Quý I/2024, GRDP của TP.HCM tăng 6,54%, là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây

Quý I/2024, GRDP của TP.HCM tăng 6,54%, là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây

Tín dụng trên địa bàn TP.HCM tăng trưởng cùng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với chính sách điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, cùng sự đồng hành, chia sẻ với khách hàng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, đã giúp khơi thông dòng tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP.HCM.

Tín dụng tăng trưởng cùng kinh tế

Quý I/2024, GRDP của TP.HCM tăng 6,54%, là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây, đặc biệt cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 chỉ tăng 0,7%). Kết quả này phản ánh sự tăng trưởng và phát triển tích cực của nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh trên địa bàn Thành phố và là yếu tố, môi trường kinh tế thuận lợi cho hoạt động tín dụng ngân hàng phát triển. Đồng thời, nhờ tín dụng ngân hàng được đẩy vào đúng địa chỉ đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy kinh tế hồi phục, tăng trưởng trong mối quan hệ ngân hàng - khách hàng và nền kinh tế.

Theo đó, tín dụng trong 4 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn trong xu hướng tăng trưởng tích cực. Nếu tháng 1/2024, tín dụng giảm 0,93%, tháng 2 mặc dù tăng trưởng chậm, song tín dụng đã tăng trở lại, tăng 0,01%, tháng 3 tăng 1,9% và trong tháng 4 tăng 0,35%. Tính đến cuối tháng 4/2024, tín dụng trên địa bàn TP.HCM tăng 1,31% so với cuối năm 2023 và tăng 9,33% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng gần bằng cùng kỳ các năm 2020 và năm 2023, nhưng thấp hơn các năm 2019, 2021 và năm 2022. Tuy nhiên, nếu đặt trong mối liên hệ giữa tăng trưởng tín dụng và tỷ trọng tín dụng so với GRDP của Thành phố và xu hướng tăng trưởng tín dụng chung của cả nước, tín dụng thực tế trên địa bàn TP.HCM tăng trưởng cao hơn mức dự báo và phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế của Thành phố trong quý I và 4 tháng.

Trong đó, tín dụng lĩnh vực sản xuất - kinh doanh duy trì tốc độ tăng trưởng gắn liền với tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế của Thành phố với dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, thương mại, dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu (trên 60%) và tăng trưởng tích cực. Diễn biến này phù hợp với xu hướng tăng trưởng của các ngành dịch vụ, du lịch và lĩnh vực xuất khẩu trên địa bàn Thành phố.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM

Ngoài yếu tố thuận lợi về môi trường và tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thành phố, yếu tố chính sách tiếp tục giữ vai trò quan trọng và là điều kiện thuận lợi để tăng trưởng tín dụng, tiếp cận theo phía cầu. Trong đó, lãi suất thấp sẽ kích thích nhu cầu vay vốn, kích thích doanh nghiệp và người dân mở rộng phát triển sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng.

Có thể nói, cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất, cùng với việc ngành ngân hàng tập trung vào các giải pháp, chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục là yếu tố quan trọng thúc đẩy mở rộng và tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua và tới đây.

Bên cạnh đó, những chuyển biến tích cực từ các thị trường, trong đó có thị trường bất động sản (khuôn khổ pháp lý dần hoàn thiện; giao dịch mua bán tăng và những khó khăn, vướng mắc được nhận diện và xử lý…) cũng tác động tích cực đến hoạt động tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, để tín dụng mở rộng và tăng trưởng hiệu quả, việc hấp thụ vốn và phát triển các thị trường (hàng hóa, tài chính, bất động sản), cũng như việc sử dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả của doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng, không chỉ thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn nâng cao hiệu quả quá trình tuần hoàn và chu chuyển vốn trong toàn bộ nền kinh tế.

Tích cực hỗ trợ khách hàng, nền kinh tế

Kết quả tăng trưởng tín dụng của cả nước nói chung và trên địa bàn TP.HCM trong 4 tháng đầu năm 2024 nói riêng cho thấy chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát huy tác dụng.

Bên cạnh đảm bảo hiệu quả hoạt động, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM nói riêng và ngành ngân hàng nói chung cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế như đẩy vốn vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, tích cực hưởng ứng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp…

Cụ thể, trong cơ cấu tín dụng 4 tháng đầu năm nay trên địa bàn TP.HCM, tín dụng trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chiếm khoảng 60%. Riêng về chương trình cho vay các doanh nghiệp trong khu công nghiệp - khu chế xuất trên địa bàn đến nay đạt 222.198 tỷ đồng, với 3.634 khách hàng vay vốn, tăng 3,8% so với cuối năm ngoái (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn); cho vay bình ổn thị trường đạt 3.631 tỷ đồng cho các doanh nghiệp bình ổn và doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng, góp phần quan trọng vào bình ổn thị trường, giữ ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu và góp phần nâng cao hiệu quả chính sách tiền tệ - tín dụng trên địa bàn.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 40.568 khách hàng, với tổng dư nợ được cơ cấu đạt 46.793 tỷ đồng; giải ngân gói tín dụng cho doanh nghiệp ngành lâm sản, thủy sản với doanh số đạt 2.521 tỷ đồng cho 1.639 khách hàng trên địa bàn; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn (gồm giải ngân gói tín dụng ưu đãi và ký kết trực tiếp tại hội nghị) đạt 184.135 tỷ đồng cho 43.171 khách hàng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn, giúp doanh nghiệp duy trì, ổn định và phát triển sản xuất - kinh doanh.

Kết quả tăng trưởng tín dụng của cả nước nói chung và trên địa bàn TP.HCM trong 4 tháng đầu năm 2024 nói riêng cho thấy chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát huy tác dụng. Chính lãi suất thấp, cùng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi đã và đang kích thích sản xuất phát triển, kích thích doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở rộng phát triển sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, sự phục hồi của thị trường bất động sản, với nhu cầu và giao dịch mua bán gia tăng trong những tháng gần đây cũng tác động đến tín dụng tiêu dùng trên địa bàn.

Qua đó cho thấy, tăng trưởng kinh tế, cùng cơ chế chính sách tốt không chỉ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh, mà còn là nguồn lực quan trọng kích thích tăng trưởng tín dụng.

Nếu xu hướng tăng trưởng kinh tế, cũng như tăng trưởng tín dụng hiện nay được duy trì tốt ở các tháng tiếp theo sẽ là cơ sở nền tảng để khởi đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới của nền kinh tế và tín dụng. Muốn vậy, thời gian tới tiếp tục cần có sự phối hợp hiệu quả của các sở, ban, ngành, quận, huyện trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chia sẻ và làm tốt hoạt động truyền thông chính sách, cũng như vai trò trách nhiệm sử dụng vốn vay của doanh nghiệp nhằm phát huy hiệu quả chính sách.

Với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, cần tiếp tục chủ động tổ chức thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, với nội hàm thực hiện tốt chính sách tín dụng, lãi suất của Ngân hàng Nhà nước; nâng cao chất lượng dịch vụ và tiếp tục cải cách hành chính, tiết giảm tối đa chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng và doanh nghiệp; tham gia tích cực các chương trình tín dụng ưu đãi và hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp để phát triển.

Tin bài liên quan