VietinBank - một trong những ngân hàng tích cực tài trợ các dự án sử dụng hiệu quả năng lượng tại Việt Nam
Hướng đi tất yếu
Hưởng ứng Chiến lược Tăng trưởng Xanh năm 2012 và Kế hoạch Hành động Quốc gia về Tăng trưởng Xanh năm 2014 của Chính phủ, đầu năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chỉ thị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong các hoạt động cấp tín dụng.
Chỉ thị này yêu cầu tất cả các ngân hàng thương mại phải chủ động quản lý tác động về môi trường và xã hội trong các dự án vay vốn của các khách hàng và phát triển các sản phẩm tín dụng xanh, cũng như khuyến khích tăng trưởng tín dụng đối với các hoạt động kinh doanh có lợi cho môi trường và xã hội.
Để triển khai chỉ thị trên một cách hiệu quả, các ngân hàng thương mại cần được thuyết phục rằng, cách tiếp cận này mang lại lợi ích tài chính cho họ. Trên thực tế, những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, sự khan hiếm nước, sự gia tăng chi phí và các rủi ro liên quan đến môi trường đang làm tăng rủi ro tín dụng đối với tổ chức cho vay. Khi cân nhắc những rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cho vay, các tổ chức tài chính có thể lựa chọn những dự án đầu tư tốt hơn và đem lại tỷ suất hoàn vốn cao hơn.
Muốn cách tiếp cận xanh này ăn sâu bắt rễ một cách toàn diện, cũng cần có sự hợp tác tốt hơn giữa cơ quan quản lý ngân hàng và cơ quan quản lý môi trường để các ngân hàng có thể tiếp cận danh sách cập nhật về các doanh nghiệp gây ô nhiễm của các cơ quan môi trường.
Trên thực tế, các quốc gia Đông Á đã đi tiên phong và đang có vị thế tốt để có thể thể hiện vai trò dẫn dắt trên quy mô toàn cầu trong lĩnh vực tài chính bền vững. Điều này sẽ mang lại lợi ích lớn cho khu vực. Nguồn vốn phong phú về tài nguyên thiên nhiên và xã hội của Đông Á có thể bị mất đi nhanh chóng, nếu không có các hành động đúng đắn ngay từ hôm nay. Nếu áp dụng chiến lược bền vững thì khu vực này có thể định nghĩa lại khái niệm về tăng trưởng thương mại và kinh tế cho nhiều thập kỷ tiếp theo.
Việc ngày càng có nhiều định chế ở các thị trường mới nổi áp dụng tập quán tài chính bền vững sẽ làm phong phú thêm vốn tri thức để xây dựng “kế hoạch cuộc chơi xanh” cho ngành tài chính toàn cầu. Mạng lưới Ngân hàng Bền vững - nền tảng chia sẻ kiến thức quốc tế của các cơ quan quản lý và hiệp hội ngân hàng do Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) chủ trì đang mở rộng hệ thống hội viên trên mọi châu lục. Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của mạng lưới này.
Tất cả các bên đều có lợi
Ngày càng có nhiều ví dụ trên phạm vi toàn cầu minh chứng lợi ích dành cho tất cả các bên khi ngân hàng phối hợp với khách hàng để cải thiện khía cạnh tác động môi trường và xã hội của hoạt động kinh doanh. Nói cách khác, tín dụng bền vững ngày càng được coi là hướng phát triển để đạt được mục tiêu song hành về môi trường và kinh doanh. Mặc dù xu hướng này còn mới mẻ, nhưng đó là cách thức để quản lý rủi ro, tăng cường khả năng đề kháng và phát triển thị trường.
IFC, tổ chức tập trung phát triển khu vực tư nhân thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã phát hiện mối quan hệ tích cực giữa việc áp dụng Bộ Tiêu chuẩn Hoạt động Môi trường và Xã hội của IFC với hoạt động kinh tế và tài chính của các doanh nghiệp. Các ngân hàng thương mại cũng đã có kết luận tương tự và có tới hơn 80 định chế tài chính trên toàn thế giới tự nguyện tuân thủ bộ tiêu chuẩn của IFC trong việc đánh giá tín dụng dự án và giao dịch tài chính của doanh nghiệp.
IFC đã phối hợp với các ngân hàng hàng đầu của Việt Nam như Techcombank và VietinBank xây dựng chương trình tín dụng tiết kiệm năng lượng dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong vòng 4 năm qua. Cho đến nay, hai ngân hàng trên đã cam kết cấp tổng tín dụng gần 63 triệu USD cho 9 dự án năng lượng bền vững, giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng khoảng 260.000 MGWh và hơn 130.000 tấn các-bon đi-ô-xít phát thải một năm, tương đương với việc giảm bớt khoảng 38.000 chiếc xe ô tô tham gia giao thông.
Ngày nay, nếu chỉ có năng lực tài chính thì không đủ để thành công trong kinh doanh. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp quốc tế và định chế tài chính đòi hỏi đối tác phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường và xã hội. Các ngân hàng hàng đầu của Việt Nam đang ngày càng coi đây là cơ hội để thâm nhập những thị trường mới, mở rộng kinh doanh và đóng góp phần mình để làm cho môi trường được bền vững hơn.