Tính khả thi trong quy hoạch giao thông của Hà Nội chưa cao

(ĐTCK-online) Trong khi hầu hết các dự án xây dựng đường vành đai 1, 2, 3 của Thủ đô còn đang chậm tiến độ đề ra, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội mới đây lại làm xôn xao dư luận khi đưa ra yêu cầu đầu tư cho giao thông Thành phố từ nay đến năm 2020 với số vốn lên đến 23 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là, từ nay đến năm 2020, mỗi năm Hà Nội sẽ phải đầu tư gần 2 tỷ USD cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.

Theo ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, sở dĩ số vốn đầu tư lớn quá sức tưởng tượng của nhiều người là do so với quy hoạch phát triển giao thông Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998, nghiên cứu mới nhất của Chương trình phát triển đô thị tổng thể Hà Nội (HAIDEP) đã đặt ra những yêu cầu mới. Theo đó, đến năm 2020, tổng độ dài các tuyến giao thông xây dựng mới sẽ lên đến khoảng 500 km, với phương thức tách biệt giao thông đô thị và giao thông liên tỉnh. Mọi giao thông liên tỉnh sẽ dừng lại ở vành đai 4 chứ không phải vành đai 3 như dự kiến ban đầu.

Để đáp ứng được nhu cầu giao thông đến năm 2020, Hà Nội sẽ xây dựng các đường bộ cao tốc song hành với các quốc lộ có lưu lượng giao thông lớn bao gồm: Hà Nội- Hải Phòng, Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Láng - Hoà Lạc - Hoà Bình, tuyến siêu cao tốc nằm giữa Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18; nâng cấp mở rộng các quốc lộ hướng tâm vào Hà Nội bao gồm Quốc lộ 2, 3, 6, 18, 32; Hoàn thiện, xây dựng các đường vành đai 1; 2; 3 và 4; xây dựng mới các cầu Nhật Tân, cầu vành đai 4 phía Nam (nối Thanh Trì sang Văn Giang), cầu Đông Trù, cầu Vành đai 4 phía Đông (nối Gia Lâm- Bắc Ninh) qua sông Đuống....

Đối với giao thông nội đô, TP.Hà Nội sẽ phải triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (dài 12,7 km); tuyến xe buýt khối lượng lớn - URMT 2 (giai đoạn 1 dài 13 km từ Thượng Đình đến Nam Thăng Long); tuyến đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông (dài 14,3 km); tuyến đường sắt trên cao Yên Viên - Ngọc Hồi (dài 25 km) và các tuyến xe bus vận chuyển nhanh. Cùng với hệ thống đường bộ, Hà Nội sẽ phải xây dựng, nâng cấp các tuyến đường sắt liên tỉnh, đường sắt trên cao: Yên Viên - Ngọc Hồi (bao gồm cả ga Hà Nội và ga Giáp Bát); vành đai phía Đông; Cổ Loa- Bắc Hồng- Yên Viên...

Đánh giá về ý tưởng quy hoạch giao thông TP. Hà Nội đến năm 2020 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, đề án thì hay, nhưng điều quan trọng là phải làm rõ được giải pháp nào để có thể huy động được nguồn vốn đầu tư xây dựng thì quy hoạch mới có tính khả thi. “Theo đề án, từ nay đến năm 2020, chỉ riêng đầu tư cho phát triển giao thông đã cần tới 23 tỷ USD. Đây là một số tiền rất lớn trong khi Thành phố vẫn còn rất nhiều dự án, công trình khác cần đầu tư. Do vậy, cơ quan chức năng phải xác định được cơ chế huy động vốn, cơ cấu vốn đầu tư, bao nhiêu phần trăm vốn trong nước, bao nhiêu phần trăm vốn đầu tư nước ngoài; phần Trung ương hỗ trợ, phần vốn của Thành phố là bao nhiêu?”, ông Nghị đặt câu hỏi.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu cũng cho rằng, quy hoạch giao thông phải đặt trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của Thủ đô, trong đó phải dự báo các yếu tố về dân số, phương tiện, hạ tầng... Theo ông Triệu, từ nay đến năm 2010, Hà Nội nên đặt ra mục tiêu “khiêm tốn” là tập trung hoàn thành Dự án Đường vành đai 2; kết hợp với việc di dời các trường đại học, bệnh viện, khu công nghiệp... ra ngoại vi Thành phố để giảm bớt áp lực lên hệ thống giao thông nội đô.