Tín dụng xanh: Chuyện xa, chuyện gần

Tín dụng xanh: Chuyện xa, chuyện gần

(ĐTCK) Hoạt động tín dụng xanh đem lại những lợi ích rất lớn cả về tăng trưởng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân cũng như bảo vệ môi trường và đang được nhiều nước trên thế giới phát triển. 

Những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã và đang nỗ lực nắn dòng vốn ngân hàng vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh thân thiện với môi trường. Luật sư, tiến sĩ Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM đã có những chia sẻ về câu chuyện tưởng xa xôi mà rất gần gũi này. 

Vì sao cần ưu tiên phát triển tín dụng xanh, thưa ông?

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đối khí hậu. Việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội và ngành ngân hàng không ngoại lệ. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 03/2015/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Theo đó, từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng phải chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững.

Tín dụng xanh: Chuyện xa, chuyện gần ảnh 1

 Luật sư, tiến sĩ Bùi Quang Tín

Hoạt động tín dụng xanh đem lại những lợi ích rất lớn cả về tăng trưởng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân cũng như bảo vệ môi trường và đang được nhiều nước trên thế giới phát triển. Trong đó, ngành ngân hàng có vai trò là trung gian tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì thế, các chính sách tín dụng xanh là giải pháp quan trọng hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh.

Nhưng hiệu quả phát triển loại hình tín dụng này còn xa với thực tế triển khai?

Theo Chỉ thị 03/2015 của Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý, trọng trách được giao cho các tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh nhằm khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội. Thêm vào đó, cần cải thiện chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng trưởng tín dụng xanh; quan tâm tài trợ các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh thực hiện tăng trưởng xanh.

Chỉ thị cũng yêu cầu phải ưu tiên cấp tín dụng xanh cho các ngành kinh tế thực hiện việc bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên… nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020.

Đến đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành Chỉ thị 01/2017 nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Thực tế cho thấy, những năm qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có những điều chỉnh để dòng tín dụng phù hợp hơn với mục tiêu tăng trưởng xanh, trong đó có các ngân hàng quốc doanh tham gia.

Trong xu hướng chung hiện nay, nếu chỉ có năng lực tài chính thì không đủ để thành công trong kinh doanh   

Tuy nhiên, hiệu quả của quá trình triển khai không được như kỳ vọng. Thực tế, tín dụng xanh mới tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt công tác tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước; Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước triển khai xây dựng và thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh theo định hướng, mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được phê duyệt; xây dựng và triển khai hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội…

Thế nhưng, các dư nợ đối với loại hình tín dụng này cũng chỉ tập trung ở Agribank, còn các ngân hàng thương mại cổ phần khác chưa mạnh dạn đẩy mạnh cho vay, do lo ngại rủi ro cao.

Nợ xấu chính là rào cản trong đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh, thưa ông?

Tín dụng xanh là một xu hướng tất yếu. Hiện ngân hàng xanh, tín dụng xanh được nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm. Các sản phẩm tín dụng xanh của các ngân hàng hướng vào các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch.

Các lĩnh vực ưu tiên này tùy thuộc vào chính sách tín dụng xanh ở từng quốc gia và khu vực. Còn ở Việt Nam, hoạt động tín dụng xanh mới chỉ được quan tâm trong những năm gần đây. Các giải pháp về tín dụng xanh còn ít và chưa được triển khai rộng rãi trong toàn ngành.

Bên cạnh đó, khung pháp lý hỗ trợ thực hiện tín dụng xanh, ngân hàng xanh còn thiếu và chưa đồng bộ nên việc triển khai rộng rãi chủ trương này cũng là một thách thức đối với Việt Nam. Đồng thời các ngân hàng của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các ngân hàng trong khu vực, mà trong đó rất nhiều ngân hàng đã đi theo các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội quốc tế từ trước.

Đại diện Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), tổ chức đã phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước nhiều năm qua trong việc thúc đẩy tín dụng xanh cho rằng, từ những kinh nghiệm của IFC ở các thị trường khác, các ngân hàng luôn gặp những thách thức trong việc thực hiện tín dụng xanh. Qua đó, có thể thấy, không chỉ rào cản nợ xấu, mà phát triển tín dụng xanh còn tùy vào chính sách.

Vậy theo ông, giải pháp để thúc đẩy tín dụng xanh phát triển thời gian tới là gì?

Hiện các nước trên thế giới đã đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh, song thực tế nguồn vốn để phát triển loại hình tín dụng này chủ yếu từ nguồn vốn của chính sách hỗ trợ cho các dự án nông nghiệp có hiệu quả cao. Như vậy, để có thể đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh, Việt Nam cũng cần sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, để phát triển tín dụng xanh một cách có hiệu quả, các ngân hàng sẽ phải đầu tư cho hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội, xây dựng chuyên môn, năng lực cho nhân viên… trong lĩnh vực tín dụng xanh. Việc này sẽ phát sinh chi phí không nhỏ cho các ngân hàng. Tuy nhiên, hiện một số ngân hàng cổ phần cơ bản đã hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội với sự hỗ trợ từ IFC.

Trong xu hướng chung hiện nay, nếu chỉ có năng lực tài chính thì không đủ để thành công trong kinh doanh. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp quốc tế và định chế tài chính đòi hỏi đối tác phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường và xã hội. Để đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đưa ra chính sách cụ thể hơn nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

Cùng với đó là sự chung tay của các tổ chức tín dụng trong việc tăng cường năng lực xem xét các dự án tăng trưởng xanh và nhất là cần tăng cường nhận thức cho doanh nghiệp về bảo vệ môi trường… Phải có sự vào cuộc và kết nối xuyên suốt từ giữa các cơ quan ban ngành, chức năng đến doanh nghiệp thì mới có thể đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam.

Chính sách lãi suất trong phát triển tín dụng xanh như thế nào, thưa ông?

Việc triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, như chính sách bảo đảm tiền vay, cơ chế xử lý rủi ro, nhằm thúc đẩy đầu tư cho vay nông nghiệp, nông thôn và phục vụ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Theo đó, tổ chức, cá nhân khi vay vốn để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp sẽ được hỗ trợ lãi suất. Các doanh nghiệp tham gia chương trình được hưởng một số cơ chế tín dụng đặc thù như lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất thị trường.

Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi có sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách… Các hoạt động nêu trên đều hướng tới tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành thế mạnh của Việt Nam. 

Tin bài liên quan