Tổng dư nợ trái phiếu xanh toàn cầu tính đến tháng 9/2022 là 2.322 tỷ USD

Tổng dư nợ trái phiếu xanh toàn cầu tính đến tháng 9/2022 là 2.322 tỷ USD

Tín dụng xanh, trái phiếu xanh cần danh mục phân loại xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Việc ban hành danh mục phân loại xanh bao gồm các dự án hoặc hoạt động đầu tư kèm theo các tiêu chí về môi trường sẽ giúp nhận diện được mức độ đáp ứng yêu cầu, góp phần vận hành thị trường tài chính xanh minh bạch, công bằng và hiệu quả.

Quy mô thị trường tài chính xanh ngày càng lớn

Trên thế giới, thị trường tài chính xanh ngày càng phát triển mạnh mẽ, trong đó tín dụng xanh, trái phiếu xanh là hai kênh tài chính xanh lớn nhất, có vai trò quyết định cho đầu tư xanh, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Dự kiến, nguồn tài chính này sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ 21.

Theo Tổ chức Sáng kiến trái phiếu khí hậu (CBI), lượng trái phiếu xanh phát hành năm 2020 đạt 347 tỷ USD, năm 2021 đạt 635 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2022 đạt gần 324 tỷ USD. Tổng dư nợ trái phiếu xanh toàn cầu tính đến tháng 9/2022 là 2.322 tỷ USD. CBI dự báo, tổng lượng phát hành trái phiếu xanh toàn cầu năm 2023 đạt 1.000 tỷ USD và năm 2025 đạt 5.000 tỷ USD.

Nhằm hỗ trợ cho thị trường tiềm năng và ý nghĩa này, nhiều tổ chức của khu vực, quốc gia đã xây dựng và ban hành danh mục phân loại xanh, bao gồm các dự án hoặc hoạt động đầu tư kèm theo các tiêu chí về môi trường để giúp nhận diện được mức độ đáp ứng yêu cầu, góp phần vận hành thị trường tài chính xanh minh bạch, công bằng và hiệu quả.

Ở Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về tín dụng xanh, trái phiếu xanh và được cụ thể hoá tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết về lộ trình, cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, gọi tắt là danh mục phân loại xanh.

Tín dụng xanh, trái phiếu xanh là hai kênh tài chính xanh lớn nhất

Tín dụng xanh, trái phiếu xanh là hai kênh tài chính xanh lớn nhất

Danh mục phân loại xanh có vai trò quan trọng

Mỗi quốc gia có sự khác nhau về thể chế, chính sách, pháp luật, mục tiêu về môi trường, mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu…, dẫn đến cách tiếp cận, cấu trúc và yêu cầu cụ thể về danh mục phân loại xanh khác nhau.

Hiện có một số quan điểm và cách tiếp cận khác nhau về danh mục phân loại như danh mục phân loại bền vững, danh mục phân loại xanh, danh mục phân loại khí hậu…

Theo Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA), danh mục phân loại xanh là một hệ thống phân loại để xác định các hoạt động kinh tế và đầu tư giúp thúc đẩy một quốc gia đạt được các mục tiêu bảo vệ môi trường theo ưu tiên cụ thể của quốc gia đó, ví dụ như giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

CBI đưa ra danh mục phân loại trái phiếu khí hậu, được xem là một hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật dựa trên nền tảng khoa học khí hậu, bao gồm nghiên cứu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, Cơ quan Năng lượng Quốc tế và đóng góp của các nhóm công tác kỹ thuật và công nghiệp của CBI.

Dự báo, nguồn tài chính xanh sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ 21.

Ủy ban Châu Âu ban hành danh mục phân loại tài chính bền vững và hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban hành hoặc đang trong quá trình soạn thảo danh mục phân loại xanh cho các hoạt động kinh tế bền vững, với mục tiêu giảm phát thải, bảo vệ môi trường và thúc đẩy nền kinh tế carbon thấp.

Nhìn chung, danh mục phân loại xanh là danh mục phân loại các dự án có mục tiêu bảo vệ môi trường hoặc mang lại lợi ích về môi trường được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh gắn với các tiêu chí và yêu cầu về kỹ thuật cụ thể để đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Danh mục phân loại xanh là một trụ cột quan trọng của danh mục phân loại bền vững (xem Hình 1).

Việc các quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc khu vực ban hành danh mục phân loại nói chung và phân loại xanh nói riêng nhận được sự ủng hộ của các tổ chức tài chính quốc tế vì chính các lợi ích mà nó tạo ra.

Mỗi quốc gia có thể chế, chính sách, pháp luật, trình độ quản lý, mục tiêu, yêu cầu và quy định về môi trường, khí hậu khác nhau. Do đó, việc quy định chi tiết bằng cách ban hành danh mục phân loại xanh sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng, đóng góp trực tiếp vào mục tiêu, yêu cầu và quy định về môi trường, khí hậu của quốc gia đó.

Tất cả các danh mục phân loại xanh đều được xây dựng nhằm mục đích chung là giúp các tổ chức tài chính, nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan xây dựng chính sách và các bên liên quan xác định khoản đầu tư nào có thể được gắn nhãn “xanh”, từ đó đưa ra các quyết định về các khoản đầu tư thân thiện với môi trường, khuyến khích và mở rộng việc thực hiện các dự án và hoạt động kinh tế bền vững với môi trường, đóng góp vào các mục tiêu bảo vệ môi trường cụ thể.

Danh mục phân loại xanh được xem là một ngôn ngữ chung hay một công cụ kỹ thuật hữu ích cho các nhà đầu tư, tổ chức phát hành, nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý khi tham gia thị trường tài chính xanh, góp phần tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư tài chính, giảm thiểu rủi ro về pháp lý, giảm thiểu nguy cơ “tẩy xanh” (greenwashing) để lợi dụng lòng tin của khách hàng đối với những sản phẩm gắn mác xanh, thân thiện với môi trường. Một danh mục phân loại xanh được định nghĩa rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng sẽ góp phần giúp các nhà đầu tư và các tổ chức phát hành, tổ chức tín dụng tiết kiệm thời gian, chi phí.

Dựa trên các danh mục phân loại xanh, các tổ chức và quốc gia tiếp tục hình thành các tiêu chuẩn, nguyên tắc, hoặc hướng dẫn các khoản vay xanh (tín dụng, trái phiếu) như Tiêu chuẩn trái phiếu khí hậu của CBI, Nguyên tắc trái phiếu xanh của ICMA, Tiêu chuẩn trái phiếu xanh ASEAN của Diễn đàn Các thị trường vốn ASEAN, Nguyên tắc tín dụng xanh của Hiệp hội Thị trường tín dụng quốc tế…

Kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng danh mục phân loại xanh

Những danh mục phân loại xanh phổ biến trên thế giới hiện nay được tiếp cận chủ yếu dựa trên 3 nguyên tắc/tiêu chí chính.

Một là, nguyên tắc danh sách trắng. Cách tiếp cận này (Nga, Trung Quốc, Mông Cổ áp dụng) tập trung vào việc xác định các dự án đủ điều kiện hoặc các hoạt động kinh tế theo từng ngành hoặc tiểu lĩnh vực; liệt kê các công nghệ được coi là xanh hoặc bền vững và cung cấp mô tả chi tiết về tính đủ điều kiện.

Hai là, tiêu chí sàng lọc kỹ thuật. Cách tiếp cận này (Hàn Quốc, EU, Nam Phi áp dụng) cung cấp thông tin về các ngưỡng và tiêu chí sàng lọc cho các hoạt động kinh tế và sự tuân thủ của chúng với các mục tiêu cụ thể. Theo đó, các danh mục này xác định từng hoạt động kinh tế có ít nhất một đóng góp đáng kể vào mục tiêu môi trường, khí hậu và đồng thời đảm bảo không gây hại đáng kể đến các mục tiêu môi trường khác.

Ba là, tiếp cận dựa trên các nguyên tắc. Tương tự như nguyên tắc trái phiếu xanh của ICMA, cách tiếp cận này được áp dụng ở danh mục phân loại của Malaysia và Nhật Bản, bao gồm các nguyên tắc hướng dẫn cốt lõi để đánh giá các hoạt động kinh tế nào có thể được tài trợ.

Về cấu trúc, một danh mục phân loại xanh thường bao gồm các nhóm ngành chính, các tiểu ngành và các tiêu chí môi trường để xác định một dự án hay hoạt động kinh tế thuộc ngành và tiểu ngành đó là “xanh”, đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu bảo vệ môi trường quốc gia. Các ngành/nhóm ngành có thể bắt nguồn từ các phân loại ngành hiện có như hệ thống phân ngành kinh tế quốc tế của Liên hợp quốc (ISIC), hoặc hệ thống phân ngành của mỗi quốc gia, khu vực. Trong đó, áp dụng phân loại ngành hiện có của quốc gia là xu hướng được sử dụng phổ biến để cấu trúc danh mục phân loại xanh. Các danh mục phân loại thường được tiếp cận xây dựng thành khoảng 6 - 8 nhóm ngành lớn và rất nhiều các tiểu ngành (xem Bảng 2).

Về tiêu chí môi trường, bao gồm các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường cho từng ngành và/hoặc tiểu ngành, là một trong những nội dung cốt lõi của danh mục phân loại xanh, nhằm hỗ trợ việc lựa chọn các khoản đầu tư cụ thể trong các ngành và tiểu ngành đã xác định. Tiêu chí quan trọng để lựa chọn một dự án hay tài sản đầu tư cụ thể là cách nó góp phần đáp ứng mục tiêu quốc gia và/hoặc tiêu chuẩn và/hoặc ngưỡng được chấp nhận. Mức độ chi tiết của các tiêu chí môi trường phụ thuộc vào cách tiếp cận xây dựng và nền tảng cơ sở dữ liệu, nền tảng kỹ thuật của từng quốc gia. Tuy nhiên, các danh mục phân loại xanh được xây dựng gần đây hoặc được cập nhật gần đây có xu hướng tăng mức độ chi tiết của các tiêu chí môi trường, với các ngưỡng và chỉ tiêu môi trường cụ thể hơn, bên cạnh các yêu cầu không gây hại đáng kể.

Sau khi danh mục phân loại xanh được ban hành, câu hỏi đặt ra là cơ quan nào có chức năng xác nhận, xếp hạng hoặc đánh giá để xác định các dự án thuộc danh mục phân loại xanh? Hầu hết các tổ chức quốc tế, khu vực và quốc gia khuyến khích việc xác nhận trái phiếu xanh, chương trình tín dụng xanh thông qua tổ chức đánh giá độc lập. Theo thống kê chưa đầy đủ, châu Âu, Indonesia và Phillipines quy định việc xác nhận trái phiếu xanh là bắt buộc. Kết quả tổng hợp kinh nghiệm quốc tế và theo khuyến nghị về nguyên tắc trái phiếu xanh của ICMA và tiêu chuẩn trái phiếu xanh ASEAN cho thấy, có 4 phương thức xác nhận phổ biến sau.

Thứ nhất, lấy ý kiến của bên thứ hai. Đây là hình thức đánh giá bên ngoài phổ biến nhất trên thị trường trái phiếu xanh, thông qua việc đánh giá độc lập dựa trên nghiên cứu về chứng thực tính bền vững của trái phiếu xanh cũng như các dự án và tài sản cơ sở.

Thứ hai, thông qua xác minh, xác thực hoặc đảm bảo. Các tổ chức phát hành có thể thu thập ý kiến xác minh độc lập dựa trên một bộ tiêu chí về các quy trình kinh doanh và/hoặc tiêu chí môi trường đạt chuẩn. Ý kiến xác thực cung cấp đánh giá về mức độ tuân thủ với các tiêu chuẩn áp dụng từ bên ngoài hoặc với các tiêu chuẩn hay tuyên bố của tổ chức phát hành thiết lập. Ngoài ra, việc đánh giá các tính năng bền vững về môi trường của các tài sản cơ bản có thể được gọi là xác minh và có thể tham khảo các tiêu chí bên ngoài (ví dụ như kiểm toán độc lập thực hiện theo các thủ tục được mô tả trong ISAE 3000 - phân tích các thông tin phi tài chính trong quá khứ).

Thứ ba, chứng nhận. Trái phiếu xanh hoặc khung trái phiếu xanh liên quan hoặc việc sử dụng nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu có thể được chứng nhận đáp ứng theo một tiêu chuẩn hoặc nhãn xanh được công nhận. Tiêu chuẩn hoặc nhãn xanh thường do các tổ chức độc lập xây dựng và công bố với các tiêu chí cụ thể.

Thứ tư, xếp hạng trái phiếu xanh. Các tổ chức phát hành có thể được một cơ quan hoặc tổ chức xếp hạng hoặc công ty chuyên ngành chứng nhận đủ điều kiện thực hiện chấm điểm khung trái phiếu của tổ chức phát hành theo phương pháp tính điểm/xếp hạng được thiết lập bởi cơ quan xếp hạng hoặc công ty chuyên ngành chấm điểm đó. Việc chấm điểm/xếp hạng tập trung đánh giá rủi ro môi trường trọng yếu, khác với mô hình xếp hạng tín dụng thông thường.

Đề xuất danh mục phân loại xanh cho Việt Nam

Trước hết, các mục tiêu chính cần được gom lại thành các nhóm chính, đảm bảo phù hợp với các danh mục phân loại xanh quốc tế như: sử dụng hiệu quả tài nguyên; giảm phát thải carbon; thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý môi trường và thực hiện kinh tế tuần hoàn; cải tạo, nâng cấp công trình bảo vệ môi trường; xây dựng hạ tầng đa mục tiêu, thân thiện môi trường; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, kinh tế xanh; quản lý hiệu quả nguồn nước và xử lý nước thải.

Để thuận tiện cho việc quản lý, thống kê và áp dụng vào thực tiễn, các dự án thuộc danh mục phân loại xanh cần căn cứ vào hệ thống phân ngành kinh tế của Việt Nam, kế thừa danh mục đang được hướng dẫn bởi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tham khảo kinh nghiệm của các tổ chức khu vực như EU, ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, CBI.

Các dự án nên phân nhóm để phù hợp với các danh mục đang được áp dụng phổ biến trên thế giới như EU, ASEAN, Trung Quốc, đồng thời phù hợp với hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, mục tiêu đề ra trong các chiến lược, quy hoạch ngành, lĩnh vực cấp quốc gia. Một số nhóm có thể kể ra như năng lượng, giao thông - vận tải, xây dựng, tài nguyên nước, chế biến - chế tạo, dịch vụ môi trường, chuyển đổi xanh, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học. Trong đó, dự án chuyển đổi xanh là loại hình dự án đầu tư có phát thải khí nhà kính lớn nhưng có áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm giảm thiểu phát thải và bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Về tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư để được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh là các tiêu chí điều chỉnh thiết kế, hiệu suất, vật liệu, sản xuất, bảo trì và thay đổi hoặc sửa đổi các sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ để bảo đảm quy trình sản xuất, sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ đáp ứng các mục tiêu bảo vệ môi trường, bao gồm tiêu chí sàng lọc, chỉ tiêu môi trường và yêu cầu không gây hại đáng kể đến các mục tiêu môi trường khác. Trong đó, yêu cầu không gây hại đáng kể đến các mục tiêu môi trường khác bao gồm phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương, tuân thủ yêu cầu về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Việt Nam nên ban hành trước danh mục phân loại xanh bao gồm danh mục các dự án kèm theo tiêu chí môi trường để làm căn cứ vận hành, thử nghiệm; tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý trái phiếu xanh, tín dụng xanh, ưu đãi hỗ trợ cho các dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; thành lập cơ quan điều phối liên ngành về tín dụng, trái phiếu, đầu tư, tài nguyên và môi trường để kịp thời theo dõi, điều chỉnh các quy định pháp luật có liên quan.

Chúng tôi cho rằng, việc xây dựng hệ thống danh mục phân loại xanh theo chuẩn quốc tế đóng vai trò rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Việc áp dụng chuẩn quốc tế trong việc đánh giá và phân loại các dự án xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho đất nước, từ khía cạnh kinh tế, môi trường đến xã hội. Chẳng hạn, việc xây dựng mục phân loại xanh dựa trên chuẩn quốc tế giúp xác định rõ ràng những tiêu chí và yếu tố quan trọng trong việc đánh giá tính bền vững của các dự án. Điều này khuyến khích việc đầu tư và phát triển các dự án có tác động tích cực đến môi trường, đồng thời hạn chế sự phát triển của những dự án gây hại.

Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và tài trợ quốc tế là một yếu tố quan trọng. Các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế ngày càng quan tâm đến các dự án xanh và bền vững. Bằng việc áp dụng chuẩn quốc tế trong việc phân loại các dự án, Việt Nam sẽ tạo ra sự minh bạch và tin tưởng cho cộng đồng quốc tế, giúp thu hút đầu tư và tài trợ quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và công nghệ trong nước.

(*) Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

Tin bài liên quan