Tỉnh Hà Giang xác định 4 trụ cột tăng trưởng

Tỉnh Hà Giang xác định 4 trụ cột tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
Hà Giang là tỉnh vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng cũng không thiếu tiềm năng, lợi thế để phát triển.

Phát triển xanh, bản sắc, bền vững

“Hạ tầng giao thông và hạ tầng số; du lịch đặc sắc và đẳng cấp; chuỗi nông sản, đặc sản có triển vọng; đô thị bản sắc và hiện đại” là 4 trụ cột tăng trưởng được các chuyên gia tư vấn gợi mở, nhằm đưa tỉnh vùng cao Hà Giang phát triển nhanh theo hướng xanh và bền vững, trên cơ sở phát huy nội lực của tỉnh, cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và các nguồn lực khác.

Theo các chuyên gia tư vấn tại Hội thảo tham vấn Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Hà Giang tổ chức hôm 19/4, quy hoạch tỉnh phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia và phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.

Theo thông tin từ phiên họp Chính phủ chuyên đề nhằm rà soát lại công việc liên quan đến Luật Quy hoạch ngày 19/4, Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới vào kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV theo trình tự, thủ tục rút gọn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch.

Mục tiêu tổng quát và tầm nhìn dài hạn đến năm 2050, tỉnh Hà Giang phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Hà Giang phát triển toàn diện, bền vững, bản sắc. Bảo đảm biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Xây dựng Hà Giang đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế, xã hội phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh trung bình khá của cả nước, đến năm 2050 là tỉnh phát triển khá của cả nước.

Mục tiêu là “phát triển xanh, bản sắc, bền vững” với phương châm “sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”. Tạo không gian phát triển mới, đưa Hà Giang thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia - điểm đến của du khách quốc tế. Nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao.

Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông đối ngoại, hạ tầng biên giới, phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy thành trung tâm xuất nhập khẩu và logistics. Các khu đô thị được hình thành và mang đậm bản sắc đặc trưng của vùng, kiến trúc bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các mô hình sinh kế cho đồng bào các dân tộc phát triển ổn định. Thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Cần chiến lược căn cơ, giải pháp trọng yếu

Cơ bản đồng tình với định hướng phát triển của tỉnh Hà Giang, song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phân tích, Hà Giang là tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng cũng không thiếu tiềm năng, lợi thế để phát triển. “Chúng ta phải có những chiến lược căn cơ, những điểm nhấn trọng yếu trong các giải pháp…, đó là những đòi hỏi trong quy hoạch lần này”, Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng đề nghị, Hà Giang cần tập trung nhiệm vụ “giữ đất, giữ rừng, giữ dân”. Để phát triển, Hà Giang cần có quan điểm rõ ràng, đi vào từng phân khúc, tạo thế mạnh riêng sẽ tạo ra sự khác biệt, có tính cạnh tranh để có hướng đi sắc nét hơn. Phát triển du lịch xanh và bền vững, nhưng phải đảm bảo cân bằng, hài hòa giữa kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường và quốc phòng. Đồng thời, tận dụng hết các lợi thế của địa phương.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Cao Viết Sinh, Hà Giang cần hướng đến phát triển theo hướng bao trùm, đảm bảo giữa bảo tồn và phát triển, làm rõ mục tiêu phát triển, dự án ưu tiên… Để đạt mục tiêu “phát triển nhanh”, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số trong du lịch và nông nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh khẳng định, quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Giao UBND tỉnh và các đơn vị tư vấn hoàn thiện quy hoạch dựa trên các nội dung góp ý với quyết tâm cao nhất, ông Khánh cũng mong muốn, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, ủng hộ Hà Giang phát triển hạ tầng giao thông như tuyến cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang kết nối với tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; tuyến nối Hà Giang với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; nâng cấp, mở mới các tuyến đường tuần tra biên giới trên địa bàn tỉnh cũng như các tuyến quốc lộ qua tỉnh như Quốc lộ 4C đi Cao nguyên đá Đồng Văn. Đồng thời, bổ sung Hà Giang vào quy hoạch các điểm đầu tư hệ thống logistics để thu hút đầu tư hạ tầng thương mại biên giới, tạo điều kiện thuận lợi để Hà Giang kết nối với các chuỗi giá trị quốc tế.

Tin bài liên quan