Mặc dù tín dụng cuối năm 2013 tập trung vào các dự án lớn, nhưng năm 2014 vẫn dự báo thị phần phụ thuộc vào khách hàng nhỏ lẻ

Mặc dù tín dụng cuối năm 2013 tập trung vào các dự án lớn, nhưng năm 2014 vẫn dự báo thị phần phụ thuộc vào khách hàng nhỏ lẻ

Tín dụng vẫn trông chờ vào khách hàng nhỏ lẻ

(ĐTCK) Đánh giá tình hình tín dụng năm 2014, lãnh đạo nhiều nhà băng cho rằng, một khi sức khỏe doanh nghiệp chưa hồi phục trước khó khăn của nền kinh tế thì hoạt động cho vay chưa thể kỳ vọng tăng trưởng. Tuy nhiên, khối khách hàng cá nhân hứa hẹn nhiều chuyển biến tích cực khi nhu cầu vay mua nhà tăng, do lãi suất, giá bất động sản giảm.

Kế hoạch hoạt động năm 2014 đang được các ngân hàng hoàn thiện để trình cổ đông trong kỳ đại hội thường niên sau Tết Nguyên đán. Trong đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng dao động từ 12 - 15% đối với các nhà băng lớn và từ 9 - 12% đối với ngân hàng nhỏ.

Theo lãnh đạo các nhà băng, tình hình tăng trưởng tín dụng năm nay vẫn còn nhiều khó khăn khi nợ xấu vẫn là mối đe dọa lớn, tồn kho và sức mua chưa được cải thiện nhiều, kể cả trong mùa cao điểm cuối năm. Vì thế, dư nợ khối khách hàng doanh nghiệp được dự báo chưa có nhiều cải thiện so với năm 2013.

Lãnh đạo Eximbank cho biết, trong năm 2013, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng chỉ đạt hơn 10%, trong đó, dư nợ khối khách hàng cá nhân chiếm tỷ trọng tương đối, mặc dù Eximbank là ngân hàng có thế mạnh tài trợ vốn cho xuất, nhập khẩu.

Ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc MeKong Bank cho rằng, hiện lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm và không còn là gánh nặng đối với doanh nghiệp, nhưng điều đó không có nghĩa dư nợ tín dụng khối này sẽ kỳ vọng tăng mạnh. Ngược lại, với tình hình hiện nay, nhu cầu vốn doanh nghiệp khó tăng cao.

Tương tự tại Sacombank, với mức tăng trưởng tín dụng đạt được hơn 12% năm qua, trong đó dư nợ cho vay nhỏ, lẻ chiếm đến 50%. Chỉ tiêu tín dụng nhà băng này xây dựng cho năm 2014 ở mức 15%. Tuy nhiên, lãnh đạo Sacombank cho biết, chủ trương của Ngân hàng vẫn tập trung đẩy mạnh cho vay nhỏ, lẻ, thông qua các chương trình hỗ trợ vốn cho các tiểu thương ở chợ, đặc biệt là chính sách ưu đãi lãi suất với khách hàng cá nhân có nhu cầu nhà ở.

Đánh giá về nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân trong năm nay, lãnh đạo nhiều nhà băng cho rằng, sẽ có sự cải thiện. Đáng chú ý là với phân khúc khách hàng cá nhân có nhu cầu về nhà ở, bên cạnh gói vốn hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng, nhiều ngân hàng cũng nới rộng điều kiện cho cá nhân vay vốn mua nhà, đất. Mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà phổ biến hiện nay dao động từ 12 - 14%/năm.

“Mức lãi suất cho vay dao động từ 12 - 14%/năm được xem là phù hợp đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu về nhà ở”, ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank nói và cho rằng, để cá nhân có thể tiếp cận vốn ngân hàng mua nhà, lãi suất cũng như giá bất động sản có thể xem xét để điều chỉnh giảm thêm trong thời gian tới.

Tại OCB, lãi suất cho cá nhân vay mua nhà chỉ trên dưới 12%/năm. OceanBank cũng cho vay mua nhà với lãi suất tương tự, đồng thời ưu đãi trong 3 tháng đầu giải ngân, lãi suất cho vay chỉ từ 9 - 11%/năm. Một số nhà băng khác áp dụng mức lãi suất 0%/năm trong giai đoạn đầu để thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư nhiều dự án cũng kết hợp với ngân hàng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi về lãi suất cho khách hàng khi mua căn hộ ở thời gian đầu.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM, tính đến cuối năm 2013, chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trên địa bàn Thành phố tiếp tục được thực hiện và đẩy mạnh triển khai. Đến nay, đã có 358 khách hàng ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng, với tổng hạn mức hơn 738 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân được 271 hợp đồng, với tổng số tiền trên 94,5 tỷ đồng, dư nợ là 93,74 tỷ đồng, nhưng chủ yếu là khách hàng cá nhân và vay mua nhà ở thương mại, mới chỉ có một doanh nghiệp được cam kết giải ngân.

Ông Minh cho biết, để đẩy mạnh tiến độ giải ngân gói vốn 30.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân mua nhà ở trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Vì thế, theo ông Minh, tiến độ giải ngân gói vốn 30.000 tỷ đồng nói riêng và tín dụng bất động sản sẽ tốt hơn trong năm 2014.

Tin bài liên quan