Ông Lê Huy Lân (áo xanh), Lê Văn Khương (bên trái) và Nguyễn Xuân Phong tại phiên toà ngày 9/8/2024

Ông Lê Huy Lân (áo xanh), Lê Văn Khương (bên trái) và Nguyễn Xuân Phong tại phiên toà ngày 9/8/2024

Tình huống hi hữu trong vụ việc tại VP6 Linh Đàm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại phiên toà xét xử vụ cựu lãnh đạo Công ty cổ phần Coma 18 (CIG) chuyển nhượng dự án VP6 Linh Đàm cho doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản, có một tình tiết pháp lý khá hi hữu là chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất nhưng không được công nhận.

Chuyển nhượng dự án giá rẻ dưới danh nghĩa hợp tác đầu tư

Ngày 9/8/2024, Toà án Nhân dân TP. Hà Nội mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án chuyển nhượng dự án Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm (VP6 Linh Đàm, tại quận Hoàng Mai) năm 2013 với giá rẻ, khiến Nhà nước thiệt hại hơn 64 tỷ đồng. Trong đó, hai bị cáo Lê Huy Lân - cựu Tổng giám đốc Coma 18 và Nguyễn Xuân Phong - cựu Phó tổng giám đốc Coma 18 bị cáo buộc tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, bị cáo Lê Văn Khương - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma) bị cáo buộc tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng do Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội ban hành ngày 15/3/2024, năm 1994, Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao 184,09 ha đất cho Công ty Phát triển nhà và đô thị thuộc Bộ Xây dựng (nay là Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị - HUD) làm chủ đầu tư dự án VP6 Linh Đàm.

Năm 2000, UBND TP. Hà Nội có quyết định phê duyệt chi tiết dự án VP6 Linh Đàm, tỷ lệ 1/500, trong đó lô đất VP6 Linh Đàm có chức năng là tòa nhà thương mại dịch vụ và văn phòng cho thuê.

Đến năm 2010, HUD ký hợp đồng chuyển giao hạ tầng lô đất trên cho Coma 18 (doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 134 tỷ đồng, trong đó Nhà nước chiếm 51% vốn, do Coma đại diện sở hữu cổ phần) để thực hiện dự án. Hợp đồng nêu rõ, Coma 18 không được chuyển giao lô đất, chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất cho bên thứ ba trong thời gian thực hiện.

Sau đó, Coma 18 làm các thủ tục trình UBND TP. Hà Nội chấp thuận, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết dự án từ mục đích xây dựng văn phòng cho thuê sang xây dựng công trình hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng.

Năm 2012, UBND TP. Hà Nội có văn bản chấp thuận đề xuất xây dựng dự án VP6 Linh Đàm và yêu cầu Coma 18 không được chuyển đơn vị khác thực hiện dự án khi chưa được UBND TP. Hà Nội chấp thuận.

Tuy nhiên, Coma 18 không hoàn thiện hồ sơ xin giao đất, chỉ nộp hồ sơ thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại bộ phận một cửa của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Ngày 17/7/2013, ông Lê Huy Lân đại diện tổ góp vốn đã ký tờ trình gửi Coma xin ý kiến chuyển nhượng dự án trên. Do thị trường bất động sản khó khăn, Coma 18 không thể hoàn thành dự án để thu hồi vốn, ông Lê Văn Khương và các thành viên trong Hội đồng thành viên Coma đã chấp thuận cho Coma 18 được chuyển nhượng dự án hoặc hợp tác kinh doanh.

Cùng ngày, Coma 18 gửi phiếu xin ý kiến về việc chuyển nhượng dự án VP6 Linh Đàm cho Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (DNTN Xây dựng số 1, thuộc Tập đoàn Mường Thanh của ông Lê Thanh Thản) với mức giá không dưới 12,9 tỷ đồng, cả 5 thành viên Hội đồng quản trị Coma đều đồng ý.

Do đó, ngày 25/7/2013, Coma 18 và DNTN Xây dựng số 1 ký hợp đồng hợp tác kinh doanh mà không thành lập pháp nhân mới. Doanh nghiệp của ông Thản đồng ý góp 95% vốn đầu tư (12,3 tỷ đồng) để Coma 18 với tư cách là chủ đầu tư cấp 2 tiến hành triển khai dự án. DNTN Xây dựng số 1 được hưởng 100% kết quả kinh doanh và có trách nhiệm kê khai, nộp các khoản thuế. Ngày 26/7/2013, Coma 18 có giấy ủy quyền cho đối tác thực hiện dự án.

Quá trình thực hiện dự án, DNTN Xây dựng số 1 tổ chức xây dựng dự án sai quy hoạch được phê duyệt: xây tăng từ 25 tầng lên 37 tầng (từ 138 căn hộ lên 840 căn hộ), tăng 630 m2 đất xây dựng. Tháng 4/2015, tòa nhà được đưa vào sử dụng, doanh nghiệp xuất hóa đơn giá trị gia tăng bán, thu tiền của khách hàng.

Năm 2017, Thanh tra Hà Nội ra kết luận, tạm tính tiền sử dụng đất của dự án VP6 Linh Đàm là hơn 74,8 tỷ đồng. Đến năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ra kết luận giám định, hành vi của nhóm lãnh đạo Coma 18 khi giao đất cho DNTN Xây dựng số 1 đã gây thiệt hại hơn 64,3 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, ông Lê Huy Lân khai nhận, Coma 18 không chuyển nhượng dự án, mà thực hiện hợp đồng kinh doanh. Tuy nhiên, căn cứ tài liệu điều tra và các lời khai, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội xác định, hợp đồng hợp tác kinh doanh nhưng bản chất là chuyển nhượng dự án. Quá trình thực hiện dự án, ông Lân quản lý, chỉ đạo, các thành viên Hội đồng quản trị còn lại không biết dự án không được phép chuyển nhượng nên đã đồng ý chủ trương chuyển nhượng dự án.

Kết thúc phiên toà, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Lê Huy Lân 8 năm tù, Nguyễn Xuân Phong 5 năm tù, Lê Văn Khương 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

“Nộp nhầm” tiền sử dụng đất (!?)

Tại phiên toà, có một tình huống pháp lý khá hi hữu là DNTN Xây dựng số 1 đã nộp tiền sử dụng đất cho dự án VP6 Linh Đàm, nhưng không được cơ quan chức năng công nhận.

Theo Kết luận thanh tra số 2344 của Thanh tra TP. Hà Nội ngày 10/8/2016, cơ quan này tạm tính số tiền sử dụng đất của dự án VP6 Linh Đàm là hơn 74,8 tỷ đồng. Kết luận giám định của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (giám định theo yêu cầu của cơ quan điều tra) vào tháng 2/2023 xác định, “việc cố ý chuyển nhượng dự án khi dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng gây thiệt hại cho Nhà nước là hơn 64,3 tỷ đồng”.

Ngày 2/12/2016, sau khi nhận Kết luận thanh tra số 2344, DNTN Xây dựng số 1 đã nộp hơn 37,4 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của Thanh tra TP. Hà Nội tại Kho bạc Nhà nước. Ngày 2/1/2018, doanh nghiệp này tiếp tục nộp hơn 26,5 tỷ đồng vào tài khoản của Chi cục Thuế quận Hoàng Mai mở tại Kho bạc Nhà nước quận Hoàng Mai. Tổng cộng hai khoản này (gần 64 tỷ đồng), DNTN Xây dựng số 1 xác định là khắc phục tiền thuế đất thay cho Coma 18.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội cũng ghi rõ: Theo kết luận giám định tại thời điểm tháng 7/2013, tiền sử dụng đất của khu đất VP6 Linh Đàm là hơn 64,3 tỷ đồng. DNTN Xây dựng số 1 đã khắc phục nộp thay cho Coma 18 số tiền gần 64 tỷ đồng, còn lại hơn 339 triệu đồng công ty này cho biết sẽ nộp khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Hưng, giám định viên tư pháp được cử tham gia theo quyết định cử giám định viên của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết, theo Luật Đất đai và pháp luật về thuế, tiền sử dụng đất là nghĩa vụ mà người sử dụng đất phải nộp cho ngân sách nhà nước khi được Nhà nước giao đất để làm đất ở hoặc đất nghĩa trang.

Sau khi Nhà nước giao đất, để xác định được nghĩa vụ nộp tiền quyền sử dụng đất thì phải có giá đất để tính. Với thửa đất giá trị thấp (dưới 10 tỷ đồng hoặc dưới 30 tỷ đồng, tuỳ địa bàn) sẽ sử dụng thông tin do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp làm cơ sở xác định tiền sử dụng đất bằng công thức giá đất nhân với hệ số. Đối với thửa đất giá trị cao (trên 10 tỷ đồng hoặc trên 30 tỷ đồng, tuỳ địa bàn) thì phải có quyết định của UBND cấp tỉnh về việc phê duyệt giá đất.

Trên cơ sở từ quyết định giao đất và hồ sơ xác định giá đất đó, cơ quan thuế mới có cơ sở ra thông báo thu tiền sử dụng đất. Tổ chức, cá nhân có trong thông báo lúc đó mới phát sinh nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất.

“Trong tài liệu cơ quan điều tra cung cấp, giám định viên thấy không hề có bất kỳ tài liệu nào liên quan đến quyết định giao đất, xác định giá đất. Cơ quan thuế cũng không thực hiện bất kỳ thủ tục thu tiền nào. Nếu không có thông báo thu từ cơ quan thuế nhưng người nộp vẫn chủ động nộp thì số tiền đó được phản ánh như một khoản nộp thừa vào ngân sách nhà nước”, ông Hưng nhấn mạnh.

Được mời tham gia tố tụng tại phiên toà, đại diện Chi cục Thuế quận Hoàng Mai cho biết, Chi cục Thuế quận Hoàng Mai không phát hành thông báo nộp tiền sử dụng đất cho lô đất VP6 Linh Đàm. Hiện nay, Chi cục Thuế đang quản lý khoản nộp hơn 26,5 tỷ đồng như là một khoản nộp thừa và đã nộp vào Kho bạc Nhà nước quận Hoàng Mai.

Về “khoản nộp thừa” trong vụ án tại Coma 18, luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tiền thuế đất/sử dụng đất phải do cơ quan thuế ra thông báo và người có nghĩa vụ nộp mới tiến hành nộp. Thông thường, sau khi ban hành kết luận thanh tra, cơ quan thanh tra sẽ thông báo với cơ quan thuế, trên cơ sở đó cơ quan thuế ra thông báo, chứ doanh nghiệp không tự nộp theo kết luận thanh tra.

Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh khẳng định, trong kết luận thanh tra, cơ quan thanh tra sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giao cơ quan thuế truy thu các khoản tiền mà cá nhân, tổ chức phải nộp, chứ không có chuyện kết luận thanh tra tác động trực tiếp lên doanh nghiệp.

“Kết luận thanh tra không phải quyết định hành chính, cơ quan thanh tra chỉ có quyền kiến nghị, chứ không có quyền truy thu”, ông Đỉnh nói và cho rằng, cơ quan thuế thấy doanh nghiệp nộp thừa 6 năm nhưng không có ý kiến là thiếu trách nhiệm.

Tin bài liên quan