Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Tin xấu bao vây chứng khoán, vàng, dầu cũng quay đầu

(ĐTCK) Sau phiên tăng mạnh cuối tuần trước nhờ dữ liệu việc làm tháng 4 khả quan của Mỹ, chứng khoán Âu, Mỹ bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới với những thông tin không tích cực, nên quay đầu giảm điểm. Trong khi đó, đồng USD tăng giá khiến vàng và dầu cũng giảm giá trong phiên đầu tuần.

Sau phiên tăng mạnh cuối tuần trước nhờ dữ liệu việc làm khả quan được công bố, phố Wall đã giảm nhẹ trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi giới đầu tư lo lắng về tình hình Hy Lạp và đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc, cũng như cổ phiếu năng lượng bị ảnh hưởng do giá dầu giảm.

Hy Lạp đang bước vào cuộc đàm phán với các chủ nợ để thảo luận về khoản tài trợ cho công cuộc cải cách của quốc gia này. Mặc dù Hy Lạp cho biết, đã thanh toán một khoản nợ 750 triệu euro (836 triệu USD) cho IMF, nhưng nếu không đạt được kết quả đàm phán khả quan với các chủ nợ, nhiều khả năng quốc gia này sẽ rơi vào tình cảnh vỡ nợ và đối mặt với nguy cơ rời khỏi khu vực đồng tiền chung.

Trong khi đó, tại châu Á, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa có quyết định cắt giảm lãi suất 0,25% trong ngày Chủ nhật. Đây là lần thứ 3 trong vòng 6 tháng, PBOC cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và điều này cũng cho thấy, Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.

Kết thúc phiên 11/5, chỉ số Dow Jones giảm 85,94 điểm (-0,47%), xuống 18.105,17 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 10,77 điểm (-0,51%), xuống 2.105,33 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 9,98 điểm (-0,2%), xuống 4.993,57 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng quay đầu giảm điểm trong phiên đầu tuần mới do ảnh hưởng từ Trung Quốc, cũng như chính thông tin tại khu vực. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của châu Âu, nhất là nguyên liệu của các doanh nghiệp khai mỏ. Do đó, nhóm cổ phiếu này đã giảm mạnh trong phiên đầu tuần, góp phần kéo chứng khoán khu vực giảm.

Ngoài ra, nỗi lo về Hy Lạp vẫn đang ám ảnh giới đầu tư châu Âu khi Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp và các bộ trưởng tài chính eurozone bước vào cuộc đàm phán về gói cứu trợ cho quốc gia này. Các cuộc đàm phán trước đó đều rơi vào bế tác khi các bên chưa tìm được tiếng nói chung trong các giải pháp cải cách mà Athens đưa ra.

Trong phiên giảm đầu tuần, chứng khoán Pháp có mức giảm tồi tệ nhất khu vực do ảnh hưởng của vụ máy bay vận tải quân sự của Airbus rơi ở Tây Ban Nha.

Kết thúc phiên 11/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 16,97 điểm (-0,24%), xuống 7.029,85 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 36,38 điểm (-0,31%), xuống 11.673,35 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 62,52 điểm (-1,23%), xuống 5.027,87 điểm.

Tại thị trường chứng khoán châu Á, dư âm của chứng khoán Âu, Mỹ cuối tuần trước, cũng như việc Trung Quốc tiếp tục cắt giảm lãi suất đã giúp chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh trong phiên đầu tuần mới, lên mức các nhất gần 2 tuần. Dĩ nhiên, việc Trung Quốc giảm lãi suất như kỳ vọng đã giúp chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục tăng mạnh trong phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 11/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 241,72 điểm (+1,25%), lên 19.620,91 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 140,86 điểm (+0,51%), lên 27.718,20 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 127,67 điểm (+3,04%), lên 4.333,58 điểm.

Áp lực bán kỹ thuật, cùng với việc đồng USD có phiên tăng thứ 3 liên tiếp trong ngày đầu tuần sau khi Trung Quốc cắt giảm lãi suất và giá dầu thô giảm trở lại đã khiến vàng giảm giá trong phiên đầu tuần.

Có thời điểm, giá kim loại quý giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 1.180 USD/ounce, nhưng nhờ lo lai về vấn đề Hy Lạp và việc Trung Quốc kích thích kinh tế có lợi cho các hoàng hóa nguyên liệu, cũng như kim loại quý, trong đó có vàng giúp giá vàng hồi trở lại và chỉ còn giảm nhẹ khi chốt phiên.

Kết thúc phiên 11/5, giá vàng giao ngay giảm 4 USD (-0,34%), xuống 1.183,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 4,2 USD/ounce (-0,35%), xuống 1.183,0 USD/ounce.

Báo cáo về số lượng giàn khoan của Mỹ tuần qua lần đầu tăng trong năm 2015 sau nhiều tuần liên tiếp sụt giảm đã khiến giá dầu giảm trong phiên đầu tuần. Tuy nhiên, mức giảm không quá mạnh khi giới phân tích cho rằng, dù số giàn khoan tăng trở lại, nhưng sản lượng cũng sẽ sụt giảm 71.000 thùng/ngày, xuống còn 4,97 triệu thùng/ngày. Giá dầu giảm còn do đồng USD mạnh lên khi Trung Quốc lần thứ 3 trong 6 tháng cắt giảm lãi suất và sản lượng của OPEC vẫn ở mức cao.

Kết thúc phiên 11/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,14 USD/thùng (-0,24%), xuống 59,25 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,48 USD (-0,74%), xuống 64,91 USD/thùng.

Tin bài liên quan