Nam A Bank áp dụng lãi suất cho vay mua nhà từ 6,99 - 9%/năm nhằm đón đầu nhu cầu vốn của cá nhân

Nam A Bank áp dụng lãi suất cho vay mua nhà từ 6,99 - 9%/năm nhằm đón đầu nhu cầu vốn của cá nhân

Tín dụng vẫn tăng trưởng trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặt bằng lãi suất cho vay giảm dần là điều kiện tích cực để cầu tín dụng tăng trưởng, bất chấp nền kinh tế đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ tư.

Tín dụng tăng tốt trong tháng 5

Theo thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất được duy trì ổn định trong tháng vừa qua. Trong đó, tín dụng toàn ngành 5 tháng đầu năm tăng trưởng 4,67%, tăng trưởng tích cực so với mức chưa tới 2% của cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng toàn ngành tính tại thời điểm 16/4/2021 tăng 3,34% so với đầu năm. Như vậy, bất chấp dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 tới nay, tín dụng vẫn tăng trưởng.

Riêng tại địa bàn TP.HCM, dù tổng lượng vốn các ngân hàng huy động được đến cuối tháng 5/2021 chỉ tăng 0,74% so với cuối tháng trước, song dư nợ tín dụng đạt trên 2,65 triệu tỷ đồng, tăng 1,02% so với tháng trước và tăng 4,7% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 1.220.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 46% và tăng 0,9% so với tháng trước, tăng 3,47% so với cuối năm 2020; dư nợ trung, dài hạn ước đạt 1.432.700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 54% và tăng 1,12% so với tháng trước, tăng 5,77% so với đầu năm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, tín dụng trên địa bàn Thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực trong 4 tháng đầu năm nay, với mức tăng 3,64% và tiếp tục tăng hơn 1% trong tháng 5.

Tín dụng toàn ngành 5 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng 4,67%.

Thông tin từ nhiều ngân hàng cho biết, ngành ngân hàng đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, các chương trình hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch Covid-19 theo chủ trương của Chính phủ, Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Với mức tăng trưởng tín dụng tích cực trong 5 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã sử dụng hơn một nửa hạn mức tín dụng được giao trong năm nay.

Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu đến các tổ chức tín dụng. Nhóm ngân hàng có tỷ lệ sở hữu chi phối của Nhà nước gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp “room” tín dụng 6,5 - 7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Một số ngân hàng thương mại cổ phần như VIB, ACB, Sacombank được giao chỉ tiêu từ 8,5 - 9,5%. Hạn mức tín dụng của MB, VPBank, Techcombank cao hơn, dao động từ 10,5 - 12%.

Nhìn chung, mặt bằng “room” tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp cho các ngân hàng thấp hơn năm trước. Trong vài năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước thường có hai lần giao chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng trong một năm. Sau khi đưa ra hạn mức tăng trưởng cho từng ngân hàng vào đầu năm, cơ quan này sẽ có đợt “nới room” tín dụng vào nửa cuối năm với các ngân hàng sử dụng hết hạn mức ngay từ giữa năm hoặc quý III.

Năm 2020, Sacombank, VIB, TPBank… là các nhà băng đã sớm dùng hết “room” tín dụng được giao lần 1. Năm nay, tình trạng trên tiếp tục diễn ra. Từ tháng 4/2021, lãnh đạo một số nhà băng như ACB, Sacombank, HDBank, SeABank cho biết đã sử dụng một nửa hoặc quá nửa chỉ tiêu tín dụng được giao hồi đầu năm.

Kích cầu bằng lãi suất thấp

Nếu như trước đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng con số tăng trưởng tín dụng tại thời điểm 31/12 năm trước để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm sau thì trong năm nay sẽ lấy theo số tăng trưởng bình quân để sát với thực tế hơn.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định, mục tiêu ban đầu đề ra là tín dụng toàn ngành tăng khoảng 12%, nhưng vẫn có điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (BVSC) nhận định, tín dụng có dấu hiệu tăng nhanh hơn so với tăng trưởng huy động vốn trong những tháng đầu năm khiến thanh khoản hệ thống nhiều khả năng không còn dư thừa như năm 2020. Dù tín dụng phục hồi trong 5 tháng nhưng mức tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ không quá nóng khi Ngân hàng Nhà nước vẫn áp hạn mức tín dụng cho phần lớn các ngân hàng ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp.

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng ba kịch bản tăng trưởng tín dụng. Ở kịch bản thứ nhất, việc tiêm chủng vắc-xin được triển khai đại trà và dịch Covid-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12 - 13%, có thể đạt 14%. Kịch bản thứ hai, dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vắc-xin kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10 - 12%. Kịch bản thứ ba, dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 7 - 8%.

Giới phân tích cho rằng, trong ba kịch bản trên, cơ quan quản lý kỳ vọng tăng trưởng tín dụng kịch bản thứ nhất, nhưng kịch bản thứ hai có khả năng xảy ra. Kịch bản thứ ba gần như không mong muốn xảy ra nhưng cần phải đưa ra.

Trước diễn biến dịch Covid-19 đang còn phức tạp tác động lên nhiều lĩnh vực hiện nay, lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng thương mại cho rằng, khả năng hoạt động cho vay sẽ chậm lại trong tháng 6 này do ảnh hưởng của dịch bệnh có độ trễ.

Tuy vậy, các nhà băng vẫn kỳ vọng mục tiêu tín dụng tăng trưởng tham vọng năm nay. Chẳng hạn, tại OCB, Tổng giám đốc Nguyễn Đình Tùng cho biết, mọi năm, Ngân hàng đều đạt mức tăng trưởng tín dụng 20 - 25%, thậm chí trước đây trên 30%, do đó, OCB tự tin năm nay sẽ có mức tăng trưởng đúng theo kế hoạch và cao hơn trung bình toàn ngành.

BIDV thì dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2021 ở mức 10 - 12%. Còn VietinBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 8 - 11%, con số cụ thể phụ thuộc vào tình hình thực tế thị trường và chính sách điều hành tiền tệ của cơ quan quản lý.

VIB, SeABank cũng đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 lần lượt là 30% và hơn 20%.

Các nhà băng đang từng bước điều chỉnh lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng trước ảnh hưởng của đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ tư theo chỉ đạo mới của Ngân hàng Nhà nước cũng như kích cầu tín dụng với kỳ vọng hoàn thành các mục tiêu đưa ra cả năm 2021.

Cụ thể, HDBank cấp hạn mức đến 75% tổng nhu cầu và có thể cho vay tới 80% tổng nhu cầu vốn cho vay đầu tư sử dụng trên tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay cho doanh nghiệp đầu tư, xây dựng mới, mở rộng, mua lại nhà xưởng, nhà kho ưu đãi lãi suất.

Kienlongbank cũng triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về tài chính và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động trong sản xuất - kinh doanh và tài trợ xuất nhập khẩu, với lãi suất cho vay chỉ từ 7,0%/năm áp dụng từ nay đến hết năm 2021.

Nam A Bank thì áp dụng lãi suất trung bình cho vay mua nhà từ 6,99 - 9%/năm nhằm đón đầu cầu vốn của cá nhân, thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% trong năm nay.

Tin bài liên quan