Điều này đã được nhắc đến khi những đánh giá đa chiều về tác động của tình hình Biển Đông với kinh tế Việt Nam được phân tích, mổ xẻ, không chỉ trên khía cạnh giảm sút khách du lịch, kim ngạch xuất nhập khẩu hay đầu tư… trong ngắn hạn, mà ở tầm nhìn dài hạn hơn, tại cuộc tọa đàm về nội dung này, do Báo Đầu tư tổ chức hôm qua (10/7).
Một lẽ đơn giản, mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc sẽ không chỉ là câu chuyện của ngày một, ngày hai, mà là chuyện lâu dài. Khi mà nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc không chỉ trên khía cạnh nguyên nhiên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu, hay nông sản xuất khẩu…, mà cả về cơ cấu kinh tế và mô hình phát triển, thì vấn đề đặt ra đối với Việt Nam hiện nay phải là những thay đổi cả về cơ cấu kinh tế lẫn mô hình phát triển.
Nói những diễn biến trên Biển Đông là cơ hội để Việt Nam phát triển hơn là như vậy.
Lâu nay, Việt Nam nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc, chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay đã lên tới 13,1 tỷ USD. Một nền kinh tế như Việt Nam, do công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, thậm chí chỉ đang ở vạch xuất phát, thì khó tránh khỏi chuyện nhập siêu lớn từ công xưởng lớn của thế giới - Trung Quốc. Và trên thực tế, trong một thế giới toàn cầu hóa, thì không thể tránh sự phụ thuộc lẫn nhau, không chỉ với Trung Quốc, mà còn với nhiều quốc gia khác trên toàn cầu và bao hàm cả ở chiều ngược lại.
Mặc dù vậy, ba kịch bản trong quan hệ thương mại Việt - Trung đã nhiều lần được các chuyên gia kinh tế đặt ra, trong đó kịch bản xấu nhất là thương mại Việt - Trung gián đoạn. Một kịch bản được cho là tốt hơn cả, là Trung Quốc vẫn sẽ giữ mối quan hệ bình thường với Việt Nam. Nhưng điều đó liệu có đồng nghĩa với việc, Việt Nam cũng nên duy trì một mối quan hệ kinh tế, thương mại bình thường với Trung Quốc như bao nhiêu năm nay vẫn vậy?
Câu trả lời là không.
Nếu mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là chiến lược lâu dài, thì đây là thời điểm Việt Nam nhìn nhận rõ, có tầm nhìn lâu dài và có đối sách để tránh phụ thuộc kinh tế không chỉ vào Trung Quốc, hay phụ thuộc quá lớn vào bất kỳ một đối tác nào. Sự phụ thuộc sẽ dẫn đến những rủi ro khôn lường cho kinh tế - xã hội.
Hơn thế, điều quan trọng trong câu chuyện với Trung Quốc hiện nay là không chỉ tránh sự lệ thuộc về vấn đề thương mại, mà là phải làm sao xây dựng một nền kinh tế chủ động và mạnh mẽ. Phải nhân cơ hội này tích cực và chủ động tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi tư duy phát triển… Muốn vậy, mở rộng dân chủ trong kinh tế, chuyển mạnh sang kinh tế thị trường là điều cần thiết. Một ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển đủ mạnh, với sự tham gia mạnh mẽ của hệ thống doanh nghiệp nội địa cũng sẽ tạo nên sự chủ động cho nền kinh tế Việt Nam…