Tính đến ngày 11/7/2022, tín dụng tăng 9,06% so cuối năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là con số được một lãnh đạo cấp cao Ngân hàng Nhà nước tiết lộ với phóng viên Đầu tư Chứng khoán.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Theo vị lãnh đạo này, tỷ lệ 9,06% cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2020 và 2021 (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,02% so với cuối năm trước; cùng kỳ năm 2021 tăng 6,09% so với cuối năm trước) và tăng 16,79% so với cùng kỳ 2021 do cầu tín dụng tăng ngay từ đầu năm.

Đối với các nhiệm vụ tín dụng chính sách tại Chương trình phục hồi theo Nghị quyết 43/2022/QH15, đến ngày 13/7/2022, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 9.048 tỷ đồng.

Trước đó, số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố tại Hội nghị trực tuyến “Triển khai Nghị định 31 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất”, tính đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%).

Đến cuối tháng 6/2022, dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 274.000 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2021. Trong đó, tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh tạo sinh kế và việc làm chiếm 74,3% tổng dư nợ; tín dụng phục vụ đời sống chiếm tỷ trọng 25,7% tổng dư nợ.

Liên quan đến việc hỗ trợ phục hồi kinh tế trước tác động của đại dịch Covid - 19, tính đến cuối tháng 5/2022 (lũy kế từ khi triển khai), đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là 709.038 tỷ đồng với 1.074.974 khách hàng. Dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ gần 190.000 tỷ đồng với 650.208 khách hàng.

Miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là 91.402 tỷ đồng với 534.499 khách hàng. Dư nợ được miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ còn 17.744 tỷ đồng với 168.977 khách hàng.

Đối với việc tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 31/3/2022 (thời điểm dừng giải ngân tái cấp vốn theo quy định), Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân cho Ngân hàng Chính sách xã hội 4.787 tỷ đồng; hiện số dư vay tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tại Ngân hàng Nhà nước khoảng 4.500 tỷ đồng.

Về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) vay theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến nay, số dư tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng khoảng 4.000 tỷ đồng.

Tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuối tuần trước, phát biểu kết luận Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, ngành ngân hàng phải hết sức bình tĩnh, phân tích kỹ lưỡng trước những chính sách vĩ mô, hướng đến mục tiêu "bất di bất dịch" của ngành: kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống.

Với mục tiêu đó, Thống đốc đã nêu rõ những nhiệm trọng tâm 6 tháng cuối năm, về tổng quan vẫn phải bám sát Chỉ thị 01. Cho đến nay, các giải pháp vẫn đang đi đúng hướng và vẫn cần theo dõi sát các diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trên thế giới để đưa ra giải pháp phù hợp đặc biệt là điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành khéo léo.

“Hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giữ ở mức 14% trong năm nay. Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam hiện dựa quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, các tổ chức quốc tế đều đánh giá đây là một rủi ro tiềm ẩn trong tương lai nếu hệ thống tài chính có vấn đề”, Thống đốc nói.

Tin bài liên quan