AGCIA ra đời với vai trò là tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh và tín dụng tại châu Á, là cầu nối để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, thông tin kinh doanh sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh và tín dụng của mỗi quốc gia, doanh nghiệp, giúp tăng cường mối quan hệ và hợp tác kinh doanh, hướng tới phát triển thị trường bảo hiểm bảo lãnh và tín dụng, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực, đồng thời thay đổi, cải thiện sự quan tâm của các thành viên trong quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh loại hình bảo hiểm này.
Công ty bảo hiểm bảo lãnh Hàn Quốc Seoul Guarantee (SGI) được bầu là Chủ tịch AGCIA.
Tương tự như hình thức bảo lãnh tín dụng của ngân hàng, bảo hiểm bảo lãnh là nghiệp vụ mà công ty bảo hiểm (bên bảo lãnh) dùng năng lực tài chính, uy tín của mình cam kết bằng văn bản với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) về việc bạn hàng của họ (bên được bảo lãnh) sẽ thực hiện đúng các nghĩa vụ theo hợp đồng.
Nếu không, công ty bảo hiểm sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng. Trong trường này, khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho công ty bảo hiểm số tiền đã trả thay.
Khi bảo hiểm bảo lãnh phát triển, khách hàng sẽ có thêm lựa chọn về sản phẩm bảo hiểm với chi phí hợp lý, mức ký quỹ và tài sản bảo đảm thấp…
Tại các nước phát triển, bảo hiểm bảo lãnh rất đa dạng, phí bảo hiểm chiếm từ 1,5-2% tổng phí bảo hiểm phi nhân thọ.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, sản phẩm này còn khá mới mẻ bởi tính phức tạp của nó. Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ phí bảo hiểm bảo lãnh trong tổng phí bảo hiểm phi nhân thọ mới đạt xấp xỉ 0,07%.
Trong giai đoạn 2017-2018, doanh thu phí bảo hiểm gốc của bảo hiểm bảo lãnh toàn thị trường cũng chỉ ở mức 0,07-0,1%/tổng doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm.
Thực tế, tại Việt Nam, các doanh nghiệp chỉ quen với hình thức bảo lãnh ngân hàng, chưa kể các quy định pháp lý cho nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh chưa thực sự hoàn thiện.
Hiện nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam mới ghi nhận một vài doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên thực hiện một số dịch vụ bảo hiểm bảo lãnh và chủ yếu là bảo lãnh cho nhà thầu nước ngoài, hoặc bảo lãnh cho các nhà thầu xây dựng công trình nội ngành.
Thống kê của IAV cho biết, hiện mới có 8/30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam đăng ký kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh, trong đó chỉ Bảo hiểm BIDV (BIC) và SGI phát sinh doanh thu phí nghiệp vụ bảo hiểm này.
Hiện tại, BIC đang cung cấp các loại hình bảo hiểm bảo lãnh cho quá trình thực hiện hợp đồng, từ khâu tham gia dự thầu đến khi kết thúc thời hạn bảo hành hoặc bảo trì của hợp đồng, bao gồm bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tiền tạm ứng, bảo lãnh bảo hành/bảo trì.
“Tiềm năng bảo hiểm bảo lãnh tại Việt Nam còn rất lớn. Với dự báo tăng trưởng kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định trong thời gian tới, nhu cầu bảo lãnh của các tổ chức sẽ gia tăng. Bảo hiểm bảo lãnh sẽ cung cấp thêm cho khách hàng một kênh đảm bảo an toàn tài chính và đóng góp một phần vào sự tăng trưởng doanh thu của ngành bảo hiểm nói riêng, nền kinh tế nói chung”, ông Huỳnh Quốc Việt, Phó tổng giám đốc BIC nhìn nhận.