Chẳng biết có phải cái duyên kim tiền thủa xưa mà một sớm, nó như lột xác hẳn, sơn nippon xanh lơ, cửa kính điện chạy xèn xẹt và tường nền được bóc gỡ trang hoàng một lớp áo mới. Và nổi bật lên tất cả là tấm biển vàng rờ rỡ: Sàn giao dịch Công ty Chứng khoán X.
Tôi gặp nàng ở góc sân, khu căng tin trà nước cho các nhà đầu tư. Tình cờ và tự nhiên, như thể hấp lực của cái thế giới mới mẻ này đã kéo tuột tôi ra khỏi những chồng sách cũ kỹ. Nàng làm kế toán ở một trường cấp 3, là hiện thân của cái xã hội đầy phồn thực đang lên, có nét hấp dẫn riêng của người đàn bà đang vào độ chín, độ đằm.
“Anh có nhớ mụ Thu già dạo trước hay đi với em không? Vừa được tay bồ cũ tặng cho lô cổ phiếu. Ôi, giờ thì cú bỗng hóa công, hàng hiệu điệu đà, cảnh vẻ phải biết nhé. Lão chồng lúc đầu cứ ngấm nguýt ghen bóng, ghen gió giờ phải ngậm bồ hòn làm ngọt rồi...”.
Vừa tỉa tót lại hàng lông mày kẻ đậm như đổ mực tàu, nàng vừa nhẩn nhả “buôn” với tôi. Giọng nàng đầy sự châm chích, mai mỉa, nhưng cũng không giấu được chút ghen tỵ nữ nhi thường tình.
Đang mải mê ngắm đôi chim khuyên chuyền cành, tôi bị nàng kéo tuột về thực tại. Vừa tiếc cái cảm giác thoát ly trần thế, vừa bất ngờ với câu hỏi khiến tôi ngớ ra mất vài giây. “Chơi chứng mà ngố tàu như anh, có ngày đến phải bán nhà! Mà thơm thế, cà phê số 5 phải không, cho em ké ngụm...”. Nàng hồn nhiên xích lại phía tôi, nâng ly cà phê nhâm nhi. Gió bay, những lọn tóc nâu uốn lượn lòa xòa, tỏa mùi mỹ phẩm cao cấp. Tôi thu mình, cố giấu đi cảm giác nôn nao khó tả: “Nhớ rồi, cái bà Thu có ông chồng là kỹ sư chăn nuôi, đúng không”...
Tôi nhớ bà Thu nhà cách phố tôi hai phố có quầy hàng bán trứng vịt, trứng gà. Ông chồng là kỹ sư của trại gà tỉnh, thấy bảo mấy mươi năm trước cưa được bà cũng là nhờ giỏ trứng! Đúng hơn, ông ấy cưa đổ gia đình bà nhờ mỗi hôm “thó” của trại đôi ba quả trứng giấu trong bộ bảo hộ màu xanh xi lâm. Ngày ấy, bà Thu đã thề non hẹn biển với anh kỹ sư nằm giàn mãi trong Vũng Tàu. Nhưng rồi gia đình bà cấm cản, ép lấy anh kỹ sư chăn nuôi. Cứ dăm bữa, nửa tháng anh này lại sang “biếu hai bác chục trứng”.
Cuộc đời vật đổi sao rời. Ông người tình của bà Thu ba mươi năm sau không những đã lên bờ, mà còn lên chức chủ tịch một công ty vừa mới tổ chức đấu giá đình đám. Trong khi suốt mấy mươi năm, trứng của ông chồng bà Thu vẫn chỉ nở ra gà, ra vịt thì “chứng” của ông kia giờ đã nở ra vàng ròng rồi... Chẳng biết lưu luyến tình cũ hay cũng lại cái trò “chơi khăm” nhau, lão tìm tặng người xưa một lô chứng khoán khiến gia đình bà Thu khá lên nhưng cũng mấy phen chao đảo!
Tất cả những chuyện đó, phần lớn tôi nghe được từ nàng. Thì ra, cái sàn chứng khoán mới mở này là một xã hội thu nhỏ với đầy xô bồ, nhốn nháo, với những yêu ghét, đua chen. Nó là chốn tụ bạ của những bà sồn sồn quen ngồi lê đôi mách, nơi câu chuyện về quan hệ tình tiền là đề tài luận bàn vĩnh cửu. Nó là nơi “trưởng giả học làm sang” của nhóm người buôn thúng bán bưng cũng bắt đầu có chút khá lên. Nó là “canh bạc” của đám giàu xổi, vênh váo khoe mẽ quyết “làm ăn nhớn” đầy hãnh tiến kia. Nó là nơi gửi gắm giấc mơ đổi đời nhiều huyễn hoặc của đám công chức hạng “ruồi”... như tôi.
“Này, sao anh say chuyện với con Bích thế! Nó cứ giả ngây giả ngô nhưng ăn người đấy anh. Hôm kia em vừa nhận phone của đứa bạn bảo mua con SD… sắp có tin chia 1/2, ai dè con này đứng sau chộp được, nhanh tay hớt luôn hai ngàn đang bán trên tham chiếu. Lần sau, em sẽ tổng xỉ vả một trận cho nó biết tay!”. Nàng từ phòng giao dịch ra sấn sổ lườm tôi khi Bích vừa mới đứng lên. Tôi nhìn sâu vào mắt nàng kiếm tìm sự hờn ghen, chỉ thấy đôi mắt đen sắc lạnh chớp chớp: “Nay nhọ thật anh ạ, sàn thì xanh mà cổ của em vẫn đỏ”.
Chẳng biết có phải vì quá khác nhau giữa một kẻ lơ mơ lãng mạn, một người thực tế, riết róng mà tôi và nàng dễ thân. Bên cạnh niềm đam mê bám sàn thì có lẽ sự đơn điệu tẻ nhạt của đời sống lâu nay khiến chúng tôi tự nhiên “hợp cạ”. Tôi có thể ngồi hàng giờ say sưa nghe những câu chuyện nàng kể. Từ chuyện con vợ tay thợ mộc chợ tỉnh nghe ai xui cũng lén bốc tiền của chồng ra mở tài khoản. Mấy tháng trước còn chổng mông đánh véc-ni giờ cũng biết bàn chuyện PE, PB với nến xanh, nến đỏ... Rồi cái bà buôn trà tàu, mặt tó ha, tó hó kia vậy mà được hưởng lộc giời. Chẳng là 3 tháng trước, nhập xong lô cổ bánh kẹo thì bà mẹ già lăn ra cấm khẩu. Mải mê chăm mẹ, chẳng còn tâm trí ngó ngàng đến chứng cổ, lúc bà cụ hai năm mươi xong mới trở lại sàn thì cổ đã tăng tới 300% vì công ty ra cái tin chuyển trụ sở sang xây chung cư. Đúng là ăn ở có hiếu, được cụ phù hộ tức thì! Rồi cái ông tóc bạc, đeo kính cận, mặt ngác ngơ như mất sổ gạo là ông thầy dạy văn trường chuyên. Khổ, tiền tích cóp dốc túi mua của thằng học trò cũ lô cổ phiếu OTC, giờ chẳng bán được cho ai, tuần nào cũng vác cái mặt đưa đám ra hỏi mấy đứa nhân viên một câu ngây ngô, khi nào thì cổ ấy niêm yết. Chuyện cô nhân viên môi giới kênh kiệu, ngồi giũa móng tay không nhanh viết lệnh khiến nàng và mấy bà đi tố với tay trưởng phòng giao dịch, ai dè lại được hắn bênh. “Thằng cha này với con chíp hôi đích thị là phường mèo mả, gà đồng với nhau. Hắn từ Hà Nội về đây nhặt ả vào làm nhân viên vốn trước là con cắt tóc, gội đầu. Trai xa vợ, gái chửa chồng cứ đầu mày cuối mắt tình tứ lắm. Thấy bảo hắn còn đang vướng vào vụ bốc trộm cổ phiếu trong tài khoản của nhà đầu tư lướt lát, vụ việc vỡ lở đang bị làm lùm xum lên kia...”.
* *
*
Cuộc đời sẽ thú vị biết bao nếu nhóm cổ phiếu nhà sách mà tôi vẫn “chung thân” mỗi năm đều đặn hai “sóng”. Và càng thú vị hơn khi sáng sáng được trốn tay sếp già bẳn tính ra “buôn” với người đàn bà đẹp và “hợp cạ”. Nhưng rồi cơn lốc cổ phiếu rớt giá đã cuốn đi bao thứ, cả những dự cảm tình tiền còn ở thì tương lai...
Mở đầu là chuyện tay thợ mộc biết vợ đi buôn chứng thua lỗ, lẳng cho cái bào, may mà chỉ sượt tai. Rồi bà Thu phất lên nhờ tình xưa, tưởng chỉ chuyên tâm bám sàn giờ phải khởi động lại quầy trứng gà, trứng vịt. Sau đận gã trưởng phòng giao dịch bị điệu về công ty vì mụ vợ trên Hà Nội xuống đánh ghen tùm lum, cô nhân tình vênh váo cũng biến mất luôn... Như một cơn lũ quét, sàn mới ngày nào sôi động và náo nhiệt là thế bỗng chốc thưa thớt, vắng hoe.
Lần đầu tiên vào mùa khai trường mà đám cổ phiếu họ sách của tôi “mất sóng”, đã thế nhiều phiên còn trắng giao dịch. Tôi vẫn ra sàn, dẫu chỉ ngồi một mình nhìn những gương mặt người mệt mỏi, ngơ ngác. Mấy tuần rồi không gặp nàng, lòng cảm thấy hoang mang trống vắng. Phone cho nàng không được, nhắn tin cứ rơi vào thinh không... Tôi buồn hiu, tự nhiên ngập tràn một cảm giác trách đời, trách người.
Bất ngờ một buổi, tôi nhận được phone nàng hẹn ra sàn. Đến nơi, đã thấy nàng ngồi với ly cà phê số 5. Hôm nay, nàng không trang điểm khiến gương mặt dường như nhẹ nhõm hơn. Chớm Xuân, nắng vàng nhạt xô bóng tôi và nàng ngả dài trên hè phố.
“Em đóng tài khoản rồi, nay ra tất toán rồi nghỉ chơi anh ạ. Chẳng giấu gì anh, thời gian rồi cũng ôm ngân quỹ của trường đi mua cổ cánh làm lõm mất vài trăm. Cũng may, lão chồng lẳng lặng xắn tay cùng xử lý nên mọi việc đã tạm êm xuôi. Em với lão ấy vốn khắc khẩu, chẳng bao giờ chuyện được với nhau quá 5 phút nhưng lúc khó khăn mới thấy lão thương vợ...”.
Tôi nắm bàn tay nàng, nàng để yên trong tay tôi. Một giọt lệ của nàng rơi xuống lòng tay tôi ấm nóng. Tôi biết từ mai mình sẽ không còn được gặp nàng nữa, ở sàn này!
Thời gian thấm thoắt trôi đi, cái sàn chứng khoán tỉnh lẻ náo nhiệt thủa nào đã đóng cửa từ lâu. Tôi trở về cặm cụi với chồng sách cũ bởi lời hứa của tay sếp mới “kỳ này sẽ đưa cậu vào quy hoạch”. Thi thoảng, đi qua con phố có ngôi nhà xanh lơ và cây bàng tỏa bóng, giờ là cửa hàng bán đồ thờ cúng, tôi không khỏi dừng lại thẫn thờ. Tôi nhớ cái khoảng sân rực nắng kín người, nhớ những bước chân nhộn nhịp, nơi tụ tập của bao nỗi buồn, niềm vui. Tôi nhớ những buổi ngồi “buôn” với nàng, thú vị nghe những câu chuyện tình lãng đãng trôi qua. Cả tôi với nàng nữa, có gọi được là một thứ tình không, một thứ tình như mây bay, gió thoảng? Chẳng biết đặt tên là gì, thôi cứ gọi là tình... chứng khoán!