Theo một nghiên cứu của IFC, cường độ phát thải các-bon của Việt Nam thuộc mức cao trên thế giới, đứng ngay sau Trung Quốc và Mông Cổ ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Giảm phát thải khí nhà kính là một mục tiêu quốc gia nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời cũng mang lại cơ hội đầu tư khí hậu trị giá 753 tỷ USD cho Việt Nam trong giai đoạn 2016-2030.
Số liệu từ NHNN cho biết đến tháng 6 năm 2019, dư nợ tín dụng dành cho các dự án xanh đã tăng 317.600 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2018, trong đó dư nợ tín dụng trung - dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh. Lãi suất cho vay các lĩnh vực xanh ngắn hạn từ 5-8%/năm, trung - dài hạn từ 9-12%/năm.
Dư nợ tín dụng xanh tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh với 45% tổng dư nợ tín dụng xanh; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 17%; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn chiếm 11% tổng dư nợ tín dụng xanh và lâm nghiệp bền vững chiếm 5% tổng dư nợ.
Cũng theo IFC, tài trợ khí hậu hiện tại ở Việt Nam tính theo tỷ lệ phần trăm tổng danh mục cho vay của các ngân hàng chỉ khoảng 5%, tương đương với 10,3 tỷ USD, cho thấy thiếu hụt đáng kể về tài trợ khí hậu.
Cơ chế hiện nay chưa đủ khuyến khích các ngân hàng dồn vốn vào tín dụng xanh.
- Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, ngành ngân hàng đóng vai trò trọng yếu trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc đầu tư vào lĩnh vực xanh của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn.
Còn theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, các dự án xanh thường phát sinh chi phí đầu tư, giảm hiệu quả kinh tế, nhiều ngành nghề liên quan đến tăng trưởng xanh là các ngành nghề mới ở Việt Nam như điện mặt trời, điện gió, điện rác…, trong khi cơ chế hiện nay chưa đủ khuyến khích các ngân hàng dồn vốn vào tín dụng xanh.
Tương tự, Tổng giám đốc SHB, ông Nguyễn Văn Lê cho hay, hiện vẫn thiếu khung khổ pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường để hỗ trợ xây dựng chính sách, sản phẩm phát triển tín dụng xanh… Đó là chưa kể các phương án kinh doanh, dự án tham gia chính sách phải đáp ứng các điều kiện khắt khe về bảo vệ môi trường, các thủ tục vay vốn phức tạp. Bởi vậy, nếu không có hỗ trợ lãi suất, các khách hàng sẽ chưa có nhu cầu sử dụng sản phẩm tín dụng xanh của ngân hàng.
Về góc độ quản lý, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN thừa nhận: “Hệ thống ngân hàng đang gặp phải khó khăn khi triển khai tín dụng xanh như hướng dẫn về danh mục các ngành, lĩnh vực xanh chưa có các tiêu chí cụ thể để các ngân hàng có căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh”.
Theo một lãnh đạo cao cấp của BIDV, đặc thù cho vay của các ngân hàng đối với các dự án xanh còn nhiều khó khăn như cơ chế ưu đãi chưa rõ, chi phí đầu tư rất lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài trong khi nguồn vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là ngắn và trung hạn.
Đầu năm 2020, IFC đã cung cấp gói tài trợ trị giá 212,5 triệu USD cho VPBank nhằm giúp Ngân hàng mở rộng cho vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt tăng cường tài trợ các dự án thân thiện với môi trường.
“Khoản vay của chúng tôi nhằm hiện thực hóa mục tiêu chiến lược của IFC về tăng cường tài trợ cho các sáng kiến khí hậu thông minh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững về môi trường tại các thị trường mới nổi có nhiều tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính như Việt Nam,” bà Rosy Khanna, Giám đốc Khối các định chế tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFC cho biết.
Được biết, đây là khoản tài trợ xanh đầu tiên của IFC cho một ngân hàng tại Việt Nam, nơi phần lớn tiềm năng đầu tư khí hậu trị giá hàng triệu USD trong tương lai gần nằm ở khu vực hạ tầng và năng lượng tái tạo. Khoản vay này sẽ đáp ứng các điều kiện của Bộ Nguyên tắc Tín dụng xanh - một bộ hướng dẫn tự nguyện được chấp nhận rộng rãi, quy định cụ thể việc sử dụng, theo dõi và báo cáo về việc giải ngân khoản vay cho các dự án thân thiện với môi trường.