Tính đến 31/8/2020, VAMC thu hồi nợ ước đạt 94.370 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại VAMC, lũy kế mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt tháng 8/2020 đạt 329.007 tỷ đồng. Trong đó, mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đạt 67.612 tỷ đồng; mua nợ theo giá trị thị trường từ 2017 đến 2020 đạt 8.341 tỷ đồng.
Ông Đỗ Giang Nam, Phó tổng giám đốc VAMC. Ảnh Internet

Ông Đỗ Giang Nam, Phó tổng giám đốc VAMC. Ảnh Internet

Thông tin trên vừa được ông Đỗ Giang Nam, Phó tổng giám đốc VAMC chia sẻ tại Diễn đàn Ngân hàng Việt Nam 2020 với chủ đề “Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: kết quả và khuyến nghị chính sách” diễn ra sáng nay 30/9 tại Hà Nội.

Ông Nam cho biết thêm, về kết quả xử lý nợ tại VAMC sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 31/8/2020, thu hồi nợ ước đạt 94.370 tỷ đồng, gấp 1,5 lần tổng thu hồi nợ giai đoạn trước đó (từ 2013 đến 14/8/2017). Thu giữ thành công một số tài sản bảo đảm có giá trị lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ.

Kết quả thu hồi nợ phân theo các biện pháp, cụ thể, với biện pháp bán nợ, kết quả thu hồi sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (từ 15/8/2017 đến tháng 8/2020) tăng gấp hơn 4 lần so với giai đoạn trước đó (từ 2013 đến ngày 14/8/2017);

Kết quả thu hồi nợ từ biện pháp xử lý tài sản bảo đảm tăng gấp 1,5 lần; ý thức trả nợ của khách hàng tăng cao rõ rệt, việc thu hồi nợ thông qua các biện pháp khác như tố tụng cũng tác động tích cực đến kết quả thu hồi xử lý nợ.

Kết quả hoạt động đấu giá sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, giai đoạn 2017 đến 31/8/2020, thực hiện đấu giá thành công nhiều khoản nợ và tài sản bảo đảm với tổng số tiền trúng đấu giá 1.371 tỷ đồng.

Kết quả hoạt động khác sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực: Thứ nhất, VAMC được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng nhằm tăng cường nguồn lực phục vụ hoạt động mua nợ theo giá trị thị trường, nâng cao năng lực tài chính, uy tín trên thị trường mua bán nợ.

Thứ hai, VAMC cơ cấu và sắp xếp lại các đơn vị nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó phát triển hoạt động đấu giá, nâng cao năng lực quản trị rủi ro.

Thứ ba, VAMC triển khai mạnh mẽ các giải pháp phát triển thị trường mua bán nợ: Xây dựng Đề án thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC nhằm quản lý, khai thác thông tin về khoản nợ/tài sản bảo đảm; Xúc tiến thành lập Câu lạc bộ AMC nhằm tạo lập diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin, kết nối nhà đầu tư; Tham gia thành viên IPAF, ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác như KAMCO, SAM để chia sẻ kinh nghiệm xử lý nợ và kết nối các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ tại Việt nam.

Tin bài liên quan