Đó cũng là lý do khiến đoàn giám sát do Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn trước đó đã làm việc với Chính phủ, 7 bộ, ngành và 12 địa phương (trong đó có những nơi nóng nhất về quản lý đất đai như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng), nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam và khảo sát tới 40 dự án sử dụng đất tại đô thị.
Trong nhiều ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra không ít nan đề. Trong đó, có việc đất đai đô thị chưa được sử dụng hợp lý, tỷ lệ đất dành cho hạ tầng còn thấp, nhiều chủ đầu tư "ôm" đất nhưng không sử dụng hoặc chậm tiến độ, gây lãng phí và mất mĩ quan đô thị, thậm chí gây bất ổn xã hội.
Thực tế trên đã phần nào phản ánh bức tranh thị trường bất động sản, khi sau một quá trình sàng lọc, không ít các chủ đầu tư tay ngang, hoặc thiếu năng lực tài chính, hoặc thiếu kinh nghiệm triển khai dự án đã lâm vào cảnh nửa đường đứt gánh, dự án bị đình trệ.
Câu chuyện vừa mang tính chất quản lý, vừa mang hơi thở rất thị trường này cũng phản ánh một sự bất công không hề nhẹ, khi nhiều chủ đầu tư khác, do khó/không thể tiếp cận quỹ đất nội đô đã phải “cày đào”, tỏa đi nhiều nơi, nhiều khu vực để tìm không gian phát triển mới.
Câu chuyện “kẻ ăn không hết, người lần không ra” đối với đất đai đô thị không phải là một vài trường hợp lẻ loi!
Tuy nhiên, nếu nhìn ở khía cạnh tích cực thì sự “chật chội, bí bách” ở các đô thị lớn lại là tiền đề cho sự phát triển ở những thị trường vùng ven, tỉnh lẻ, thậm chí miền núi. Có thể ban đầu là các giải pháp tình thế, nhưng dần dần nhiều doanh nghiệp bất động sản đã coi thị trường tỉnh là “cứ điểm” đổ vốn mới của mình.
Không chỉ những thị trường truyền thống như Đà Nẵng, Cam Ranh, Quảng Ninh, Hải Phòng…, rất nhiều vùng đất mới, đầy tiềm năng đã được các chủ đầu tư, nhà phân phối, nhà đầu tư chỉ ra tại chuyên đề “Tìm điểm nóng đầu tư mới” trong số báo Đầu tư Bất động sản mà độc giả đang cầm trên tay.
Nói về xu hướng này, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội nhận định rằng, về bản chất, kỳ vọng của chủ đầu tư/đơn vị phát triển dự án/khách hàng ở cả thị trường truyền thống và thị trường mới đều giống nhau. Khả năng sinh lời của bất động sản đến từ hai nguồn: tăng giá bán và khả năng kinh doanh, cho thuê, tăng giá thuê. Tuy nhiên, ở các thị trường truyền thống, do quỹ đất hạn hẹp, chi phí đầu vào (đất đai, thuế sử dụng đất) lớn, trong khi với các thị trường mới, suất đầu tư thấp hơn, với các dự án có vị trí tốt, triển vọng tăng giá cũng khả quan nên đã hấp dẫn các chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án và khách hàng.
Còn bà Trang Bùi, Giám đốc bộ phận thị trường JLL Việt Nam lại đề cao yếu tố tầm nhìn của các chủ đầu tư. Theo chuyên gia này, các chủ đầu tư có kinh nghiệm, sau một thời gian phát triển các dự án ở các đô thị lớn nhất định sẽ tính đến phương án lâu dài cho doanh nghiệp mình. Họ sẽ tìm kiếm những nơi quỹ đất còn nhiều để thực hiện tích lũy. Xu hướng đổ ra vùng ven, ra thị trường tỉnh mới bùng phát mạnh mẽ trong khoảng 1 - 2 năm trở lại đây, nhưng có thể, sự tích lũy thì đã được thực hiện từ trước đó rất lâu.
Theo lẽ thường, thị trường truyền thống là nơi “tụ tập” của những ông lớn, còn với thị trường tỉnh lẻ, bên cạnh các đại gia, có cả sự xuất hiện của những người mới.
Thành, bại đều còn là câu chuyện ở thì tương lai. Kinh nghiệm thị trường chưa chắc đã đảm bảo cho sự thành công trước mắt. Và tuổi đời ít ỏi của lính mới chưa hẳn chỉ mang đến những mối lo. Như lời của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, thì khi tham gia vào sân chơi bất động sản, các nhà đầu tư đều có thể bị cuốn hút vào các cơn sóng nhưng quan trọng nhất là cần phán đoán rõ cái đích cuối cùng của khách hàng và thị trường, xem họ muốn gì, từ đó lựa chọn cho mình sản phẩm đầu tư phù hợp. Có lẽ, đó vẫn là lời khuyên không bao giờ cũ, nhất là với những người đang mang trong mình tâm lý háo hức khi mang vốn đến những vùng đất lạ.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com