Bầu cử Tổng thống Mỹ đã có nhiều chuyển biến trong thời gian qua và nhận định của các tổ chức tài chính cũng thay đổi so với các báo cáo gần nhất.
HIện cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn còn ở thế giằng co và còn tận 2 tháng cho đến thời điểm bầu cử nên còn rất nhiều biến số có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ ủng hộ của cả 2 bên.
Sau khi bà Harris trở thành ứng cử viên Tổng thống, tỷ lệ ủng hộ của ông Trump đã giảm xuống |
Theo KBSV, đứng trên phương diện phân tích tác động đến thị trường chứng khoán, cần quan tâm đến sự khác biệt giữa chính sách thương mại của 2 ứng cử viên Tổng thống.
“Chúng tôi duy trì quan điểm cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ hoàn toàn có thể biến động mạnh do chịu ảnh hưởng bởi kỳ bầu cử, và điều này phụ thuộc vào việc ai sẽ là ứng viên trúng cử Tổng thống tiếp theo", KBSV cho biết.
Kịch bản bà Kamala Harris đắc cử Tổng thống được đánh giá là kịch bản tích cực đối với thị trường chứng khoán, khi các lập trường chính sách sẽ không có nhiều sự thay đổi với người tiền nhiệm, đi kèm với đó là sự ổn định về mặt chính trị và tranh chấp thương mại giữa các quốc gia sẽ ít có khả năng bùng phát.
Bên cạnh đó, bà Harris cũng tỏ ra thận trọng hơn về thâm hụt ngân sách. Quan chức trong chiến dịch tranh cử của bà cho biết, các nguồn thu sẽ tương tự kế hoạch ngân sách 2025 của Tổng thống Joe Biden. Điều này có thể giúp lạm phát dễ kiểm soát và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tự tin hơn trong các quyết định về lãi suất của mình.
Ngược lại, kịch bản ông Trump quay trở lại làm Tổng thống là kịch bản có thể khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc do: thứ nhất, ông Trump đã tuyên bố sẽ gia tăng thuế quan với mức thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu và mức thuế 60% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu ông thắng cử nhiệm kỳ hai. Chiến tranh thương mại vốn làm thị trường chứng khoán toàn cầu lao đao giai đoạn 2018-2019 hoàn toàn có thể quay trở lại.
Thứ hai, nhiều khả năng thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ càng thêm trầm trọng nếu ông Trump trúng cử, chi tiêu công được đẩy mạnh, việc kiểm soát lạm phát sẽ thêm phần khó khăn và ảnh hưởng đến việc Fed hạ lãi suất theo lộ trình như thị trường kỳ vọng.
Thứ ba, chính trị Mỹ sẽ có nhiều biến động, các chính sách mới khó dự đoán hơn và điều này sẽ khiến khẩu vị chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư xuống mức thấp.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, theo KBSV, bên cạnh mối tương quan cao với thị trường chứng khoán Mỹ và thường có xu hướng điều chỉnh khi chỉ số S&P500 giảm, việc ông Trump trúng cử có thể gây ra rủi ro tăng trưởng kinh tế khi hoạt động thương mại giữa 2 nước rơi vào tầm ngắm (Mỹ thường xuyên thâm hụt thương mại với Việt Nam). Việt Nam đã gia tăng thặng dư thương mại tương đối đáng kể với Mỹ kể từ năm 2020-2021.
VN-Index thường có xu hướng điều chỉnh khi chỉ số S&P500 giảm |
Ngoài ra, sự không chắc chắn về chính sách tài khoá sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024 khiến các doanh nghiệp Mỹ thận trọng hơn trong việc đặt đơn hàng mới, dẫn đến việc giảm nhu cầu nhập khẩu và làm chậm lại tốc độ tăng trưởng của nhóm các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ.