70-90% lợi nhuận của các ngân hàng đến từ hoạt động tín dụng.

70-90% lợi nhuận của các ngân hàng đến từ hoạt động tín dụng.

Tín dụng vẫn đóng góp trọng yếu vào lợi nhuận ngân hàng

(ĐTCK) Dù đã nỗ lực đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ, song tỷ lệ đóng góp vào tổng lợi nhuận vẫn chỉ khoảng 30% ở nhà băng lớn và chưa tới 10% tại ngân hàng vừa và nhỏ cho thấy, lợi nhuận ngân hàng vẫn phụ thuộc vào tín dụng. 

Theo thống kê từ các ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính quý III/2019, nhiều nhà băng đang có dư nợ cho vay tăng trưởng ở mức cao trong 3 quý đầu năm và gần hết hạn mức (room) được giao từ đầu năm.

So với chỉ tiêu tăng trưởng chung của toàn ngành ở mức 14% trong năm 2019, hiện có 6 ngân hàng đạt trên mức này, trong đó 4 ngân hàng có dư nợ cho vay trong 9 tháng tăng từ 20-28%.

Dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 3 quý đầu năm nay là VIB. Theo báo cáo tài chính của VIB, cho vay khách hàng đến cuối tháng 9/2019 tăng 28%, đạt 123.223 tỷ đồng, tương đương 90% kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Một số ngân hàng khác cũng có dư nợ cho vay tăng trên 20% như OCB, TPBank... Vietcombank và Techcombank là 2 ngân hàng quy mô ghi nhận dư nợ tín dụng cao, lần lượt đạt hơn 11% và 12%.

Tính chung về cơ cấu thu nhập của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm nay, lãi thuần chiếm khoảng 2/3 tổng thu nhập. Ðơn cử, thu nhập lãi thuần của VIB 9 tháng qua đạt 4.536 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm.

Ðóng góp vào lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2019 của của ACB cũng chủ yếu đến từ lãi thuần khi chiếm 77% tổng nguồn thu, đạt 8.782 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý III/2019 của VPBank cũng cho thấy lợi nhuận tăng mạnh sau 3 quý đầu năm 2019 là nhờ thu nhập lãi thuần đạt 22.428 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Trong đó, FE Credit đóng góp hơn một nửa vào nguồn này.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, thu nhập lãi thuần của Techcombank đạt 10.105 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ, chiếm xấp xỉ 70% tổng thu nhập hoạt động.

Qua đó, giúp Techcombank duy trì mức lợi nhuận cao với 8.900 tỷ đồng trước thuế, cho dù các nguồn thu ngoài lãi đều giảm.

Nguồn thu chính của MB là thu nhập lãi thuần, 9 tháng đầu năm nay tăng 25,7% so với cùng kỳ, đạt 13.111 tỷ đồng.

Thực tế trên cho thấy, nguồn thu từ tín dụng vẫn đóng góp trọng yếu trong tổng lợi nhuận của ngân hàng. Ở các nhà băng quy mô vừa và nhỏ, tỷ lệ này còn cao hơn, đạt 80-90%.

Thế nhưng, với mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm nay là 14%, các ngân hàng không còn nhiều dư địa cho vay trong quý cuối năm - mùa cao điểm nhất trong năm.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính, với tốc độ tăng trưởng và trần tín dụng cho từng ngân hàng hiện tại, tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 có thể chỉ đạt 13,2%.

Theo báo cáo chiến lược tháng 11/2019 của VDSC, tính đến hết tháng 9/2019, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng ước đạt 9%, thấp hơn mức 10,3% của cùng kỳ năm trước. So với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2019, dư địa có thể tăng thêm 5%.

Ngoài Vietcombank và Techcombank, nhiều nhà băng quy mô khác tăng trưởng tín dụng vẫn thấp. Ðơn cử, tăng trưởng dư nợ của BIDV, VietinBank đạt lần lượt 8,6% và 3,2%, cách xa so với mục tiêu đầu năm là 12% và 7%, một phần do các nhà băng này chưa tăng được vốn điều lệ.

Theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kể từ đầu năm, những nhà băng có chất lượng tài sản tốt đều có thể được nới room tín dụng. Ðến hết tháng 6/2019, một số nhà băng sử dụng gần cạn room tín dụng và trình NHNN xin nới room. Tuy nhiên, tính đến nay, NHNN chỉ chấp thuận nới room cho Techcombank, ACB, VPBank và MB.

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng bị kiểm soát chặt chẽ, thu nhập dịch vụ được dự báo sẽ cải thiện, đóng góp nhiều hơn vào thu nhập hoạt động của các ngân hàng, nhất là khi ngành này đang trong xu hướng dịch chuyển sang ngân hàng bán lẻ.

Theo đánh giá của TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng, hiện thu nhập dịch vụ tăng lên chủ yếu nhờ tăng trưởng cao của phí giao dịch, bảo lãnh, bên cạnh các dịch vụ giá trị gia tăng khác như bảo hiểm, môi giới, bán chéo, thẻ tín dụng và ngân hàng số.

Nguồn thu này sẽ tăng mạnh hơn trong thời gian tới và thu nhập ngoài lãi sẽ trở thành một trong những yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng.

Theo VDSC, tỷ trọng đóng góp của thu nhập dịch vụ trong thu nhập hoạt động của các ngân hàng được dự báo tăng từ 8,6% (ước tính năm 2018) lên 10% trong năm 2019 và 13,8% trong năm 2022.      

Tin bài liên quan