Chuyển động thị trường:
- Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm khi đóng cửa phiên giao dịch chiều nay. Trên sàn TP. HCM, VN-Index giảm 7,99 điểm (-1,43%), xuống 551,92 điểm, chấm dứt chuỗi 13 phiên tăng liên tiếp. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 0,15 điểm (-0,2%), xuống 73,42 điểm.
- Thị trường chứng khoán Mỹ dao động nhẹ. Kết thúc phiên giao dịch gần nhất (sáng sớm nay, theo giờ Việt Nam), chỉ số S&P 500 tăng 5,1 điểm (+0,28%), lên 1.843,8 điểm; chỉ số Dow Jones giảm 44,12 điểm (-0,27%), xuống 16.441,44 điểm.
- Thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục khả quan khi kết thúc phiên giao dịch chiều nay (theo giờ Việt Nam). Chỉ số Shanghai Composite trên TTCK Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 43,44 điểm (+2,16%), lên 2.051,75 điểm. Chỉ số HangSeng Index trên TTCK Hồng Kông tăng 49,13 điểm (+0,21%), lên 23.082,25 điểm. Chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản tăng 25 điểm (+0,16%), lên 15.820,96 điểm. Các TTCK khác như NewZealand, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan… cũng tăng điểm. Một số ít TTCK giảm điểm là Úc, Malaysia, Singapore.
- Thị trường trái phiếu thứ cấp tại Sở GDCK Hà Nội hôm nay có 400.000 trái phiếu chính phủ đáo hạn ngày 15/6/2014 được giao dịch với mức giá gần nhất là 101.513 đồng/TP (lãi suất trái phiếu là 8,8%), tương đương lợi suất 5,5001%; có 500.000 trái phiếu chính phủ đáo hạn ngày 15/1/2016 được giao dịch với mức giá gần nhất là 103.224 đồng/TP (lãi suất trái phiếu là 8,6%), tương đương lợi suất 6,8003%; có 500.000 trái phiếu chính phủ đáo hạn ngày 15/1/2017 được giao dịch với mức giá gần nhất là 99.995 đồng/TP (lãi suất trái phiếu là 7,2%), tương đương lợi suất 7,1998%; có 500.000 trái phiếu chính phủ đáo hạn ngày 15/1/2019 được giao dịch với mức giá gần nhất là 99.795 đồng/TP (lãi suất trái phiếu là 8,2%), tương đương lợi suất 8,2501%; có 556.600 trái phiếu chính phủ đáo hạn ngày 30/6/2028 được giao dịch với mức giá gần nhất là 89.603 đồng/TP (lãi suất trái phiếu là 8,9%), tương đương lợi suất 10,03%.
- Tỷ giá USD giữ nguyên ở mức thấp, cuối giờ chiều nay được Vietcombank niêm yết ở mức 21.070/21.110 đồng (mua/bán). Như vậy, tỷ giá USD đã giữ ở mức này trong 11/12 phiên vừa qua (phiên ngày 15/1 tăng nhẹ 5 đồng/USD).
- Giá vàng SJC tiếp tục giảm mạnh, cuối giờ chiều nay được niêm yết ở mức 34,870 - 34,920 triệu đồng/lượng (mua-bán), giảm 1000.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều qua. Giá vàng giảm, lượng người đến mua nhiều hơn, nhưng chủ yếu mua số lượng nhỏ, với mục đích để tiết kiệm.
Diễn biến khác:
- Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp sẽ ban hành thông tư liên tịch cho phép người mua nhà được thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai để vay vốn trong gói 30.000 tỷ đồng ngay sau dịp Tết Nguyên đán. Cũng sau Tết, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước sẽ có quyết định tăng thêm các ngân hàng cổ phần được tham gia giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, đồng thời chuẩn bị thí điểm thành lập các ngân hàng tiết nhiệm nhà.
- Ông Phạm Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Phương Đông (ORS) cho rằng, hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện không còn nhiều hấp dẫn, khả năng một phần dòng tiền sẽ chuyển hướng từ tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.
- Ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, năm 2013, Sacombank đạt 2.838 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (kế hoạch là 2.800 tỷ đồng). Năm 2014, Ngân hàng đặt kế hoạch đạt 3.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
- Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2014, cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện bình ổn thị trường vàng bằng cách bán vàng miếng qua đấu thầu. Theo ông Huy, giá vàng trong nước hiện nay đã được bình ổn, hiện tượng đầu cơ vàng hầu như không còn, nhưng giá vàng trong nước vẫn khá cao so với giá vàng thế giới.
- Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2014 sẽ ở mức 3,2% (năm 2013 tăng 2,4%), năm 2015 tăng 3,4% và năm 2016 tăng 3,5%. Trong đó, tăng trưởng tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương năm 2014 là 7,2% và năm 2015 - 2016 là 7,1%. Riêng Việt Nam, WB dự báo, tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức 5,4 - 5,5% trong giai đoạn 2014 - 2016.
- BIDV, ngân hàng có tổng tài sản lớn thứ hai cả nước, đạt mức tăng trưởng tín dụng 16,7% trong năm 2013. Theo SSI Research, tăng trưởng tín dụng của BIDV năm 2014 tiếp tục ở mức cao, do Ngân hàng sẽ hỗ trợ nhiều dự án hạ tầng lớn. BIDV đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2014 là 6.175 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2013. Ngày 24/1 tới, BIDV sẽ niêm yết 2,8 tỷ cổ phiếu trên HOSE; với mức giá tham chiếu là 18.700 đồng/cổ phiếu, chỉ số P/E 2013 của BIDV là 12,4 lần, chỉ số P/B 2013 là 1,5 lần, trong khi mức trung bình ngành là P/E 12 lần và PB 2013 là 1,12 lần. Sau khi niêm yết cổ phiếu, Ngân hàng có 2 năm để giảm dần sở hữu Nhà nước từ 95,76% xuống dưới 70%.
- Hôm qua, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành. Kết quả, huy động được 3.000 tỷ đồng trái phiếu 2 năm với lãi suất 6,77%/năm; hơn 1.912 tỷ đồng trái phiếu 3 năm với lãi suất 7,19%/năm; 1.800 tỷ đồng trái phiếu 5 năm với lãi suất 8,19%/năm. Các mức lãi suất nêu trên lần lượt thấp hơn 0,08%/năm, 0,04%/năm và 0,06%/năm so với lãi suất phiên đấu thầu ngày 13/1.
- Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) kiến nghị, nên tăng giới hạn sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài (room) trong ngân hàng từ 30% lên 49% để góp phần giảm tình trạng sở hữu chéo, thay đổi cơ cấu cổ đông theo hướng cổ đông tổ chức, cổ đông chuyên nghiệp, tạo cơ hội cho hệ thống ngân hàng thương mại tăng vốn hoạt động, xử lý nhanh tình trạng nợ xấu…