Tính mô hình mới cho công ty chứng khoán

Tính mô hình mới cho công ty chứng khoán

(ĐTCK) Xây dựng một mô hình mới công ty chứng khoán theo chuẩn quốc tế, là hướng mà cơ quan quản lý ngành, cụ thể là UBCK, đang tính tới.

Quá trình hoạt động thực tế và tái cấu trúc các công ty chứng khoán thời gian gần đây cho thấy, mô hình công ty chứng khoán hiện nay trở nên khá gò bó, khiến cả công ty chứng khoán lẫn cơ quan quản lý gặp một số khó xử trong hoạt động.

Mô hình công ty chứng khoán 4 trong 1, bao gồm cả 4 nghiệp vụ: môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành, tư vấn đang dần lộ ra những điểm bất cập.

Chẳng hạn, một công ty chứng khoán thua lỗ 80% vốn điều lệ, nhưng nếu có vốn chủ sở hữu 50 tỷ đồng, vẫn còn tiền mặt đủ lớn, có hệ thống nhà đầu tư lớn, có thể vẫn hoạt động môi giới tốt. Thế nhưng, với số lỗ lũy kế lớn, tỷ lệ thâm hụt vốn chủ sở hữu cao, công ty chứng khoán có thể rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, phải đối diện với nguy cơ ngừng hoạt động.

Một bất cập khác là công ty chứng khoán có quy mô càng lớn thì dường như đang ngày một vướng trong hoạt động đầu tư. Muốn đầu tư lớn, trong khi TTCK quá nhỏ, danh mục phù hợp không nhiều và phải chịu nhiều ràng buộc về giới hạn đầu tư (không được đầu tư quá 20% vốn vào DN khác), nên công ty chứng khoán hoặc phải lách luật, hoặc phải để tiền gửi ngân hàng.

Đầu tư vượt quá tỷ lệ cho phép và chấp nhận bị xử phạt như CTCP Chứng khoán Hòa Bình (năm 2010) là cách ít công ty chứng khoán dám thực hiện. Còn đầu tư để trở thành công ty liên kết, hoặc đầu tư thông qua các tổ chức có liên quan như SSI, lại là cách làm không phải công ty chứng khoán cũng có điều kiện.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán chia sẻ, công ty chứng khoán rất muốn đi đường dài với DN, nhưng do bị hạn chế tỷ lệ đầu tư, công ty không thể chủ động về quản trị, kiểm soát DN. Để an toàn, loanh quanh một hồi, công ty chứng khoán lại trở về con đường… lướt lát! Thận trọng hơn thì gửi tiết kiệm ngân hàng.

CTCK thấy khó, nhưng bản thân cơ quan quản lý, ở vị trí người cầm lái, cũng có không ít điều khó xử.

Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK cho rằng, mỗi mô hình công ty chứng khoán trong một giai đoạn sẽ có những ưu điểm riêng.

“Tuy nhiên, thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, mô hình công ty chứng khoán đang có những bất cập, đặc biệt trong tái cấu trúc công ty chứng khoán và trong hoạt động đầu tư của công ty chứng khoán lớn. Mô hình tập đoàn với nhiều công ty thành viên, trong đó mỗi công ty có một giấy phép hành nghề riêng, có thể sẽ là hướng đi mới khi Luật Chứng khoán được chỉnh sửa”, ông Sơn nói.

Nếu mô hình tập đoàn công ty chứng khoán được hình thành, mỗi mảng hoạt động sẽ có sự độc lập tương đối, nhà đầu tư sẽ được bảo vệ cao hơn, hoạt động môi giới sẽ không bị ảnh hưởng gì khi công ty chứng khoán thua lỗ trong các hoạt động khác.

Thêm vào đó, từng nghiệp vụ có không gian rộng hơn để tạo nên giá trị mới cho riêng mình.

Câu chuyện tại Mỹ, khi Lehman Brothers dù phải phá sản, nhưng vẫn bán được mảng môi giới, tư vấn, phân tích… cho Barclays với giá 2 tỷ USD năm 2008 là một ví dụ cho thấy, một DN khi phá sản, không có nghĩa mọi giá trị vô hình đều biến mất.

Công ty chứng khoán tại Việt Nam cũng đang được tư duy theo hướng chuyên môn hóa trong từng mảng hoạt động, để tạo động lực mới cho ngành kinh doanh này.

>> 2014 sẽ bùng nổ M&A công ty chứng khoán

>> Nhiều CTCK đã tự tái cấu trúc rất tốt

>>Bước chuyển mới trong tái cấu trúc CTCK

>>Tái cấu trúc CTCK, lộ rõ xu hướng mới

>>Sẽ đẩy nhanh tái cấu trúc CTCK