CAR thấp, phải tăng vốn
Ngày cuối cùng của năm 2024, cổ đông của LPBank nhận được email thông báo về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đây là động thái chính thức sau đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra giữa tháng 11/2024 thông qua phương án tăng vốn điều lệ với hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 16,8% (phương án điều chỉnh). Theo đó, vốn điều lệ của LPBank sau khi tăng tối đa là 29.873 tỷ đồng.
Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận SHB tăng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng qua phát hành thêm gần 403 triệu cổ phiếu trả cổ tức, tương đương 4.029 tỷ đồng. Trước đó, cơ quan này cũng chấp thuận cho BAC A BANK tăng vốn điều lệ tối đa thêm gần 1.579 tỷ đồng theo Công văn số 10474/NHNN-TTGSNH ngày 24/12/2024, qua đó nâng vốn điều lệ lên 10.538 tỷ đồng. Tương tự, NHNN cũng chấp thuận cho NCB được phép phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.200 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 5.602 tỷ đồng lên 11.802 tỷ đồng.
Trong hoạt động ngân hàng, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) phải đảm bảo ở mức tối thiểu theo luật định. CAR được tính theo tỷ lệ giữa vốn điều lệ và tổng tài sản sinh lời, điều đó có nghĩa càng tăng trưởng huy động - cho vay thì vốn điều lệ càng phải tăng theo.
Một lãnh đạo cao cấp NHNN chia sẻ, dù sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện, song tỷ lệ CAR của hệ thống vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực. Chưa kể, trong bối cảnh lãi suất ngày càng giảm, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp yếu đi, huy động vốn của ngân hàng sẽ ngày càng khó khăn, do vậy tăng vốn điều lệ là một giải pháp.
Tier 1 CAR: Tính trên vốn chủ sở hữu - Tier 2 CAR: Tính trên trái phiếu - CAR: Số tổng |
“Hàng năm, các ngân hàng đều tăng trưởng tín dụng ở mức 2 con số thì vốn điều lệ cũng phải tăng ít nhất ở tỷ lệ tương ứng”, vị này nói.
Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng giám đốc Agribank thông tin, giai đoạn 2023-2024, Agribank được Chính phủ quan tâm cấp bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ, song chưa đáp ứng đủ nhu cầu tín dụng ngày càng cao, đặc biệt với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn khi áp dụng Basel II và tiến tới là Basel III (nếu dư nợ hàng năm tăng thêm 200.000 tỷ đồng, Agribank cần bổ sung thêm 15.000-17.000 tỷ đồng vốn tự có).
“Đề nghị các cấp có thẩm quyền có cơ chế riêng cho các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, trong đó xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm của Agribank, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm, bắt đầu từ năm 2025”, ông Vượng nói.
Kiến nghị của Tổng giám đốc Agribank được đưa ra trong bối cảnh sau một thời gian dài đề xuất, cuối tháng 11/2024, Quốc hội đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại Vietcombank. Trước đó, Chính phủ đề xuất tăng vốn điều lệ cho Vietcombank từ các nguồn lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 với số tiền 27.666 tỷ đồng (để đảm bảo tỷ lệ làm tròn là 49,5%).
Ghi chú: Nguồn số liệu NHNN dựa trên báo cáo thống kê tháng 8/2024 của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. - Không bao gồm tổ chức tài chính vi mô. - Khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối bao gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, CBBank, GPBank và OceanBank. - Vốn tự có, tỷ lệ CAR đã loại bỏ các tổ chức tín dụng có vốn tự có âm. |
Yêu cầu cấp thiết
Thông tin NHNN cho biết, sau Vietcombank, sẽ tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư bổ sung vốn cho VietinBank và BIDV. Được biết, VietinBank dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ lên khoảng 74.200 tỷ đồng, tương đương mức tăng 38% so với cuối năm 2023. VietinBank đang là ngân hàng có vốn nhà nước chi phối có hệ số CAR thấp trong ngành ở mức 9,5% nên nhu cầu tăng thêm vốn mới để đáp ứng yêu cầu là rất cấp thiết.
Tương tự, NHNN vừa có công văn chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ của BIDV tối đa 11.971 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ theo luật định năm 2022 đã được đại hội đồng cổ đông Ngân hàng thông qua.
Theo nghị quyết phê duyệt phương án tăng vốn, BIDV sẽ phát hành hơn 1.197 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ thực hiện quyền là 21% vào quý IV/2024 và quý I/2025. Theo đó, mức vốn điều lệ dự kiến sẽ tăng từ 57.004 tỷ đồng lên hơn 68.975 tỷ đồng, tức tăng thêm hơn 11.970 tỷ đồng. Cũng như VietinBank, hệ số CAR của BIDV ở mức 9,5%, nếu không đẩy mạnh tăng vốn sẽ phải giảm hoạt động cho vay.
Theo định hướng cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu tỷ lệ CAR của các ngân hàng thương mại giai đoạn 2021-2025 đạt 11-12% và đến năm 2030 tối thiểu là 12%. Vì vậy, để đạt hệ số CAR theo mức này, BIDV cho biết cần tiếp tục gia tăng vốn tự có. Đó là chưa kể, dự thảo Thông tư của NHNN (đang lấy ý kiến) đề xuất quy định tỷ lệ CAR tối thiểu ở mức 10,5% đến năm 2033, trong đó đảm bảo vốn cấp 1 tối thiểu 6%, vốn lõi cấp 1 là 4,5%, tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, vốn đệm bảo toàn vốn là 2,5%.
Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, hệ số CAR của các ngân hàng Việt Nam đã cải thiện trong những năm gần đây khi từng bước tiến tới những tiêu chuẩn của Basel III và xây dựng một bộ đệm vốn vững chắc cho việc tăng trưởng tín dụng trong tương lai. Tuy nhiên, bộ đệm vốn của ngành ngân hàng Việt Nam vẫn tương đối mỏng so với tiêu chuẩn quốc tế. Thêm vào đó, tỷ lệ CAR của các ngân hàng quốc doanh chỉ cao hơn mức tối thiểu một chút và thấp hơn so với các ngân hàng tư nhân.
“Tỷ lệ an toàn vốn CAR của các nước trong khu vực ASEAN tính đến thời điểm hiện tại đều cao hơn so với Việt Nam. Chẳng hạn, CAR bình quân của Indonesia là 20%, Singapore là 18%, Malaysia là 16%...”, theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MB (MBS).
Được biết, chuẩn mực Basel II đã được ban hành từ năm 2006, chuẩn mực Basel III ban hành từ năm 2010, có phiên bản cải cách năm 2017 và có một số điều chỉnh đến nay. Basel III là chuẩn mực quản trị rủi ro đã và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Đây là chuẩn mực mà hệ thống ngân hàng Việt Nam hướng đến, thông qua việc nâng cao chất lượng về vốn và năng lực thanh khoản, tạo nền tảng cho một hệ thống ngân hàng phát triển bền vững, có sức chống chịu và khả năng phục hồi sau biến cố và góp phần ngăn ngừa những tổn thất hệ thống có thể xảy ra.
Thực tế cho thấy, một số ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đã nghiên cứu, tham khảo thông lệ quốc tế về chuẩn mực Basel III để hướng tới việc áp dụng vào quản trị rủi ro, quản trị điều hành tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
“Do đó, việc nghiên cứu, ban hành Thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (dự thảo Thông tư) để vừa cập nhật các quy định mới tại chuẩn mực Basel III, vừa phù hợp với đặc thù hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các ngân hàng này triển khai thực hiện”, vị lãnh đạo NHNN chia sẻ.