49, với 3 tỷ đồng tích lũy sau vài năm cho thuê kho lạnh, Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT CTCP Hùng Vương khởi nghiệp kinh doanh lần hai. Xuất phát điểm sau nhiều thương hiệu thủy sản có tiếng trong nước cả chục năm nhưng trong vòng 3 năm, Hùng Vương vươn lên trở thành công ty đầu ngành nhờ phát hiện và khai thác thị trường ngách. Đam mê hết mình với con cá tra, ông Minh phát hiện cá nuôi ao giá thu mua vừa rẻ hơn cá nuôi bè, vừa cho sản lượng cao hơn. Suốt vài năm Hùng Vương chỉ “khai thác” mảng sản phẩn này nên giai đoạn 2003 - 2004, tỷ suất lợi nhuận Công ty cao gấp 3 mức bình quân toàn ngành.
Hiện nay, mỗi năm lĩnh cổ tức tiền mặt 60 - 70 tỷ đồng, phần lớn dành thưởng cho cấp dưới và mục đích từ thiện, ông chủ Hùng Vương luôn xuất hiện với bộ dạng xuềnh xoàng, áo thun, quần bò, dép lê lẹt xẹt. Sở hữu lượng cổ phần có giá trị thị trường 1.500 tỷ đồng nhưng doanh nhân 59 tuổi dùng 2 chiếc điện thoại Nokia được tặng cách đây chục năm. Nếp sinh hoạt giản dị khiến nhiều người tiếp xúc phải tự hỏi mục đích kinh doanh của ông là gì? “Tôi muốn chứng minh năng lực của mình. Chứng minh tư duy lề lối làm việc của mình trước đây”, Chủ tịch Hùng Vương nói.
Ông Minh khởi nghiệp kinh doanh lại sau nốt trầm 7 năm 4 tháng vướng vòng lao lý (1993 - 2000). Thời bao cấp, Công ty Hùng Vương nơi ông làm lãnh đạo chưa nhận một đồng vốn ngân sách, nhưng đạt kim ngạch xuất khẩu 30 triệu USD mỗi năm. Công ty xuất khẩu thủy sản và nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990, biến động tỷ giá nằm ngoài khả năng tiếp cận thông tin của DN thời ấy. Gây thua lỗ, ông bị buộc tội làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
“DN mình vận hành như vậy ngày hôm nay thì không có lỗi nhưng ngày xưa bị xem là có tội”, ông Minh nói và giải thích việc khởi nghiệp lại đặt tên Công ty vẫn là Hùng Vương như một sự khẳng định bản thân. Còn đâu đó các ý kiến nghi ngờ về sự bền vững khi Hùng Vương đang đẩy mạnh hoạt động M&A bằng đòn bẩy tài chính, nhưng khó có thể phủ nhận khả năng nắm bắt cơ hội và nghị lực của ông chủ Hùng Vương.
Nhìn rộng ra thị trường, cộng đồng doanh nhân Việt Nam không hiếm những tấm gương có câu chuyện lập thân, lập nghiệp thú vị tương tự. Khối trong nước có thể kể đến các gương mặt kỳ cựu như doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh Gia Lai), Trần Đình Long (Hòa Phát), Lê Phước Vũ (Hoa Sen Group)… Khối cựu du học sinh Đông Âu có thể kể đến những cái tên như tỷ phú Phạm Nhật Vượng (Vingroup), Nguyễn Viết Lam (Sun Group), Nguyễn Đăng Quang (Masan), Đặng Khắc Vỹ (VIB)…
Một chuyển động đáng ghi nhận gần đây là bên cạnh lớp doanh nhân U40 - U50 thành danh, ngày càng có nhiều người trẻ sinh sau chiến tranh, được thừa hưởng nền giáo dục đầy đủ hơn cha anh chọn con đường khởi nghiệp riêng thay vì đi làm thuê. Xu hướng đang hình thành rõ nét hơn với các du học sinh trở về từ quốc gia tiên tiến trong 2 - 3 năm trở lại đây.
Nhưng câu chuyện tốn nhiều giấy mực của báo giới, truyền cảm hứng cho những người trẻ tiêu biểu trong năm 2014 chắc chắn là Nguyễn Hà Đông. Trao đổi với giới truyền thông, cha đẻ Flappy Bird cho biết, trước khi gặt hái thành công đã mất 8 năm để học hỏi và làm đủ tốt về đồ họa và lập trình tại một lĩnh vực mà “chỉ có 1% có thể kiếm đủ sống”. Tự nhận “học chậm, kém thông minh”, nhưng cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định “không bỏ cuộc hay cẩu thả trong nghề nghiệp.”
Các con số nghiên cứu tại Mỹ cho biết, cứ 10 DN khởi nghiệp sau 5 năm chỉ còn 6 và sau 10 năm chỉ còn 1 tồn tại. Tại Việt Nam chưa có các con số thống kê tương tự, nhưng chắc chắn sự thật cũng nghiệt ngã chẳng kém. Các số liệu có khiến nhiều người trẻ phải cân nhắc khi chọn con đường khởi nghiệp, nhưng có nên từ bỏ giấc mơ? Xin nhắc lại tổng kết của Jack Ma trong lần nói chuyện mới đây ở Davos: “Nếu ta không bắt tay vào làm cái gì cả thì không có điều gì xảy ra. Còn nếu bắt tay vào làm thì ít nhất có hy vọng”.