Tín dụng xanh, khi rừng cạn kiệt và ô nhiễm tăng lên

Tín dụng xanh, khi rừng cạn kiệt và ô nhiễm tăng lên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong 25 năm qua, Việt Nam đã trở thành câu chuyện thành công về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thành công đó một phần có được với cái giá phải trả là vốn tự nhiên. Trong thời gian tới, khi vốn tự nhiên của Việt Nam tiếp tục suy thoái và môi trường ngày càng hứng chịu và dễ bị tổn thương với những rủi ro thiên tai và khí hậu, tiềm năng tăng trưởng tương lai sẽ bị suy yếu.

Theo Ngân hàng Thế giới, mặc dù Việt Nam chỉ đóng góp một phần nhỏ vào phát thải khí nhà kính toàn cầu, nhưng lượng phát thải của Việt Nam đã tăng đến năm lần kể từ đầu thập kỷ 2000.

Những thách thức về thiên tai và khí hậu đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam. Điều này được thể hiện trong các chiến lược quốc gia và ngành và những thách thức đó được cũng xác định là một trong những trụ cột chính trong chiến lược phát triển đất nước trong mười năm tới.

Còn trên phương diện quốc tế, Chính phủ cũng tiên phong trong sự nghiệp môi trường. Năm 2015, Việt Nam cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc. Năm 2016, Việt Nam cùng hơn 170 nước ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Ngành ngân hàng với chức năng là kênh dẫn vốn của nền kinh tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua hoạt động cung ứng tín dụng cho nền kinh tế. Do đó, việc triển khai các giải pháp từ ngành ngân hàng sẽ góp phần định hướng dòng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của quốc gia.

Đối với cơ quan quản lý, đã Ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 theo Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015; Ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững theo Quyết định số 1731/QĐ-NHNN ngày 31/8/2018

Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung nội dung về tín dụng - ngân hàng xanh vào Chiến lược phát triển ngành ngân hàng; Ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam theo Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/08/2018 của Thống đốc NHNN; Hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp và góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.

HSBC Việt Nam và CTCP Năng lượng Mặt trời REE (REE SE) và Công ty TNHH Sản Xuất và Dịch Vụ REEPRO (REEPRO), thành viên với 100% vốn của CTCP Cơ Điện Lạnh (REE), ký kết các thỏa thuận tín dụng xanh
HSBC Việt Nam và CTCP Năng lượng Mặt trời REE (REE SE) và Công ty TNHH Sản Xuất và Dịch Vụ REEPRO (REEPRO), thành viên với 100% vốn của CTCP Cơ Điện Lạnh (REE), ký kết các thỏa thuận tín dụng xanh

Từ phía các thành viên trong hệ thống, cuối năm 2020, lần đầu tiên HSBC Việt Nam đã thu xếp khoản tín dụng xanh cho dự án năng lượng tái tạo của một doanh nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, HSBC Việt Nam và Công ty cổ phần Năng lượng Mặt trời REE (REE SE) và Công ty TNHH Sản Xuất và Dịch Vụ REEPRO (REEPRO), thành viên với 100% vốn của Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE), ký kết các thỏa thuận tín dụng xanh để cung cấp cho REE SE khoản vay dài hạn và REEPRO khoản tài trợ thương mại cho dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà. Khoản vay dài hạn này sẽ cung cấp khoảng 660 tỷ đồng Việt Nam cho REE SE để đầu tư vào dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà trị giá 1.000 tỷ đồng Việt Nam.

Gần đây nhất, ngày 15/1 vừa qua, Ngân hàng UOB Việt Nam thông báo đã cung cấp hai khoản tín dụng xanh đầu tiên trong Chương trình Tài chính bền vững Thành phố Thông Minh (Smart City Sustainable Finance Framework) cho hai doanh nghiệp tại Việt Nam, là Công ty cổ phần Kết cấu thép ATAD và Công ty cổ phần Đầu tư Phan Vũ (PVI).

Cả hai công ty này sẽ sử dụng khoản vay xanh để xây dựng và vận hành hệ thống quang điện mặt trời trên mái các nhà máy của mình, mỗi hệ thống có công suất cao nhất là 8.000 kW.

Ông Harry Loh, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam nói: “Việc chuyển đổi từ năng lượng không tái sinh sang năng lượng tái sinh đòi hỏi nỗ lực hợp tác từ tất cả các bên trong xã hội”.

Thực tế cho thấy, hoạt động tín dụng ngân hàng đã có những đóng góp đáng kể trong thực hiện tăng trưởng xanh. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, ước tính cuối năm 2020, theo thống kê sơ bộ dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh khoảng 290 nghìn tỷ đồng, trong đó tập trung vào các ngành chủ chốt của tăng trưởng xanh.

Cụ thể: nông nghiệp sạch (127 nghìn tỷ đồng); năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (84 nghìn tỷ đồng); quản lý nước bền vững tại đô thị và nông thôn (31 nghìn tỷ đồng). Đồng thời, các TCTD cũng đã thiết lập hệ thống theo dõi và đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho các dự án, phương án với dư nợ được đánh giá khoảng 1,2 triệu tỷ đồng của gần 500 nghìn khoản cấp tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội.

Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, cũng giống như hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp khác, Việt Nam phải dựa nhiều vào nguồn tài nguyên, tận dụng nguồn tài nguyên nông nghiệp, khoáng sản và tài nguyên biển phong phú. Chẳng có gì là sai khi Việt Nam sử dụng lợi thế tự nhiên của mình để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bao trùm trong giai đoạn đầu của sự phát triển.

“Xét cho cùng, Việt Nam được thiên nhiên ban tặng đất nông nghiệp, tài nguyên nước và trữ lượng khoáng sản dồi dào. Tuy nhiên, mô hình đó dần dần trở nên thiếu bền vững theo thời gian, rừng của Việt Nam đang bị cạn kiệt trong khi ô nhiễm không khí đang tăng lên.

Đồng thời, việc mở rộng nhanh chóng của tích lũy tài sản cố định các công trình đầu tư xây dựng diễn ra nhanh chóng, không được quy hoạch, không tính đến những rủi ro thiên tai và khí hậu, khiến cho ngày càng nhiều người dân và tài sản phải hứng chịu những hiện tượng thời tiết bất lợi”, Ngân hàng Thế giới cho biết.

Cũng theo Ngân hàng Thế giới, nếu gộp lại toàn bộ những tổn hại về môi trường, thiệt hại ước tính ở mức từ 4 đến 8% GDP mỗi năm, do tác động tiêu cực trực tiếp đến vốn tự nhiên và ngoại ứng gián tiếp đến năng suất lao động, cũng như chất lượng của cơ sở hạ tầng.

Hiện nay, Việt Nam đang đứng giữa ngã rẽ để phục hồi hậu COVID-19. Quốc gia cần lựa chọn giữa lộ trình như trước đó hay lộ trình phục hồi xanh để giúp xử lý những tác động của dịch bệnh trong tương lai, của rủi ro thiên tai và khí hậu và xây dựng một tương lai có khả năng chống chịu tốt hơn.

Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới khuyến nghị hai bài học: Một là khôi phục theo hướng xanh phải là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam; Hai là chỉ có triển khai thực hiện mới đem lại thành công, hay “lời nói đi đôi với việc làm”.

Một báo cáo mới của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phân tích 21 thị trường mới nổi lớn nhất trong đó có Việt Nam cho thấy việc tập trung vào các khoản đầu tư xanh quan trọng trong 10 lĩnh vực từ năm 2020 đến năm 2030 có thể tạo ra: 10,2 nghìn tỷ USD cơ hội đầu tư; 213 triệu việc làm tích lũy; giảm 4 tỷ tấn CO2 tương đương.

Tin bài liên quan