Tín hiệu thuận cho hãng bay lữ hành đầu tiên trong nước

Dù đã được bật “đèn xanh” và lựa chọn quy mô đội bay khiêm tốn, tránh va chạm với các “ông lớn”, nhưng tính khả thi của Dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt Nam vẫn còn nhiều ẩn số.
Trong Báo cáo thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, Dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt Nam phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT vận tải hàng không đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Trong Báo cáo thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, Dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt Nam phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT vận tải hàng không đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Tín hiệu thuận

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt Nam tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên Huế) của Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).

Vietravel Airlines là một trong 3 nhà đầu tư trong nước (cùng với Thiên Minh và Công ty cổ phần Hàng không Vinpearl Air) đã nộp đề xuất dự án đầu tư tới các địa phương dự kiến đóng trụ sở chính trong quý III/2019.

Trong Báo cáo kết quả thẩm định số 9149/BC-KHĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt Nam có tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng (100% là vốn chủ sở hữu), thời hạn hoạt động 50 năm. Dự án có mục tiêu xây dựng hãng hàng không gắn với du lịch, cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế.

Vietravel Airlines sẽ khai thác 3 tàu bay phản lực thân hẹp một lối đi (A320/321/B737 hoặc tương đương) trong năm cất cánh đầu tiên và tăng lên 8 chiếc sau 5 năm khai thác. Hãng hàng không lữ hành đầu tiên tại Việt Nam sẽ phải thực hiện đầu tư từ tháng thứ nhất đến tháng thứ 9, kể từ khi được phê duyệt chủ trương đầu tư; khai thác và kinh doanh từ tháng thứ 10.

Tín hiệu thuận cho hãng bay lữ hành đầu tiên trong nước ảnh 1

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Dự án của Vietravel Airlines, đặc biệt là quá trình huy động vốn. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) được đề xuất tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các bộ, ngành liên quan trong Báo cáo thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo đúng quy định của pháp luật và khả năng đáp ứng nguồn vốn của nhà đầu tư.

“Vietravel Airlines chỉ được kinh doanh vận chuyển hàng không khi đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật Hàng không dân dụng, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không và các cam kết của nhà đầu tư”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Trước đó, tháng 10/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có tờ trình số 7360/TTr-UBND đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt Nam sau khi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này nhận được đầy đủ ý kiến góp ý về Dự án từ các bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính, GTVT, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công an và Quốc phòng.

Trong Báo cáo thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, Dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt Nam phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT vận tải hàng không đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Liên quan đến năng lực tài chính của nhà đầu tư, cơ quan chủ trì thẩm định cho biết, trong hồ sơ đề xuất dự án đầu tư của Vietravel Airlines chứng nhận Công ty CP Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel) đã chuyển đủ 700 tỷ đồng (100% vốn điều lệ) vào tài khoản của Vietravel Airlines tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng từ ngày 6/9/2019.

Đồng thời, Giấy xác nhận phong tỏa tiền gửi của Công ty TNHH MTV Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng cũng chứng nhận Vietravel Airlnes đang có khoản tiền gửi 700 tỷ đồng kèm theo ủy nhiệm chi chuyển tiền của Vietravel cho Vietravel Airlines.

“Đây là một trong những điều kiện cần thiết để thể hiện nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện các dự án vận tải hàng không”, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Còn đó những quan ngại

Trong phương án kinh doanh của mình, Vietravel đã lựa chọn một phân khúc khá hẹp để tránh đối đầu trực diện đối với 2 hãng hàng không đang nắm hơn 90% thị phần vận tải khách nội địa là Vietnam Airlines và Vietjet.

Theo đó, đối với các đường bay trong nước, Vietravel Airlines chủ trương chọn các cảng hàng không thứ cấp như Chu Lai, Vân Đồn, Hải Phòng, Cần Thơ nhằm tránh ùn tắc. Mạng đường bay chủ yếu từ Huế và TP.HCM, gắn với các đường bay du lịch của Công ty và các đường bay kết nối các cảng hàng không với nhau theo nhu cầu của khách du lịch.

Đối với các đường bay quốc tế, Vietravel Airlines dự kiến khai thác mạng đường bay quốc tế từ cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và các cảng hàng không thứ cấp khác đi/đến các nước trong khụ vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan… hoặc khu vực Đông Bắc Á, các điểm du lịch tại châu Úc, châu Âu, châu Mỹ.

“Mô hình khai thác dự kiến của Dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt Nam là cung cấp chuyến bay thuê chuyến, phục vụ du lịch. Mô hình này cần được khuyến khích, vì hiện tại, Việt Nam chưa có hãng hàng không cung cấp dịch vụ này. Mô hình hoạt động này được khoảng 30 hãng hàng không và công ty du lịch trên thế giới áp dụng. Hiện nay, các công ty như Pegas (Thổ Nhỹ Kỳ), Nord Wind (Nga) đã khai thác theo mô hình này đến Việt Nam”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT nhận xét.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, mô hình khai thác này của  Vietravel Airlines tiềm ẩn không ít rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp tới phương án tài chính.

Vietravel Airlines chỉ được kinh doanh vận chuyển hàng không khi đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật Hàng không dân dụng, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không và các cam kết của nhà đầu tư.   

Mặc dù Vietravel (công ty mẹ của Vietravel Airlines) là hãng du lịch lớn tại Việt Nam, có lượng khách du lịch trong và ngoài nước khá lớn, nhưng thực tế khai thác cho thấy, khách du lịch thường xuất phát từ các trung tâm vận tải hàng không như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh.

Trong trường hợp khai thác các chuyến bay thuê chuyến không hiệu quả, Công ty sẽ khai thác thường lệ và sẽ phải sử dụng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh để đậu tàu bay qua đêm và điều này góp phần gây khó khăn chung cho hệ thống hạ tầng hàng không. Bên cạnh đó, với mô hình khai thác thuê chuyến, Vietravel sẽ khó có được slot tại các cảng hàng không quốc tế nói trên, vì mới tham gia thị trường.

Được biết, trong Báo cáo thẩm định số 9149/BC-KHĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có chung mối quan ngại này với Bộ GTVT.

Theo Vietravel Airlines, việc đầu tư Dự án trong 5 năm đầu khai thác sẽ tạo ra giá trị gia tăng trong nước khoảng 3.650 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 595 người; đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 2.460 tỷ đồng.

Song Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án mới được tính toán ở mức sơ bộ, hiệu quả của Dự án còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố rủi ro khác do chính mô hình đặc thù của Vietravel Airlines. Thực tế cho thấy, một số hãng hàng không đang khai thác, nhưng vẫn còn thua lỗ, thậm chí có những hãng đã bị phá sản.

Trên bình diện quốc tế, ngay khi Vietravel Airlines nộp đề xuất đầu tư tới Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, hãng lữ hành lâu đời nhất thế giới Thomas Cook đã tuyên bố phá sản mà một trong những lý do quan trọng chính là gánh nặng từ mảng kinh doanh hàng không.

“Vận hành một công ty du lịch đã khó, vận hành một hãng hàng không thậm chí còn khó hơn”, ông Zane Kerby, Giám đốc điều hành Hiệp hội Tư vấn du lịch Mỹ (ASTA) đánh giá. Theo ông, đây là 2 ngành hoàn toàn độc lập, có những phức tạp riêng.

Bản thân Vietravel - công ty mẹ của Vietravel Airlines cũng không phải là doanh nghiệp quá mạnh về tài chính. Mặc dù mang về hàng ngàn tỷ đồng doanh thu mỗi năm, nhưng hiệu quả kinh doanh của Vietravel cũng không mấy nổi trội, nguồn lợi nhuận giữ lại không nhiều (lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế tính đến ngày 30/6/2019 đạt 32,9 tỷ đồng).

“Vietravel cần rút kinh nghiệm từ bài học thực tiễn của một số hãng hàng không đang khai thác để xây dựng phương án kinh doanh hợp lý, đảm bảo hiệu quả của Dự án”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị.

Tin bài liên quan