Tổng công ty Tín Nghĩa đang trong thời kỳ chuyển mình, “lột xác” mang tính quy luật này sau chặng đường hoạt động dài một phần tư thế kỷ.
Dàn hàng ngang
Tín Nghĩa là một doanh nghiệp nhà nước lớn, trụ sở đặt tại tỉnh Đồng Nai. Tiền thân của Tín Nghĩa là Công ty Dịch vụ Sản xuất Kinh doanh Tổng hợp (Proseco), thành lập tháng 9/1989. Tháng 9/2014 vừa qua, Công ty tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày thành lập.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Quách Văn Đức, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tín Nghĩa chia sẻ: “Chúng ta đã làm đủ nghề, từ sản xuất đến mua bán, xuất nhập khẩu, rồi làm dịch vụ. Chúng ta đã từng lên rừng rồi lại xuống biển, chuyện gì làm được thì làm, miễn sao tạo ra được doanh thu và lợi nhuận. Cực khổ, gian nan, thậm chí hiểm nguy, nhưng hễ có việc làm, có thu nhập là mọi người lại vui vẻ, phấn khởi bắt tay vào việc. Mỗi khi nhắc lại quãng thời gian đó, anh em đều có chung một nhận xét: hồi đó cực mà vui”.
Kinh doanh đa ngành được Tín Nghĩa xác định ngay từ khi bắt đầu đi vào hoạt động. Cái tên doanh nghiệp cũng cho thấy định hướng này. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn, Công ty chọn một ngành. Những năm đầu, Công ty chọn xuất khẩu hàng mộc, sau đó là phân phối hàng nhập khẩu, rồi đến xuất khẩu nông sản, bán lẻ xăng dầu, đầu tư khu công nghiệp, phát triển các dịch vụ kho ngoại quan và logistics.
Trong quá trình phát triển 25 năm qua, Tín Nghĩa đã hình thành hệ thống các công ty con, công ty liên kết: Công ty đang quản lý 10 công ty con, tham gia góp vốn vào 7 công ty cổ phần ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Doanh số hàng năm đạt xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.
Những năm gần đây, thoái vốn ngoài ngành là xu thế chung và quay về giá trị cốt lõi được cổ suý mạnh mẽ. Nhưng nhiều năm trước, thúc đẩy việc hình thành một số tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước mạnh, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực là một trong những chủ trương và được Nhà nước khuyến khích. Vì thế, giống như nhiều doanh nghiệp nhà nước khác, Tín Nghĩa có mô hình phát triển theo kiểu “dàn hàng ngang” như trên.
Từ năm 2008, đặc biệt là giai đoạn 2011 - 2013, khủng hoảng kinh tế toàn cầu và bất ổn kinh tế trong nước đã khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn khi sức mua giảm, nguồn vốn khan hiếm, chi phí vốn vay cao...
Trong bối cảnh đó, ông Lê Hữu Tịnh, Phó tổng giám đốc Tín Nghĩa cho hay: “Tín Nghĩa cũng khó khăn như nhiều doanh nghiệp khác, nhưng phải chấp nhận thực tế để điều chỉnh lại chiến lược phát triển của mình”.
Quyết tâm thay đổi
Cổ phần hoá được Tín Nghĩa đặt làm nhiệm vụ then chốt trong giai đoạn 2014 - 2015, không phải thay đổi cái vỏ bề ngoài, mà phải là một cuộc “lột xác” toàn diện.
Tại buổi lễ nêu trên, ông Đức nhấn mạnh: “Năm nay, chúng ta kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Tổng công ty trong bối cảnh không chỉ có khó khăn, ảnh hưởng từ bên ngoài, mà tình hình bên trong cũng đang có nhiều thay đổi. Đó là những thay đổi có tính chất căn bản, có thể nói như là một sự chuyển mình, lột xác”.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tín Nghĩa cho biết, về định hướng chiến lược, Tổng công ty đang cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh theo hướng tập trung vào 4 lĩnh vực chính: hạ tầng khu công nghiệp; dịch vụ logistics; kinh doanh xăng dầu, khí đốt; xuất khẩu hàng nông sản.
Về tổ chức, Tín Nghĩa đang trong quá trình cơ cấu lại Tổng công ty, khởi đầu là sáp nhập các công ty con, thoái vốn một số dự án. Việc sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc và các lĩnh vực hoạt động kém hiệu quả trong thời gian qua, đặc biệt trong năm 2013 và 9 tháng đầu năm 2014 được Tổng công ty thực hiện kiên quyết, dứt khoát. Cụ thể, ngừng sản xuất gạch xây dựng từ cuối năm 2012. Cuối năm 2013, sắp xếp các công ty con cùng loại hình trách nhiệm hữu hạn một thành viên về Tổng công ty, ngưng mở rộng và chấm dứt hoạt động dịch vụ du lịch, nhà hàng, đồng thời thoái toàn bộ vốn tại Ngân hàng TMCP Đại Á. Tín Nghĩa muốn tập trung nguồn lực chuẩn bị cho phương án cổ phần hoá và kế hoạch kinh doanh sau cổ phần hoá.
Song song với việc giảm mạnh nợ vay, Tổng công ty đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tại Đồng Nai như An Phước, Nhơn Trạch 3, Ông Kèo và Khu công nghiệp Đất Đỏ tại Bà Rịa -Vũng Tàu; đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục còn vướng mắc để đầu tư xây dựng Tổng kho xăng dầu Phú Hữu…
Bên cạnh đó, Tín Nghĩa cơ cấu lại nhân sự quản trị và thực hiện chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Theo đó, một số vị trí trong Ban điều hành và lãnh đạo các phòng, ban được thay thế bằng những nhân sự trẻ, có năng lực, tâm huyết, tiếp tục gánh vác trọng trách của những người đi trước.
“Đây là những thay đổi mang tính chủ động và tích cực, phù hợp với quy luật của quá trình phát triển. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào tiền đồ tươi sáng của Tín Nghĩa, bắt nguồn từ sự chuyển động của ngày hôm nay”, ông Đức nói.
Công cuộc “lột xác” của Tín Nghĩa được đánh giá là khá toàn diện và liên quan đến nhiều vấn đề như lao động, bộ máy quản lý điều hành, nguồn tài chính, đòi hỏi không chỉ sự quyết tâm, mà còn cả thời gian, trí tuệ. Tuy nhiên, triển vọng chuyển biến căn cơ của Tín Nghĩa sẽ tạo được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tại đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong thời gian sắp tới.
9 tháng đầu năm 2014, kết quả kinh doanh của Tín Nghĩa tương đối khả quan, với doanh thu vượt kế hoạch 27% và tăng 16% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt hơn 192 triệu USD, vượt kế hoạch và tăng 85% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận đạt gần 80% kế hoạch năm. Trước đó, năm 2013, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn, nhưng Tín Nghĩa đạt doanh thu hơn 9.800 tỷ đồng, vượt kế hoạch 9%, được xếp thứ 73 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam do VNR bình chọn. Lợi nhuận trước thuế đạt 126 tỷ đồng, vượt kế hoạch được giao. Cũng trong năm 2013, Tín Nghĩa xuất khẩu 83.000 tấn cà phê nhân, kim ngạch đạt 125 triệu USD, đứng thứ 3 trong Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam. Nhiều năm liền, Bộ Công Thương công nhận Tín Nghĩa là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín. Tín Nghĩa góp phần không nhỏ trong việc ổn định tình hình kinh tế - xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, trong đó có gần 2.000 lao động tại đơn vị và hơn 60.000 lao động tại 8 khu công nghiệp do Tổng công ty quản lý. Thu hút đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp này. |