Cứ tưởng “sự cố truyền thông” của anh này liên quan đến việc thiếu sót thủ tục, bắt tay thổi giá hay bán hàng chưa đủ điều kiện… Hỏi kỹ lại mới biết, đúng là chuyện từ trên trời rơi xuống thật.
Số là dự án mới đang đóng cọc, chưa đủ điều kiện bán hàng. Nhưng do vị trí quá “hot”, lại thêm thị trường ấm lên, dân môi giới cả chuyên và không chuyên cứ suốt ngày lượn vè vè xin “ứng tuyển” vào vị trí nhà môi giới.
Là người cẩn thận, nhà phát triển bất động sản này từ chối hết các lời mời. Nhưng một số môi giới không hiểu do nhiệt tình thái quá hay có ý đồ gì đằng sau mà lập trang web “y như thật” để quảng bá dự án. Tất nhiên, là toàn lời hay ý đẹp cả. Ác cái là họ còn đi “vợt” lại một số bài trên các phương tiện truyền thông về những sự cố của vài dự án ngay bên cạnh và cắt gọt chút ít rồi đăng tải…
Vậy là sự cố dồn dập xảy ra!
Ban đầu, các phóng viên hỏi chuyện mở bán khi chưa đủ điều kiện theo quy định. Nhưng nhức đầu hơn là 2 chủ dự án kế bên hằm hằm gọi đến mắng mỏ chuyện chơi xấu, “dìm anh để các cậu nổi lên hả, xem có nổi được không???”.
“Tưởng đã đi nhẹ nói khẽ hết mức rồi mà vẫn không xong. Đang rối bời với chuyện khởi công, dự kiến giá bán, kế hoạch truyền thông, hoàn thiện nhà mẫu… Giờ lại nhức đầu với cái họa từ trên trời rơi xuống này. Mà anh bảo, giờ phải thanh minh với các bác ấy thế nào”, anh giám đốc truyền thông nhăn nhó.
Nhưng liệu câu chuyện "hồn Trương Ba, da hàng thịt” này có phải hy hữu? Xin thưa là cực kỳ phổ biến hiện nay. Từ Tràng An Complex của GP Invest, Dự án Nam đường 32 của CTCP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5, Goldsilk Complex của CTCP Bất động sản Hanovid đến Imperia Garden của chủ đầu tư HBI…
Đưa tin về giá bán Dự án Xuan Mai Sparks Tower, người viết từng bị phụ trách truyền thông của dự án tá hỏa gọi đến đề nghị gỡ ngay vì “bọn em chưa hình thành giá bán”.
Đến khi được cho biết rằng, mức giá này quảng cáo rất rõ trên trang web của dự án và trang web luôn hiện lên đầu tiên mỗi khi google thì bạn ấy mới ngậm ngùi, “giờ em mới biết nhưng chắc chắn đó không phải là trang của bên em”!
Dư luận mấy ngày nay xôn xao câu chuyện cơ quan cảnh sát điều tra bóc gỡ một số đường dây sản xuất, tiêu thụ logo “xe vua”. Hàng trăm bác tài đã từng mua những mảnh giấy in biểu tượng loằng ngoằng để dán lên đầu xe với hy vọng lọt qua các trạm kiểm soát của cơ quan chức năng.
Thật khó để nói rằng những "lá bùa" loằng ngoằng đó là vô nghĩa khi với giá in cao nhất là… 1.000 đồng/tờ mà nó được bán với giá 2,5 - 4 triệu đồng và các đối tượng đã thu hàng tỷ bạc.
Nói lại câu chuyện này để thấy rằng, mọi sự mạo danh đều không phải là chuyện đùa khi nó ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, tổ chức bị mạo danh và gây rủi ro lớn cho xã hội.
Trở lại chuyện các trang web mạo danh chủ đầu tư. Người ta không thể biết, đã có bao nhiêu khách hàng gọi vào các số máy “đường dây nóng” trên đó để tìm kiếm thông tin, nhờ tư vấn. Và cũng không ai dám khẳng định rằng, chưa có những vụ lừa đảo phát sinh từ câu chuyện này…
Vấn đề bây giờ là ứng xử với những “cây tầm gửi” đó ra sao?
Thiết nghĩ, trách nhiệm đầu tiên là của các chủ đầu tư. Việc công khai hóa và truyền thông về các kênh liên lạc chính thống (trang web giới thiệu dự án, đường dây nóng, địa chỉ liên lạc…) của mình hay của những đối tác được chính thức lựa chọn có lẽ cần làm ngay khi dự án bắt đầu khởi công, thậm chí trước đó.
Điều thứ hai chủ đầu tư có thể làm là hãm bớt sự “nhiệt tình thái quá” của các đối tác môi giới. Đôi khi để các môi giới nói quá lên về một dự án, nói trước về một thủ tục, một ưu đãi đang được tính toán triển khai sẽ gây phản cảm cho các khách hàng càng ngày càng thông minh. Thậm chí, nó còn có thể gây ra những sự cố truyền thông kiểu “bán nhà chưa đủ điều kiện…” khi các phóng viên nhìn ra.
Và đương nhiên, lúc đó người chịu trận và giải quyết sự vụ lại là các chủ đầu tư, vì “của đau con xót” khi dự án bao nhiêu tâm huyết bị vùi dập!
Với những người mua nhà, cả tỷ bạc bỏ ra, có lẽ cũng chả nên tiếc một vài buổi mắt thấy tai nghe về dự án mà mình quan tâm. Đến tận chân công trình “săm soi” thì sẽ thấy, có những điều không thể quảng cáo và có những dự án… không cần phải quảng cáo.
Chỉ còn một điều lăn tăn cuối cùng, tại sao những trang web “phái sinh” đó cứ điềm nhiên mọc như nấm sau mưa, thậm chí đăng bài, “cóp” bài như thật. Liệu có chủ đầu tư nào bật đèn xanh hay công tác quản lý các trang tin điện tử có vấn đề???
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com