Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, ngành sản xuất vật liệu xây dựng trong nước đã phát triển không ngừng và đạt được nhiều thành tựu với công nghệ hiện đại, từng bước nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Các sản phẩm vật liệu xây dựng cũng cơ bản thỏa mãn được nhu cầu tiêu dùng của xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước, đồng thời một số sản phẩm vật liệu xây dựng đã xuất khẩu như xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, đá ốp lát...
Cụ thể, sản xuất xi măng trong nước đạt công suất 89 triệu tấn/năm, chiếm 2% sản lượng xi măng thế giới (4,5 tỷ tấn/năm), đứng đầu các nước ASEAN, gấp 1,9 lần Thái Lan (47 triệu tấn/năm) và bằng khoảng 4,85% năng lực sản xuất so với Trung Quốc (gần 2 tỷ tấn/năm).
Gạch ốp lát có công suất 705 triệu m2/năm, bằng 5% so với năng lực sản xuất của thế giới (14 tỷ m2), bằng gần 11% so với năng lực sản xuất của Trung Quốc (7 tỷ m2).
Sứ vệ sinh đạt năng lực sản xuất 20 triệu sản phẩm/năm, chiếm 17% của ASEAN, bằng 1,5% năng lực sản xuất của thế giới và bằng gần 4% năng lực sản xuất của Trung Quốc…
Năm 2017, giá trị xuất khẩu các sản phẩm vật liệu xây dựng đạt 1,67 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện ngành vật liệu xây dựng trong nước đang phải đối mặt với các khó khăn, mà theo Bộ Xây dựng, cần phải triển khai quyết liệt các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính trong xuất khẩu, vay vốn, thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng chính sách tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước đã sản xuất được, trên cơ sở phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam khi tham gia WTO và cam kết quốc tế khác.
Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, ở đây không phải tăng thuế, mà trước đây chính sách thuế bằng 0 với các sản phẩm trong nước chưa sản xuất được. Bây giờ, khi trong nước đã sản xuất được, thì sẽ bỏ chính sách thuế nhập khẩu bằng 0 với các sản phẩm này và áp thuế bình thường. Mức thuế suất cụ thể sẽ tùy vào từng loại sản phẩm cụ thể.
Về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Sáu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thạch cao
GYPRO Việt Nam cho biết, đề xuất này nếu được triển khai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước. Giúp doanh nghiệp gia tăng khả năng cạnh tranh để có thêm thị phần, có thêm điều kiện phát triển mạnh hơn.
Tuy nhiên, theo ông Sáu, phải xem xét thật kỹ, rà soát lại thực trạng sản xuất vật liệu xây dựng hiện nay của Việt Nam và phải tăng thuế sản phẩm cụ thể cuối cùng. Còn nếu tăng thuế nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất vật liệu xây dựng đó, thì lại tạo khó khăn cho doanh nghiệp.
Bởi trong nước hiện nay hầu như không đáp ứng được nguyên liệu để sản xuất nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng, nên phải nhập khẩu nguyên liệu. Chẳng hạn, sản xuất thạch cao phải nhập khẩu những chất phụ gia, như sợi thủy tinh, giấy. Hơn nữa, về trình độ và công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang thua doanh nghiệp nước ngoài, chỉ có lợi thế là sản xuất tại chỗ không phải vận chuyển và có nhân công giá rẻ.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoài An, Giám đốc Công ty cổ phần Gạch Khang Minh nhận định, về mặt logic, nếu đề xuất trên được triển khai sẽ ảnh hưởng tích cực tới các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước. Khi đó, doanh nghiệp nội sẽ ít sự cạnh tranh hơn, có thêm cơ hội để mở rộng thị trường.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, ông Ngụy Thanh Vĩ, chuyên gia vật liệu nội thất nhận định, nếu tăng thuế đối với những vật liệu xây dựng thành phẩm thì sẽ tạo thuận lợi cho cạnh tranh về giá và đây là điều tuyệt vời của doanh nghiệp trong nước. Mặt khác, do không phải mất chi phí vận chuyển đường dài, hải quan, lại có nguồn nguyên liệu tại chỗ, nên doanh nghiệp có thể chủ động trong việc điều chỉnh giá và có cơ hội mở rộng phát triển sản xuất hơn.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com