Trong 5 tháng đầu năm 2014, FDI của Trung Quốc tại Việt Nam chỉ có 36 dự án quy mô nhỏ, với vốn đăng ký 130 triệu USD, có thể do những khó khăn nội tại của nền kinh tế, nên nằm trong xu thế suy giảm chung về hoạt động đầu tư ra nước ngoài của nước này.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, so với cùng kỳ năm 2013 thì các khoản đầu tư ở nước ngoài vào khu vực phi tài chính đã giảm 10,2% trong 5 tháng đầu năm nay, còn 30,81 tỷ USD. Tuy vậy, đầu tư của Trung Quốc tại Hoa Kỳ tăng 144%, đạt 2,03 tỷ USD; tại Nga và Nhật Bản tăng lần lượt 105,7% và 141,9%; tại các nước ASEAN tăng 4,2%, đạt 1,9 tỷ USD.
Tình trạng FDI của Trung Quốc tại nước ta trong nửa đầu năm 2014 giảm sút có thể do những nguyên nhân khác gắn với quan hệ chính trị giữa hai nước, đặc biệt là vấn đề Biển Đông.
Trước sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta, một số phần tử xấu lợi dụng các cuộc biểu tình của người lao động đã đe dọa tính mạng nhiều người nước ngoài, nhất là người Hoa, phá hoại tài sản, gây thiệt hại cho hàng chục doanh nghiệp FDI, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc. Lợi dụng sự việc này, nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc đã tuyên truyền bôi xấu môi trường đầu tư của Việt Nam, đòi bồi thường thiệt hại, mặc dù Chính phủ và chính quyền địa phương nước ta đã kịp thời đề ra chủ trương và thi hành các giải pháp hỗ trợ những doanh nghiệp bị tổn thất, được nhiều doanh nghiệp FDI đánh giá cao.
Đằng sau những luận điệu tuyên truyền như vậy sẽ là chủ trương và hành động có liên quan đến quan hệ kinh tế giữa hai nước, bao gồm đầu tư của Trung Quốc tại nước ta, nên cần được các cơ quan có trách nhiệm theo dõi để đưa ra các dự báo và có giải pháp ứng phó mọi tình huống.
Tuy vậy, cũng có những động thái mới của doanh nghiệp Trung Quốc muốn tranh thủ cơ hội mới khi Việt Nam đang triển khai đàm phán hàng loạt hiệp định tự do thương mại, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với EU, với Hàn Quốc, với Nga, hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, theo đó Việt Nam sẽ được hưởng nhiều ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa sang những thị trường đó.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc từ 3 tỉnh biên giới với nước ta và cả các địa phương nằm sâu trong nội địa Trung Quốc đã đến thăm dò khả năng đầu tư tại Việt Nam. Điển hình là tháng 3/2004, tỉnh Nam Định đã cấp giấy đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Dệt may Yuluon tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) thực hiện dự án dệt, sợi, nhuộm có vốn đăng ký 68 triệu USD tại Khu công nghiệp Bảo Minh (huyện Vụ Bản).
Doanh nghiệp Trung Quốc đang xúc tiến một số dự án quy mô vài trăm triệu USD đầu tư vào dệt, nhuộm, may mặc tại Việt Nam để sản xuất tại chỗ hàng xuất khẩu sang EU, Hoa Kỳ với những ưu đãi về thuế quan, nhằm thay thế một phần hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang các thị trường này phải chịu thuế cao hơn.
Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các công ty trong nước mua lại doanh nghiệp nước ngoài để chiếm lĩnh thị trường và thu thập kinh nghiệm kinh doanh quốc tế. Đây cũng là chủ trương mới, có thể được thực hiện ở nước ta thông qua hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A). Chủ trương này khá hợp thời, khi quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở nước ta, trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế lớn, đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai. Tiếp nhận M&A của doanh nghiệp Trung Quốc như thế nào khi nhiều tập đoàn kinh tế lớn, như PetroVietnam, Vietnam Airlines, Tập đoàn Than - Khoáng sản…, công bố phương án bán ra thị trường một tỷ lệ cổ phiếu nhất định cho các doanh nghiệp nước ngoài là vấn đề rất đáng lưu ý.
Những động thái và chủ trương mới của Trung Quốc cần được nghiên cứu, theo dõi sát sao để có chỉ dẫn thích hợp về hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam, nhằm thực hiện thống nhất trong cả nước, tránh tình trạng nơi ưu ái, nơi không khuyến khích.
Trước những động thái mới trong quan hệ Việt - Trung, đã có nhiều tổ chức quốc tế đưa ra dự báo ngắn hạn và dài hạn. Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng HSBC nhận định: “Đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam dù có tăng lên trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn tương đối nhỏ. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, vì vậy, mối quan hệ kinh tế giữa hai nước đơn thuần là quan hệ chuỗi cung ứng cấp 1, hơn là quan hệ đầu tư… Do vậy, nhìn từ góc độ tăng trưởng, tác động ngắn hạn của những sự kiện gần đây sẽ tương đối ít. Ngành sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất là dịch vụ du lịch, nhưng chỉ là tạm thời”.
HSBC khuyến cáo Việt Nam nên cố gắng nội địa hóa nguyên liệu đầu vào để tăng cường quản lý chuỗi cung ứng của mình và giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc.
Một nguồn thông tin khác đến từ tờ China Post của Đài Loan có liên quan đến FDI vào Việt Nam sau sự kiện xảy ra tại Hà Tĩnh gây thiệt hại lớn trên công trường thi công Dự án Khu liên hợp luyện thép quy mô lớn nhất Việt Nam của Tập đoàn Formusa, để có cách tiếp cận đa chiều.
Tại hội nghị cổ đông tổ chức gần đây, khi một số người chất vấn lãnh đạo doanh nghiệp về sự kiện đã xảy ra, tiến độ đầu tư tại Việt Nam, chi phí xây dựng tăng hàng triệu USD, Chủ tịch Tập đoàn Formosa Lý Chí Thôn đã giải trình: “Việt Nam là một ngoại lệ, là nơi hiếm hoi phù hợp với việc xây dựng nhà máy sản xuất thép do thị trường Việt Nam giàu tiềm năng. Việt Nam có chính sách ưu đãi đặc biệt với nhà đầu tư Đài Loan, nên nếu Tập đoàn không tiếp tục đầu tư thì sẽ bị đối thủ nhảy vào thế chân ngay”.
Ông Lý Chí Thôn cũng than vãn việc đầu tư vào Trung Quốc đại lục bây giờ cực kỳ khó khăn và cho biết, nước này đang thừa một lượng thép khổng lồ do sản xuất thừa, trong khi châu Âu hạn chế nhập khẩu thép của Trung Quốc và thị trường bất động sản của Trung Quốc lại đóng băng.
Như vậy, cần nhận diện đúng hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại nước ta để đánh giá tác động tích cực, đồng thời xử lý có hiệu quả các khiếm khuyết đã được phát hiện, quan tâm đến động thái mới trong quan hệ Việt - Trung, nhằm lựa chọn đúng doanh nghiệp và dự án đầu tư, thu hút thêm vốn đầu tư từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phù hợp với định hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả dòng vốn FDI.