Bài 2: Những chiến binh đặc biệt
Khi dịch Covid-19 vào những ngày căng thẳng nhất, một “đội quân tinh nhuệ” gồm các chuyên gia đầu ngành, cán bộ y tế giàu kinh nghiệm ở các mặt trận được điều tới Bắc Giang hỗ trợ phòng, chống.
Hối hả guồng quay công việc
Ngày 10/6, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương cho hay, giai đoạn khó khăn, căng thẳng nhất trong công tác phòng chống dịch tại Bắc Giang đã qua. Có được tín hiệu tích cực đó là nhờ sự có mặt của “đội quân tinh nhuệ” thuộc các tổ công tác của Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng, chống Covid-19 tại Bắc Giang.
Trước đó, đúng vào ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5), Bộ phận Thường trực đặc biệt hỗ trợ chống dịch của Bộ Y tế tại Bắc Giang, Bắc Ninh đã chính thức đi vào hoạt động. Góp mặt ở trận chiến ở Bắc Giang là những gương mặt thân quen với cả nước trong các chiến tuyến bỏng rát Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương.
Ngày đầu chính thức vận hành, ở tổng hành dinh đặt tại UBND tỉnh Bắc Giang, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt là Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã điểm danh và giao nhiệm vụ cho từng người. Cuộc họp sau đó diễn ra trong vòng một giờ để đề ra các kế hoạch, các giải pháp tác chiến. Sau cùng, “tướng trận” chốt một câu chắc nịch đầy quyết tâm: “Thôi, ai vào việc đấy, đi làm thôi!”.
Từ khi nhận lệnh, tổ hợp mấy chục con người luôn hối hả, làm việc hết công suất từ sáng đến đêm. Là một trong nhiều cán bộ được cử về chi viện Bắc Giang từ ngày 18/5 đến nay, chị Nguyễn Phương Thảo (Vụ Truyền thông, Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế) cho hay, hơn 20 ngày qua thực sự là những ngày bận rộn, căng thẳng với đôi chân mệt nhoài, đôi tay mỏi nhừ, song đó lại là những ngày quá nhiều cảm xúc mà chị sẽ không bao giờ quên.
Cứ 8h sáng, Bộ phận Thường trực đặc biệt đều đặn họp giao ban để trao đổi và định hướng những việc cần làm để ứng phó với tình hình dịch bệnh. Sau đó, ai vào việc nấy, người phụ trách xét nghiệm lo tìm phương án để xét nghiệm số mẫu lớn nhất trong thời gian ngắn nhất; người phụ trách điều trị nghĩ cách điều phối, đảm bảo đủ nhân lực, trang thiết bị, máy thở, giường ICU, cân nhắc địa điểm đặt bệnh viện dã chiến…; bộ phận cách ly bàn bạc các phương án giãn cách, thiết kế bản đồ dịch cho tỉnh để nắm bắt và dự đoán tình hình dịch.
Tối đến, các hoạt động họp hành, bàn bạc, tận dụng trí tuệ tập thể vẫn rất sôi động. Những cuộc họp bắt đầu lúc 19h30, kết thúc vào 23h30 diễn ra thường xuyên. Những tối không phải họp, mỗi người một máy tính, hay điện thoại di động, người thì xây phần mềm thống kê, code hoá dữ liệu; người viết hướng dẫn theo dõi, điều trị; người lại xây dựng quy trình truy vết, cách ly tương ứng với tình hình, vùng khu vực; người biên tập thông tin, báo cáo. Nhóm Zalo của Bộ phận Thường trực đặc biệt đến nửa đêm vẫn chiu chíu các tin nhắn và cuộc gọi trao đổi công việc.
Phụ trách Tổ Xét nghiệm, ngay khi tới Bắc Giang, PGS-TS. Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bắt tay ngay vào việc tìm kiếm các giải pháp cho công tác xét nghiệm do đặc điểm dịch tễ nơi đây có khác biệt rất lớn so với các điểm nóng dịch bệnh trước đó. Khó khăn lớn nhất lúc này là dịch lây lan lan nhanh ở khu công nghiệp, nên số lượng người có liên quan dịch tễ, cần xét nghiệm lên tới vài chục ngàn người.
Ngoài đội ngũ tại chỗ, nhiều sinh viên từ các trường y dược, cán bộ y tế các tỉnh, thành phố cũng được huy động hỗ trợ lấy mẫu, song vẫn chưa đủ. Để khắc phục điều này, các thành viên trong Tổ Xét nghiệm đã cân nhắc nhiều phương án, sau đó thống nhất đề xuất với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang việc tổ chức tập huấn và xây dựng video hướng dẫn để người dân tự lấy mẫu test nhanh trong các khu cách ly tập trung và nhân viên y tế lấy mẫu test nhanh trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, ngoài xét nghiệm PCR, Tổ Xét nghiệm đề xuất sáng kiến triển khai test nhanh để sàng lọc tại chỗ các nguồn lây nhiễm mạnh. Giải pháp này được sử dụng cho các trường hợp có triệu chứng và thực hiện tại các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao và khu cách ly tập trung. Còn phương pháp xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp/ mẫu đơn được chỉ định linh hoạt theo tình hình dịch tại từng khu vực. Các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao thực hiện theo kế hoạch 72h/lần, các khu vực cộng đồng 5 ngày/lần để tầm soát nguy cơ lan bệnh trong cộng đồng.
Ngoài ra, phương pháp lấy mẫu xét nghiệm cũng được thực hiện theo hình thức mới, chia nhỏ các nhóm đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để lấy mẫu, nhằm hạn chế tới mức tối đa việc lây nhiễm chéo. Nhờ áp dụng phương pháp trên, mà các ổ dịch nóng tại Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng (huyện Việt Yên) đã từng bước được sàng lọc, làm sạch và đến nay gần như đã được khống chế và kiểm soát.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn bàn phương án tác chiến với lãnh đạo các tổ công tác của Bộ phận Thường trực đặc biệt tại Bắc Giang |
Trắng đêm tìm F, bạc tóc giảm tải cách ly
Là gương mặt quen tại hầu hết các điểm nóng Covid-19, PGS-TS. Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là Tổ trưởng Tổ Điều tra, giám sát dịch tễ tại tâm dịch Bắc Giang. Một năm qua, dù số ngày được ở bên gia đình trọn vẹn chỉ đếm được trên đầu ngón tay, song ông quan niệm, xông lên tuyến đầu là nghĩa vụ của các cán bộ y tế khi dịch bệnh hoành hành.
Được hỏi về áp lực mà ông và đồng nghiệp đang trải qua tại Bắc Giang, chỉ huy mặt trận truy vết cho hay, đây thực sự là những ngày tháng căng thẳng và quá tải, bởi khối lượng công việc đồ sộ. Cứ mỗi ca bệnh được phát hiện, khi bệnh nhân được đưa tới cơ sở điều trị là lúc các cán bộ y tế truy vết lại oằn mình vì công việc. Tuy vậy, họ hiểu rất rõ trọng trách của mình, bởi chỉ cần bỏ sót một F là đặt cả cộng đồng vào tình thế lâm nguy.
Đỉnh điểm là ngày 25/5, khi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ghi nhận gần 400 ca mắc Covid-19, áp lực công việc với cán bộ truy vết thật sự rất quá lớn. Những mệnh lệnh ngắn gọn được đưa ra liên tục, các cuộc điện thoại reo lên không ngừng để cử cán bộ đến điểm này, điểm kia truy vết, guồng quay công việc cứ tới tấp. Từ sáng đến đêm, từ đêm tới sáng, các tổ công tác nối tiếp nhau không ngưng nghỉ để truy vết ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch.
Trước số lượng cần truy vết ngày một tăng, ông Dương và các thành viên của Tổ Điều tra, giám sát dịch tễ đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Bắc Giang phong tỏa ngay các khu dân cư tập trung đông công nhân có nguy cơ cao như: Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng, Quang Biểu; thiết lập mô hình khu cách ly y tế tập trung tại chỗ tại các khu vực nguy cơ cao nhằm khoanh vùng, khống chế dịch. Đồng thời, thực hiện nghiêm ngặt việc nội bất xuất, ngoại bất nhập, không cho nguồn lây có cơ hội thoát ra ngoài để lây lan sang các địa phương khác.
Sau khi sàng lọc ra các ca F0 đưa đi điều trị, nếu không triển khai tốt các công tác quản lý, điều hành, phân luồng, phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly, thì sẽ phát sinh nhiều ca F0 mới, gây quá tải hệ thống các cơ sở y tế. Đặc biệt, công tác này càng quan trọng ở Bắc Giang, vì tổng số khu cách ly tập trung lên tới 210, quản lý trên 14.000 người.
Ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, phụ trách Tổ Cách ly y tế và xử lý môi trường của Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang cho hay, ngay tối 15/5, Tổ đã đề xuất tỉnh thành lập Tổ Giám sát y tế gồm thành viên của Sở Y tế và CDC Bắc Giang.
Sau khi được thành lập, các thành viên của Tổ Giám sát y tế đã được đào tạo, tập huấn để tiến hành tập huấn lại cho các tổ giám sát của các huyện, hướng dẫn các huyện triển khai các biện pháp phòng chống lây nhiễm chéo ở khu cách ly. Tổ cũng đề xuất, ở các khu cách ly, mỗi phòng, hoặc mỗi người trong phòng được trang bị cặp nhiệt độ để tự theo dõi, báo ra bên ngoài khi có biểu hiện nhiệt độ cao bất thường, nhằm giảm tải cho cán bộ y tế.
Khi ở Hải Dương, ông Nam cùng nhiều chuyên gia đã xây dựng một số tài liệu sử dụng cho các khu cách ly tập trung. Khi đến Bắc Giang, tổ công tác đã hiệu chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế tại đây, đồng thời xây dựng một phần mềm quản lý toàn bộ thông tin ở khu cách ly bao gồm nhân sự, trang thiết bị, số lượng người cách ly, số phòng, sức chứa khu cách ly.
“Căn cứ vào đó, các tổ giám sát sẽ chỉ đạo cho cấp huyện giãn bớt mật độ hay chỉ định xét nghiệm thêm với các khu có nhiều F0. Nhờ vậy, công tác quản lý, vận hành các khu cách ly được thuận lợi”, chỉ huy bộ phận cách ly cho hay.
Vì có tới hàng trăm khu cách ly, nên việc quản lý, giám sát nếu không đồng bộ và thủ công, sẽ gây khó khăn cho bộ phận điều hành. Tổ công tác đã hoàn thiện mẫu phiếu báo cáo điện tử rất tiện lợi và lãnh đạo tỉnh yêu cầu tất cả những người quản lý khu cách ly phải cập nhật báo cáo hàng ngày về CDC Bắc Giang để quản lý, giám sát, điều tiết kịp thời.
Một mảng công việc khác của Tổ Cách ly y tế và xử lý môi trường thuộc Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế là cùng với 35 tổ chấm điểm của tỉnh Bắc Giang đi giám sát các nhà máy chuẩn bị trở lại sản xuất; tư vấn, hướng dẫn họ hoàn chỉnh công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đặc biệt, khi hàng trăm nhà máy đã và đang chuẩn bị hoạt động trở lại, thì việc giám sát chặt, quản lý dữ liệu và phân tách sản xuất để đề phòng dịch tái phát trở lại càng trở nên quan trọng.
“Chúng tôi đang tập trung xây dựng phần mềm dữ liệu thông tin lao động, nhằm hỗ trợ tích cực cho công tác truy vết, khoanh vùng với tất cả người lao động trong các khu công nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất tại Bắc Giang”, ông Nam cho hay.
Bất kể ngày hay đêm, trong cái nắng thiêu đốt hay màn đêm tĩnh mịch, guồng quay công việc vẫn hối hả ở nơi tâm dịch…
(Còn tiếp)