Tại buổi Họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ngành ngân hàng đã vào cuộc rất sớm ngay sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
"Có 11 - 12 chỉ thị, văn bản đã được ban hành, trong đó 3 thông tư hướng dẫn những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp", Phó Thống đốc nói.
Về vấn đề điều chỉnh room tăng trưởng tín dụng, bà Hồng cho biết, có tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng thấp, có TCTD đã gần cạn room và NHNN đã tiếp nhận đề nghị của các ngân hàng thương mại.
"Thống đốc NHNN đã giao các bộ phận chức năng xem xét để có những điều chỉnh phù hợp", bà Hồng nói.
Trước câu hỏi về việc NHNN có tiếp tục điều chỉnh lãi suất điều hành? Bà Hồng cho biết, cơ quan này vẫn đang và sẽ theo dõi, bám sát chặt chẽ diễn biến tình hình, trên cơ sở về dự báo kinh tế vĩ mô và lạm phát trong thời gian tới để có quyết định.
“Dự báo lạm phát của các định chế tài chính quốc tế cho thấy năm 2020 và 2021 đang ở mức 4,5-4,6% còn các bộ ngành ở Việt Nam dự báo 3,5% +/- 0,5%. Mặc dù bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn diến phức tạp nhưng những diễn biến lạm phát nếu có thay đổi, NHNN sẵn sàng điều chỉnh lãi suất”, bà Hồng nói.
Thông tin cụ thể hơn về tình lãi suất 5 tháng đầu năm, ông Phạm Chí Quang, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, tính đến 29/5, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,4% so với cuối năm 2019, thanh khoản hệ thống thông suốt. Dưới tác động của dịch Covid-19, do nhu cầu tín dụng tăng thấp, tín dụng tăng trưởng 1,96% so với cuối năm 2019.
Cũng theo ông Quang, trong điều hành lãi suất, từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm hai lần lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1 - 1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận với nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN.
Cùng với đó, NHNN cũng điều chỉnh giảm 0,6 - 0,7 điểm phần trăm đối với trần lãi suất tiền gửi các kì hạn 6 tháng và giảm 1 điểm phần trăm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện ở mức 5%/năm để hỗ trợ giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp và người dân. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm so với đầu năm.
“Về tỷ giá, mặc dù thị trường quốc tế diễn biến phức tạp nhưng tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước vẫn ổn định, thanh khoản thông suốt. TCTD mua ròng ngoại tệ từ khách hàng. Đến cuối tháng 5/2020, tỷ giá trung tâm tăng 0,46%, tỷ giá liên ngân hàng tăng 0,49% so với đầu năm”, ông Quang chia sẻ.
Bà Hà Thu Giang, Vụ phó Vụ Tín dụng và các ngành kinh tế NHNN phát biểu tại Họp báo.
Bà Hà Thu Giang, Vụ phó Vụ Tín dụng và các ngành kinh tế NHNN cho biết, sau hơn 2 tháng triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN, đến 25/5/2020, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 224 nghìn khách hàng với dư nợ gần 152 nghìn tỷ đồng; đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 326 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 767.607 tỷ đồng cho 196.369 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.
Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 150.714 khách hàng với dư nợ hơn 3.813,6 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 75.209 khách hàng với dư nợ 1.567,6 tỷ đồng, cho vay mới đối với 680.031 khách hàng với dư nợ 25.756,5 tỷ đồng.
Ông Trần Đăng Phi, Phó chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, nợ xấu nội bảng của hệ thống dưới 2%, tuy nhiên, nợ xấu tiềm ẩn từ tháng 3, 4, 5 có chiều hướng tăng do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của các TCTD.
Còn theo ông Phạm Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, trong 5 tháng, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% về giá trị; thanh toán qua điện thoại di động trăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Liên quan đến vấn đề được thị trường quan tâm những ngày qua, ông Dũng, NHNN cho biết, ngày 24/4/2020, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quyết định về Mobile Money.
“Các doanh nghiệp viễn thông sẽ triển khai đề án gửi đơn vị đầu mối nghiên cứu cấp phép sau đó mới được triển khai dịch vụ. Về bản chất Mobile Money là việc sử dụng thông tin thuê bao di động được định danh để mở tài khoản di động. Do đó, không lo lắng về việc sim rác”, ông Dũng thông tin.
“Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng và thời gian tới tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Quyết định để Thủ tướng thông qua”, ông Dũng cho biết thêm.