Lãi vay thực tế phải trả sau thời hạn ưu đãi vẫn là rào cản đối với người vay

Lãi vay thực tế phải trả sau thời hạn ưu đãi vẫn là rào cản đối với người vay

Tín dụng ưu đãi, lãi suất chưa hề rẻ!

(ĐTCK) Trong mùa cao điểm cuối năm, nhu cầu vốn của DN luôn cao hơn các quý trước.

Đây là cơ hội để các ngân hàng đẩy mạnh kinh doanh vốn, với các gói tín dụng được chào mời cùng nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, lãi suất thực tế không thấp hơn, chính xác là các nhà băng chỉ đưa ra chính sách vốn rẻ để “câu” khách hàng vay vốn.

Thời gian gần đây, các ngân hàng đang rầm rộ tung ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho cá nhân và DN, đón đầu nhu cầu vốn cuối năm. Đặc biệt sôi động là ở phân khúc khách hàng cá nhân, với nhu cầu vốn mua nhà, tiêu dùng gia tăng.

Tại ABBank, khách hàng cá nhân có thể lựa chọn các hình thức vay vốn cùng phương án lãi suất linh hoạt từ 7,49%/năm hoặc lãi suất cố định 9,5%/năm trong suốt thời gian vay với gói ưu đãi 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lãi suất 7,49%/năm của ABBank chỉ cố định trong 3-6 tháng đầu giải ngân, tương ứng với các khoản vay có kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng và từ 12 tháng đến dưới 24 tháng. Đối với khoản vay có kỳ hạn từ 24 tháng trở lên, khách hàng mới được được ưu đãi vay lãi suất cố định 7,99%/ năm trong suốt 12 tháng giải ngân đầu tiên.

Cá nhân có nhu cầu vay vốn mua xe ô tô, mua bất động sản, xây dựng, sửa chữa nhà, cho vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm, cho vay sản xuất kinh doanh, cho vay tái tài trợ dành cho khách hàng cá nhân… tại Viet Capital Bank được giải ngân trong vòng 4 giờ và được hưởng mức lãi suất ưu đãi 6,5%/năm, nhưng chỉ cố định trong 6 tháng đầu và 7,5%/năm cố định trong 12 tháng đầu. VIB áp dụng mức lãi suất ưu đãi 6,99%/năm cho cá nhân vay mua ôtô, mua nhà, sửa nhà chỉ trong 6 tháng đầu.

Không chỉ có khách hàng cá nhân, đối tượng khách hàng chủ chốt được nhà băng nhắm đến trong mùa kinh doanh cuối năm chính là các DN, trong đó tập trung vào phân khúc nhỏ và vừa.

Chẳng hạn, đối với DN nhỏ và vừa có nhu cầu vốn khi Tết Bính Thân 2016 đang tới gần, từ nay đến ngày 22/2/2016, Vietcombank tài trợ vốn lưu động bằng VND tối đa 6 tháng, lãi suất thấp nhất là 5,5%/năm, chỉ áp dụng cho kỳ hạn vay 1-3 tháng. Đối với kỳ hạn từ trên 3-6 tháng, mức lãi suất cho vay được nhà băng này áp dụng là 5,9%/năm.

Để tham gia chương trình và hưởng các mức lãi suất ưu đãi này, bên cạnh việc thỏa mãn các điều kiện về quy mô là DN nhỏ và vừa, mục đích vay vốn là phục vụ sản xuất, chế biến, thương mại các mặt hàng Tết như: thực phẩm, lương thực, đồ uống, hàng tiêu dùng…, các DN cần có lịch sử tín dụng tốt và khả năng tài chính lành mạnh, đảm bảo thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ nợ cho Vietcombank. Trong khi, đây lại là một trong những rào cản lớn nhất đối với hầu hết các DN nhỏ và vừa hiện nay.

Vietinbank có chương trình “10.000 tỷ đồng ưu đãi lãi vay” có lãi suất thả nổi chỉ từ 6,5%/năm đối với vay sản xuất kinh doanh và từ 7,0%/năm đối với vay tiêu dùng. Ngoài ra, Nhà băng này còn có gói ưu đãi lãi suất cố định chỉ từ 7,5%/năm trong 12 tháng đầu đối với các khoản vay từ 3 năm; 8,42%/năm trong 24 tháng đầu với các khoản vay từ 5 năm; 9,3%/năm trong 36 tháng đầu đối với các khoản vay từ 10 năm.

Nhìn chung, các ngân hàng đang mạnh tay đẩy vốn ra thị trường, với chính sách lãi suất được cho là ưu đãi, song chỉ áp dụng trong thời gian ngắn nhất định. Còn lãi vay thực tế phải trả sau thời hạn ưu đãi vẫn là rào cản đối với người vay.

Chuyên gia tài chính, ngân hàng, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, mức lãi suất ưu đãi không phải là mức phổ biến được các ngân hàng áp dụng cho đại đa số khách hàng, mà luôn có sự chọn lọc kỹ lưỡng. Vì vậy, không phải khách hàng nào cũng có thể chạm tay vào nguồn vốn giá rẻ ngân hàng đưa ra. Các nhà băng chỉ cạnh tranh lãi suất xuống mức thấp nhất có thể cho những DN có sức khỏe thực sự tốt.

Thực tế hiện nay, lãi suất huy động các nhà băng đang áp dụng dao động ở 6-7%/năm. Thậm chí, ở những nhà băng quy mô nhỏ chi phí huy động đầu vào vẫn duy trì khoảng 7,3-7,5%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng và nhích dần trong thời gian gần đây. Vì vậy, theo TS Hiển, khó có thể cho vay ra với mức lãi suất phổ biến 6-7%.

Hiện tại, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại Việt Nam đang tăng nhẹ. Lý do là bởi, các ngân hàng e ngại rằng, có sự chuyển dịch dòng tiền từ tiết kiệm VND sang USD khi Fed tăng lãi suất cơ bản đồng USD Mỹ, tạo áp lực lên tỷ giá cuối năm, dù lãi suất USD trong nước giảm và chính vì thế, họ tăng lãi suất để cầm chân khách hàng.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, nếu những tháng tới thị trường ngoại hối tiếp tục biến động, đặc biệt tỷ giá trên thị trường tự do vượt xa trần quy định thì các ngân hàng sẽ tăng lãi suất để ngăn chặn hiện tượng “chảy máu”. Một khi lãi suất huy động trong xu hướng tăng thì lãi suất cho vay cũng khó giảm.

Tín dụng toàn ngành ngân hàng đã tăng trưởng tích cực trong thời gian qua, với mức tăng trưởng hơn 10% sau khi kết thúc 8 tháng đầu năm và kỳ vọng hoàn tất mục tiêu 15-17% là có thể. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, việc DN cần sử dụng vốn vay trong thời điểm hiện nay cùng mặt bằng lãi suất khó giảm sâu là vấn đề phải được toan tính kỹ.

Tin bài liên quan