Đội ngũ biên chế nhà nước cồng kềnh, mỗi năm một phình to. Theo ông, tinh giản biên chế có phải là nhiệm vụ cấp bách hiện nay?
Nói đội ngũ biên chế nhà nước mỗi năm một phình to là nói chung chung. Trên thực tế, thì chỉ có biên chế viên chức tăng mạnh, còn biên chế công chức từ năm 2011 đến năm 2015 tăng không nhiều.
Cụ thể, tổng số biên chế bộ máy hành chính từ cấp huyện trở lên năm 2011 là 269.008 người; năm 2012 là 273.617 người; năm 2013 là 273.637 người; năm 2014 là 174.047; năm 2015 tăng lên 274.970 người và đến năm 2016 giảm còn 270.831 người. Biên chế công chức trong những năm vừa qua tăng lên có nguyên nhân khách quan là chúng ta thành lập thêm một số địa giới hành chính.
Tuy nhiên, nếu tính cả viên chức làm việc tại 56.000 đơn vị sự nghiệp công, thì tổng số biên chế lên tới 2,7 triệu người, mỗi năm tiêu tốn 65 - 67% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN), trong đó chủ yếu là chi trả lương và quản lý hành chính, nên thu ngân sách chỉ đủ cho chi tiêu thường xuyên, một phần để trả nợ, trong khi toàn bộ chi cho đầu tư phải đi vay, thậm chí vài năm gần đây tiền trả nợ cũng không đủ, NSNN đã phải đi vay đảo nợ.
Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ XIV muốn bảo đảm được an ninh tài chính, giữ được bội chi, nợ công, nợ chính phủ bên cạnh cơ cấu lại nguồn thu bắt buộc phải cơ cấu lại nguồn chi theo hướng giảm chi thường xuyên, nên tinh giản biên chế, trong đó có việc nhất thể hóa một số chức danh, cơ quan, tổ chức của bộ máy của hệ thống chính trị là cần thiết, nhưng phải làm từng bước.
Chỉ riêng bộ máy công chức, viên chức mỗi năm “ngốn” 65 - 67% tổng chi NSNN. Như thế, tinh giản biên chế phải được coi là nhiệm vụ cấp thiết, vậy tại sao lại phải làm từng bước, thưa ông?
Hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công quan trọng nhất là hiệu quả công việc, đáp ứng đòi hỏi của xã hội. Nếu cứ ào ạt tinh giản biên chế, có việc không có người làm, kéo dài thời gian xử lý công việc cho doanh nghiệp, người dân có khi lại dẫn tới tiêu cực, người dân phải bôi trơn mỗi khi có việc phải đến cơ quan nhà nước.
Thực tế cho thấy, sau khi áp dụng khoán biên chế, khoán chi hành chính, rất nhiều công chức, viên chức chỉ ngồi ở văn phòng, không đi sâu, đi sát cơ sở, không đi thực tế, nên ban hành ra nhiều chính sách “trên trời”, thậm chí còn tạo ra một chính quyền quan liêu, xa rời thực tiễn, làm việc kém hiệu quả.
Vì thế, tinh giản biên chế phải thực hiện đồng thời bằng nhiều cách, kể cả việc nhất thể hóa một số chức danh, cơ quan, tổ chức của bộ máy hành chính nhà nước và hệ thống chính trị, như Quảng Ninh đang từng bước thí điểm. Nhưng dù tinh giản biên chế bằng cách nào đi chăng nữa, thì hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, năng lực quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước nói chung với xã hội phải được nâng cao.
Tinh giản biên chế làm từng bước, nhưng phải có lộ trình cụ thể, nếu không, 10 - 20 năm nữa, NSNN hàng năm vẫn phải dành 65 - 67% tổng chi chỉ để “nuôi” đội ngũ công chức, viên chức?
Với biên chế viên chức chiếm hơn 90% tổng số biên chế, cần phải giảm ngay bằng cách đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công. Nhà nước chỉ trả lương cho biên chế viên chức thực hiện những công việc mà Nhà nước buộc phải làm, còn lại đẩy mạnh xã hội hóa, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, bộ máy và tài chính, NSNN chỉ trả một phần chi thường xuyên và tiến tới chấm dứt đối với những loại dịch vụ công mà có thể xã hội hóa được, đồng thời xây dựng phí dịch vụ công phải tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.
Thế 1/3 đội ngũ công chức hiện… “có cũng như không” sẽ được xử lý thế nào?
Muốn giảm được cần phải rà soát lại xem những cơ quan, tổ chức nào chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ với cơ quan, tổ khác thì phải sáp nhập lại, thậm chí xóa bỏ. Thu gọn đầu mối không chỉ giảm gánh nặng cho NSNN, mà còn thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả, tăng sự giám sát của xã hội.
Bởi với bộ máy chồng lấn, trùng lắp, chồng chéo, khi xử lý, giải quyết công việc không biết ai chịu trách nhiệm, bên nọ đùn đẩy trách nhiệm cho bên kia, khiến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc khi phải đến cơ quan công quyền.
Như vậy, việc Quảng Ninh nhất thể hóa một số chức danh, cơ quan, tổ chức là bước đi đúng đắn, thưa ông?
Quảng Ninh đang thí điểm nhất thể hóa chức chủ nhiệm ủy ban kiểm tra với chánh thanh tra, trưởng ban tổ chức với trưởng phòng nội vụ, bí thư đồng thời là chủ tịch UBND hoặc HĐND, trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc, chánh văn phòng huyện uỷ, HĐND và UBND chỉ có 1 người, trưởng ban tuyên giáo kiêm phó chủ tịch HĐND ở một số huyện. Bước đầu cho thấy, cách làm của Quảng Ninh có hiệu quả vì đã tinh giản được hàng ngàn biên chế, mỗi năm tiết kiệm được trên 270 tỷ đồng, chưa kể các khoản chi tiêu khác phục vụ cho số biên chế này.
Theo tôi, cần phải tổng kết cách làm của Quảng Ninh trước khi nhân rộng ra cả nước xem có thực sự hiệu quả không, vì nếu chỉ tinh giản được biên chế, giảm được chi tiêu NSNN mà không nâng được hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, không phục vụ kịp thời sự phát triển kinh tế - xã hội thì phải xem lại.