Dự báo, các doanh nghiệp bất động sản và cả cá nhân vay mua nhà sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Dự báo, các doanh nghiệp bất động sản và cả cá nhân vay mua nhà sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Tín dụng vào bất động sản sẽ siết chặt từ 2019

(ĐTCK) Mặc dù không chính thức tuyên bố “khép cửa” với bất động sản, song chủ trương của cơ quan quản lý là sẽ giảm dần tín dụng vào lĩnh vực này. Theo đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn dự kiến giảm từ 40% năm 2019 xuống 35% vào đầu năm 2020 và tiến tới tỷ lệ 30% trong thời gian sau đó, đồng thời nâng hệ số rủi ro từ 150% lên 200%, thậm chí là 250 - 300% nếu cần...

Kiểm soát vốn vào lĩnh vực rủi ro

Chia sẻ tại buổi họp triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng trên địa bàn TP. HCM vừa diễn ra, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hướng nguồn vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, song song với việc hạn chế tín dụng vào lĩnh vực phi sản xuất, lĩnh vực rủi ro. Trong đó, bất động sản là một trong những lĩnh vực mà các ngân hàng phải kiểm soát chặt chất lượng tín dụng năm nay.

Bởi theo ông Tú, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành đưa ra cho năm 2019 là 14% - tương đương với mức đạt được của năm 2018, nên hạn mức tín dụng được phân bổ xuống cho các tổ chức tín dụng năm nay nhiều khả năng sẽ thấp hơn năm trước.

Trong khi đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cũng được thắt chặt. Kể từ đầu tháng 1/2019, các ngân hàng đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40% theo quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN. Đồng thời, Nghị quyết 01/NQ-CP ban hành đầu năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho ngành ngân hàng phải giảm nợ xấu nội bảng về 2%, kiểm soát tín dụng ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Trên thực tế, không phải đến nay tín dụng lĩnh vực rủi ro mới được siết lại, mà trước đó, chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã được đưa ra, nhất là với bất động sản. Dù vậy, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay được dự báo thấp hơn năm rồi, khả năng vốn vào bất động sản sẽ được siết chặt hơn. Một phần do vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn giảm từ 45% xuống 40% theo Thông tư 19. Đồng thời, quy định của Thông tư 19 cũng tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. Điều này sẽ khiến "van" tín dụng bất động sản trở nên hẹp hơn. 

Hạn chế nợ xấu tăng cao

Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, thực tế, bài học nợ xấu tăng cao trong những năm trước đến nay ngành ngân hàng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm chủ yếu do một số ngân hàng đã mạnh tay cho vay bất động sản. Nhiều khoản nợ liên quan đến tài sản thế chấp là bất động sản hiên chưa thể giải để thu hồi nợ. Đây chính là lý do để các nhà băng cần kiểm soát chặt tín dụng lĩnh vực này.

Nội dung Nghị quyết 01/NQ-CP được Chính phủ ban hành đầu năm 2019 cũng cho thấy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoạt động tăng trưởng tín dụng cần đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Mục tiêu mà Chính phủ đã trình Quốc hội trước đây đến năm 2020 là giảm được tỷ lệ nợ xấu thực chất xuống dưới 3%.

Trong thời gian sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục siết chặt dòng vốn tín dụng vào thị trường bất động sản, các vấn đề về quản trị rủi ro sẽ hướng theo chuẩn mực của thế giới. Do đó, không chỉ doanh nghiệp bất động sản được dự báo sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, mà cá nhân vay mua nhà cũng khó rào cản nhất định khi ngân hàng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn.

Trên thực thế, dư nợ cho vay bất động sản của các ngân hàng đã tăng chậm lại trong thời gian qua. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhất quán và kiên định với chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội trong việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, thông qua ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản, kiểm soát chặt chẽ dư nợ và tập trung thanh tra cảnh báo các tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro...

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc thị trường bất động sản giao dịch sôi động thời gian qua nên lĩnh vực này tăng thu hút vốn là điều dễ hiểu. Hiên tại, tuy khả năng xảy ra "bong bóng" bất động sản là rất thấp, nhưng việc thận trọng với tín dụng bất động sản là không thừa.

Tin bài liên quan