KBSV báo lãi  sau thuế 19,3 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, xấp xỉ mức thực hiện trong năm 2017

KBSV báo lãi sau thuế 19,3 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, xấp xỉ mức thực hiện trong năm 2017

Tín hiệu vui nơi công ty chứng khoán “đổi chủ”

(ĐTCK) Từ giữa năm 2017 đến nay xuất hiện xu hướng các công ty chứng khoán đổi chủ sở hữu, đi kèm với đó là thay đổi tên gọi. Hầu hết trong số này đã có sự chuyển biến về hiệu quả kinh doanh trong nửa đầu năm nay.

Funan, KBSV, Everest cải thiện tích cực lợi nhuận

Tiền thân là Công ty Chứng khoán Miền Nam (MNSC), thành lập từ năm 2008, Công ty đổi tên lần thứ nhất (vào năm 2011) thành CTCP Chứng khoán Phương Nam (PNS). Đến cuối tháng 2/2018, Công ty tiếp tục đổi tên thành CTCP Chứng khoán Funan (FNS) .

Cùng với đó, FNS cũng tiến hành “thay tướng”. Cụ thể, ngày 1/1/2018, Công ty miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với bà Nguyễn Thị Thúy Liên và bổ nhiệm ông Lữ Bỉnh Huy (lúc đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị) kiêm nhiệm chức vụ này. Tới ngày 20/3, FNS tiến hành miễn nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông Lữ Bỉnh Huy và bổ nhiệm ông Yau Hau Jan thay thế.

Trước đó, hồi cuối tháng 12/2017, ông Lữ Bỉnh Huy đã chuyển nhượng 49% vốn sang cho Sunvie Investment Pte Ltd – quỹ đầu tư đến từ Singapore. Sau chuyển nhượng, ông Huy vẫn đang nắm giữ 31,3% cổ phần của FNS.

Công ty thua lỗ liên tiếp trong hai năm 2015, 2016. Năm 2017, Công ty cũng ghi lỗ 2 quý cuối năm, tuy vậy nhờ 2 quý đầu năm “ăn nên làm ra” nên vẫn ghi lợi nhuận sau thuế 35,5 tỷ đồng, xóa hết lỗ lũy kế những năm trước.

Sau khi đổi tên, FNS có một quý II/2018 làm ăn thuận lợi. Doanh thu hoạt động đạt tới 71,9 tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ 2017, tương ứng hơn 74% mức thực hiện cả năm 2017;  trong đó đóng góp lớn nhất là từ hoạt động tự doanh. Lợi nhuận sau thuế quý II đạt 18,2 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ 2017.

Tuy vậy, xét theo lịch sử thì công ty chứng khoán này đều lỗ vào quý IV hàng năm, kể từ năm 2011 đến nay. Từ năm 2015 - 2017 thì hàng năm đều ghi lỗ trong 2 quý cuối năm. Mặc dù tạo được kết quả khả quan trong nửa đầu năm 2018, vẫn chưa thể khẳng định FNS có thể “đổi vận” sau khi đổi chủ thay tên hay không.

Trong năm 2017, Chứng khoán Maritime (MSI) chính thức về tay Tập đoàn KB Hàn Quốc và đổi tên thành CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV). Sau “thay tên đổi chủ”, MSI đã thực hiện các bước thay đổi nhân sự chủ chốt và bước đầu có sự cải thiện về hiệu quả kinh doanh.

Quý II vừa qua, KBSV báo cáo lợi nhuận giảm 25,6% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân là do tác động chung của thị trường chứng khoán. Trong quý I, lợi nhuận Công ty tăng tới 259%, đạt 10,3 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, KBSV đạt 19,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 16%, xấp xỉ kết quả đạt được trong năm 2017.

KBSV cho biết, trong tháng 8, Công ty sẽ tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua phương án phát hành tăng vốn điều lệ.

Cũng trong tháng 8, sàn giao dịch UPCoM đón thêm cổ phiếu EVS của CTCP Chứng khoán Everest. Đây là công ty được đổi tên từ Chứng khoán Đại Dương (OCS) – cái tên hẳn không lạ lẫm gì với giới đầu tư.

Đầu năm 2018, Tập đoàn Đại Dương – Ocean Group đã tiến hành thoái toàn bộ 22,5 triệu cổ phần, tương ứng 37,5% cổ phần OCS. Đã có 4 cá nhân mua lại toàn bộ số cổ phần này. Hiện Ngân hàng Đại Dương cùng 8 cá nhân khác là cổ đông lớn đang nắm giữ tới 79,03% vốn của công ty chứng khoán này.

Tới cuối tháng 3, OCS chính thức đổi tên thành Chứng khoán Everest. Quý II vừa qua, Công ty đã báo lỗ gần 18 tỷ đồng do thực hiện đánh giá lại danh mục tài sản tài chính theo giá thị trường tại ngày 30/6/2018. Tuy vậy, lũy kế 6 tháng, doanh thu hoạt động và lợi nhuận sau thuế của Công ty vẫn tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 2017, lần lượt tăng 143% và 654%.

Với việc tái cơ cấu, lợi ích cổ đông đã thay đổi cùng việc điều chỉnh bộ máy lãnh đạo, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào sự lột xác thật sự tại công ty chứng khoán này. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên trên UPCoM (ngày 1/8), cổ phiếu EVS đã tăng hết biên độ (40%) lên 16.800 đồng/cổ phiếu.

Yuanta Việt Nam: kỳ vọng sớm thoát lỗ

Ngày 13/2/2018, CTCP Chứng khoán Đệ Nhất được chấp thuận đổi tên thành CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Năm 2017, Công ty Chứng khoán Yuanta Hong Kong và Yuanta Securities Asia Financial Services Ltd. được cùng nhau mua đến 100% vốn cổ phần của Chứng khoán Đệ Nhất, mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.

Báo cáo tài chính quý II/2018 cho thấy, Yuanta Việt Nam vẫn tiếp tục báo lỗ sau khi đổi chủ. Trong kỳ, mặc dù doanh thu tăng trưởng, nhưng do các loại chi phí tăng mạnh khiến Yuanta lỗ ròng hơn 3,8 tỷ đồng. Quý đầu năm, Yuanta đã thua lỗ 2,5 tỷ đồng.

Yuanta Việt Nam cho biết, đây là kết quả của việc đẩy mạnh hoạt động môi giới, đồng thời thực hiện thay đổi cơ cấu tổ chức và mở rộng cơ sở hạ tầng.

Công ty cũng sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng trong năm nay, thông qua phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu, nhằm bổ sung nguồn vốn lưu động.       

Tin bài liên quan