Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN phát biểu tại hội thảo

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN phát biểu tại hội thảo

Tính đến 17h ngày 3/7 đã có 16,6 triệu tài khoản được các ngân hàng kiểm tra đối chiếu với Bộ Công an

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tính đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Những con số này cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên, đi cùng là những mối lo đặt ra vấn đề cần sự chung tay giải quyết

5 tháng đầu năm 2024, số tiền khách hàng bị lừa đảo là 4.239 tỷ đồng

Tại Hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng nay (4/7), Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) nhận định, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gia tăng mạnh, trở thành “vấn nạn”, gây thiệt hại lớn về tài sản, bức xúc dư luận xã hội. Số tiền khách hàng bị lừa đảo tăng dần theo thời gian, cụ thể, năm 2021 là 1.071 tỷ đồng; năm 2022 là 1.276 tỷ đồng; năm 2023 là 4.514 tỷ đồng; 5 tháng đầu năm 2024 là 4.239 tỷ đồng.

Đặc điểm của tội phạm được ông Tùng chỉ rõ là, lợi dụng tính ẩn danh, không biên giới của không gian mạng, đối tượng dễ dàng tiếp cận, tương tác người bị hại với nhiều vai qua mạng xã hội, ứng dụng OTT. Hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, quy mô lớn theo mô hình “công ty” từ vài chục đến vài trăm đối tượng. Hoạt động chuyên nghiệp, phân công vai trò, vị trí, chia thành nhiều giai đoạn của quá trình lừa đảo: thu gom tài khoản; lừa đảo; chuyển tiền…

“Lợi dụng dịch vụ thanh toán nhanh qua tài khoản ngân hàng, ví tiền ảo không chính chủ làm công cụ dịch chuyển dòng tiền. Bên cạnh đó, đa dạng về phương thức, thủ đoạn, lợi dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ, chủ trương, chính sách chuyển đổi số”, ông Tùng nói.

Ông Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phát biểu tại Hội thảo

Ông Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phát biểu tại Hội thảo

Thông tin từ Bộ Công an cho biết, tháng 4/2024, Công an TP. Hồ Chí Minh triệt phá ổ nhóm 56 đối tượng sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng thủ đoạn trúng thưởng mua bán trực tuyến do Lê Đức Kông (SN 1989; trú tại phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân), Nguyễn Thị Hồng Nhung (vợ Kông; SN 1989; trú tại phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân), Bá Võ Tuấn (SN 1981; trú tại chung cư Richstar 1, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) điều hành. Các đối tượng chiếm đoạt tài sản của hàng ngàn bị hại, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Cũng trong tháng 4/2024, Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp lực lượng chức năng Vương quốc Campuchia triệt phá ổ nhóm 20 đối tượng do người Trung Quốc tổ chức, điều hành tại tỉnh Svayrieng, Campuchia. Các đối tượng lập các ứng dụng chat sex, hẹn hò để lừa đảo hàng trăm người bị hại, chiếm đoạt hơn 50 tỷ đồng. Trong đó, các đối tượng Đinh Văn Phú (sinh năm: 1991) và Nguyễn Văn Việt (sinh năm: 2001) cùng trú tại: Hải Tiến, TP. Móng Cái, Quảng Ninh là trưởng nhóm điều hành, quản lý trực tiếp các nhóm ứng dụng.

“Lừa đảo đã thành một nghề kiếm sống và thậm chí mang lại lợi nhuận cao nên người ta đã tập trung toàn thời gian cho việc này”, ông Tùng nói.

Đa số khách hàng đã xác thực thông tin sinh trắc học

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, lừa đảo như thế nào thì cuối cùng cũng về hệ thống ngân hàng. Hệ thống ngân hàng đã có nhiều giải pháp bao gồm giải pháp mang tính hệ thống và Quyết định 2345 là giải pháp cụ thể. Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345), có hiệu lực từ 01/7/2024. Theo đó, các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.

Việc triển khai quyết định này được kỳ vọng góp phần bảo đảm các giao dịch thanh toán trực tuyến chỉ được thực hiện bởi chính chủ tài khoản, qua đó sẽ nâng cao an ninh, an toàn, bảo mật cho các giao dịch thanh toán trực tuyến. Đồng thời, giảm thiểu rủi ro gian lận, lừa đảo trong giao dịch thanh toán trực tuyến, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Ông Phạm Tiến Dũng tiết lộ, đến 17h ngày 3/7 đã có 16,6 triệu tài khoản ngân hàng được các ngân hàng kiểm tra đối chiếu với Bộ Công an, tương đương khối lượng 1 năm ngành ngân hàng mở tài khoản cho khách hàng. Trong khi đó, ngày 2/7 số lượng giao dịch trên 10 triệu đồng/giao dịch chỉ có 1,8 triệu. Điều này cho thấy, việc phải xác thực khuôn mặt đối với món chuyển khoản trên 10 triệu đồng là hoàn toàn thông suốt.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó tổng giám đốc BIDV trình bày tại Hội thảo

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó tổng giám đốc BIDV trình bày tại Hội thảo

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, tính đến đêm ngày 3/7, đã có 1,7 triệu khách hàng của BIDV xác thực thông tin sinh trắc học thành công. Trong đó, có 166.000 khách hàng đã xác thực qua quầy; 1,6 triệu khách hàng thu thập qua kênh số. Còn tại Agribank, ông Lê Hồng Phúc, Phó tổng giám đốc cho biết, trên 1 triệu khách hàng đã xác thực thông tin sinh trắc học, trung bình 1 ngày có 200.000 khách thực hiện và trong đó 8-10% khách hàng thực hiện tại quầy.

“Các số liệu trên cho thấy, nỗ lực rất lớn của hệ thống những ngày qua và cơ bản đa số khách hàng đã xác thực thông tin sinh trắc học và chỉ còn một số ít chưa làm được”, ông Dũng nói.

Theo thống kê của các ngân hàng, sau ba ngày thực hiện (từ 1/7/2024), đến nay giao dịch cơ bản đã thông suốt. “Không có nhiều vướng mắc nếu nhìn vào số liệu. Cuộc sống không có gì bị gián đoạn. Phòng chống lừa đảo, bảo vệ khách hàng giao dịch ngân hàng trên không gian mạng là mục đích cao nhất của hệ thống”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan