Tin tốt tới dồn dập, giới đầu tư hồ hởi gom hàng

Tin tốt tới dồn dập, giới đầu tư hồ hởi gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đà tăng trên phố Wall tiếp tục kéo dài sang phiên ngày thứ Năm (11/3) với những dữ liệu kinh tế lạc quan, bên cạnh kỳ vọng phục hồi kinh tế sau khi dự luật cứu trợ Covid-19 khổng lồ trở thành hiện thực.

Đầu ngày thứ Năm, thị trường hào hứng đoán nhận báo cáo thất nghiệp mới nhất của Bộ Lao động Mỹ. Theo đó, số người lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 06/3/2021 là 712.000 người, thấp hơn so với dự báo trước đó của các chuyên gia là 725.000 người và cũng là mức thấp nhất ghi nhận được trong 4 tháng qua.

Sự phục hồi ổn định của thị trường lao động cũng được nhấn mạnh bởi một dữ liệu khác được Bộ Lao động Mỹ công bố cùng ngày cho thấy, số cơ hội việc làm tăng thêm 165.000 việc lên 6,9 triệu trong tháng 1/2021. Số lượng việc làm bị cắt giảm ở mức 1,7 triệu, giảm 136.000 việc so với tháng trước đó..

Trước đó vào tối ngày thứ Tư, Tổng thống Mỹ Joe Bide chính thức đặt bút ký duyệt đạo luật chi ngân sách 1.900 tỷ USD để hỗ trợ người dân và kích thích nền kinh tế quốc gia trước tác động của dịch Covid-19.

"Đạo luật lịch sử sẽ xây dựng lại xương sống của đất nước", ông Biden tuyên bố với các phóng viên tại Nhà Trắng.

Điểm đáng lưu ý đối với nhiều người dân Mỹ là khoản thanh toán tiền mặt 1.400 USD. Ngoài ra, một bộ phận người Mỹ còn được gia hạn phúc lợi thất nghiệp khẩn cấp đến đầu tháng 9, ở mức 300 USD/tuần. Nhà Trắng cho biết các khoản thanh toán có thể bắt đầu chuyển vào các tài khoản ngân hàng vào cuối tuần này.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm gần như đi ngang ở mức 1.52% trong phiên đêm qua.

Về tình hình dịch bệnh, các ca nhiễm Covid-19 mới tại Mỹ ghi nhận giảm 12% trong tuần trước và cũng là tuần thứ 8 liên tiếp giảm, đồng thời số ca tử vong giảm 18%, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết. Chương trình tiêm chủng cũng đang được triển khai hết sức nhanh chóng với 2,2 triệu mũi mỗi ngày.

Kết thúc phiên 11/3, chỉ số Dow Jones tăng 188,57 điểm (+0,58%), lên 32.485,59 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 40,53 điểm (+1,04%), lên 3.939,34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 329,84điểm (+2,52%), lên 13.398,67 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục leo dốc trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, đánh dấu chuỗi 4 phiên tăng điểm liên tiếp khi lo lắng về lạm phát tăng giảm bớt và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết sẵn sàng đẩy nhanh việc in tiền để hạn chế chi phí đi vay của khu vực đồng euro.

Kết thúc phiên 11/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 11,36 điểm (+0,17%), lên 6.736,96 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 29,14 điểm (+0,20%), lên 14.569,39 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 43,21điểm (+0,72%), lên 6.036,76 điểm.

Chứng khoán châu Á phủ sắc xanh trong phiên giao dịch hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm khi các nhà đầu tư tìm mua các cổ phiếu chu kỳ có diễn biến điều chỉnh trong những phiên gần đây.

Chứng khoán Trung Quốc tăng vọt trong bối cảnh dữ liệu cho vay tại các ngân hàng nước này trong tháng 2 tốt hơn dự kiến giúp thị trường giải tỏa lo lắng về việc thắt chặt chính sách.

Chứng khoán Hồng Kông giao dịch tích cực nhờ nhận ảnh hưởng tích cực từ phiên tăng vọt trên Đại lục.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng trở lại khi dữ liệu CPI trầm lắng của Mỹ làm dịu lo lắng lạm phát tăng tốc.

Kết thúc phiên 11/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 175,08 điểm (+0,60%), lên 29.211,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 79,09 điểm (+2,36%), lên 3.436,83 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 478,09 điểm (+1,65%), lên 29.385,61 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 55,58 điểm (+1,88%), lên 3.013,70 điểm.

Giá vàng quay đầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch đêm qua khi dòng tiền đổ mạnh vào thị trường chứng khoán nhờ những triển vọng phục hồi kinh tế tích cực.

Kết thúc phiên 11/3, giá vàng giao ngay giảm 3,80 USD (-0,22%), xuống 1.723,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 0,80 USD (+0,05%), lên 1.722,60 USD/ounce.

Giá dầu kéo dài đà tăng trong phiên thứ hai liên tiếp vào hôm thứ Năm trong bối cảnh đồng USD suy yếu, tồn trữ nhiên liệu của Mỹ giảm và dữ liệu kinh tế tích cực.

Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết, các kho dự trữ xăng của Mỹ giảm 11,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 5/3 xuống 231,6 triệu thùng, nhiều hơn so với dự báo giảm 3,5 triệu thùng của các chuyên gia.

OPEC hôm thứ Năm cũng công bố báo cáo tháng dự báo, nhu cầu trên thị trường dầu mỏ sẽ tăng 5,89 triệu thùng/ngày vào năm 2021, mức dự báo mới này tăng 6,5% so với dự báo của tháng trước.

Kết thúc phiên 11/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,58 USD (+2,5%), lên 66,02 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,73 USD (+2,6%), lên 69,63 USD/thùng.

Tin bài liên quan