"Phẫu thuật" từ 1/1/2011
Dự thảo Đề án kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn của DN 100% vốn nhà nước đang được Bộ Tài chính gấp rút hoàn chỉnh, để có thể triển khai từ ngày 1/1/2011, nhằm thu thập dữ liệu về vốn, tài sản tại DN 100% vốn nhà nước, trên cơ sở đó giúp cho việc hoạch định chính sách quản lý đối với các DN này khi chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp đảm bảo chuẩn xác, hiệu quả hơn.
Theo dự thảo Đề án, đối tượng kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn nhà nước lần này là các DN do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ. Cụ thể, đối với công ty TNHH một thành viên gồm tổng công ty độc lập, công ty mẹ (đối với tổng công ty, tập đoàn hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con), công ty thành viên hạch toán độc lập của các tập đoàn, tổng công ty; đối với công ty cổ phần nhà nước là các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; cuối cùng là các công ty liên doanh 100% vốn Nhà nước (các bên tham gia liên doanh là các công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ).
Việc kiểm kê sẽ tập trung làm rõ "bức tranh" nguồn vốn tại DN: nợ ngắn hạn, nợ dài hạn, vốn chủ sở hữu, nguồn kinh phí và quỹ khác… Kèm theo đó, việc xác định tài sản tại DN cũng được tiến hành, trong đó gồm: tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn (tài sản cố định, bất động sản đầu tư, các khoản đầu tư tài chính dài hạn, giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế thương mại, giá trị thương hiệu…).
Tiền của minh bạch
Theo Bộ Tài chính, trên cơ sở kết quả kiểm kê sẽ đưa ra các phương án xử lý đối với từng trường hợp cụ thể. Nếu trong cùng một DN hạch toán độc lập, trường hợp có tài sản thừa và tài sản thiếu, thì giá trị tài sản thừa được bù trừ cho giá trị tài sản thiếu; phần chênh lệch còn lại nếu tăng thì hạch toán tăng vốn nhà nước, nếu giảm sẽ tính vào kết quả kinh doanh. Đối với các khoản đầu tư tài chính, nếu giá trị thực tế cao hơn giá trị sổ sách thì ghi theo giá trị thực tế, phần chênh lệch ghi nhận vào thu nhập chưa thực hiện; nếu giá trị thực tế thấp hơn giá trị sổ sách thì lấy theo giá trị sổ sách. Trường hợp DN không có lãi thì vẫn phải hạch toán vào kết quả kinh doanh để phản ánh đúng tình hình tài chính của DN, khoản lỗ này DN được trừ vào lợi nhuận trước thuế của các năm sau. Trường hợp DN được giao đất không phải nộp tiền sử dụng đất thì hạch toán tăng vốn nhà nước đối với giá trị quyền sử dụng đất được giao. Đối với các DN nhận chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất, được giao đất phải nộp tiền sử dụng đất, thì phần chênh lệch do đánh giá lại được hạch toán tăng vốn nhà nước…
Giá trị vốn nhà nước tại DN được tính bằng giá trị tổng tài sản đánh giá lại trừ đi nợ phải trả, quỹ khen thưởng và phúc lợi, nguồn kinh phí và quỹ khác (nếu có). Nếu DN có giá trị kiểm kê thực tế nhỏ hơn giá trị sổ sách thì DN phải có báo cáo giải trình nguyên nhân giá trị giảm, đồng thời xử lý trách nhiệm các cá nhân có liên quan. Kết quả xử lý phải gửi tới Ban Chỉ đạo kiểm kê của các Bộ, ngành đối với DN Trung ương, gửi UBND cấp tỉnh đối với các DN địa phương để xử lý; đồng thời gửi Bộ Tài chính để theo dõi, giám sát.
Nhằm đảm bảo kết quả kiểm kê chuẩn xác, Bộ Tài chính đề xuất phương án, các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện kiểm kê văn phòng tập đoàn, văn phòng tổng công ty và các đơn vị hạch toán phụ thuộc; giám sát, thẩm định, tổng hợp kết quả kiểm kê của công ty thành viên do công ty mẹ giữ 100% vốn điều lệ. Riêng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Công ty Đầu tư tài chính TP. HCM có trách nhiệm thành lập Ban Chỉ đạo, kiểm kê, giám sát, thẩm định, xử lý kết quả kiểm kê của văn phòng SCIC và Công ty Đầu tư tài chính TP. HCM, tổng công ty, công ty độc lập đã bàn giao về SCIC, để tổng hợp kết quả gửi Bộ Tài chính. Trên cơ sở kết quả kiểm kê vốn, tài sản của các DN, Bộ Tài chính sẽ tập hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ Tài chính, khoảng cuối tháng 10 tới, các Bộ sẽ ban hành văn bản hướng dẫn kiểm kê và đánh giá lại tài sản trên cơ sở phương án mà Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp đó, từ tháng 11 đến ngày 15/12/2010 sẽ tập huấn cho các DN để chính thức kiểm kê từ ngày 1/1/2011.