Tín dụng trên địa bàn TP.HCM tăng 8,4% trong 5 tháng đầu năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) 5 tháng đầu năm 2022, tín dụng trên địa bàn TP.HCM ước đạt 3.074.000 tỷ đồng, tăng khoảng 8,4% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, cùng kỳ này năm 2021 tín dụng tăng 4,76%; năm 2020 tăng 1,75% và năm 2019 tăng 6,47%.
Tín dụng trên địa bàn TP.HCM tăng 8,4% trong 5 tháng đầu năm 2022

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, số liệu thống kê cho thấy tín dụng trên địa bàn TP. HCM đang có mức tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây. Kết quả tăng trưởng này được gắn liền với 3 yếu tố thúc đẩy chính.

Thứ nhất, kinh tế đất nước nói chung và kinh tế thành phố nói riêng phục hồi nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Trong đó, các ngành, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế như: xuất khẩu, chế biến lương thực thực phẩm, công nghiệp chế tạo; du lịch dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong 5 tháng đầu năm.

Thứ hai, hiệu quả chính sách tiền tệ tín dụng, đặc biệt là chính sách tín dụng theo cơ chế Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 của NHNN về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn đã phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả trực tiếp cho khách hàng, doanh nghiệp giúp doanh nghiệp không chỉ vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 mà còn phục hồi và tăng trưởng.

Đây là kết quả có ý nghĩa quan trọng, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, nhờ việc giảm bớt áp lực trả nợ vay; giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận chính sách này đã trở lại hoạt động và tăng trưởng nhanh sau dịch bệnh.

Thứ ba, sự phục hồi và tăng trưởng của doanh nghiệp. Một số nhóm ngành, lĩnh vực phục hồi nhanh không chỉ tạo dòng tiền, đẩy nhanh tốc độ chu chuyển vốn mà còn giúp duy trì và phục hồi cũng như nâng cao hiệu quả dòng vốn tín dụng.

Kết quả tăng trưởng kinh tế; kết quả tăng trưởng của doanh nghiệp; của ngân hàng trong 5 tháng đầu năm cùng với yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô; ổn định thị trường tiền tệ là nền tảng để kinh tế phục hồi và tác động trở lại cho động lực tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong những tháng đầu năm với mức tăng trưởng cao và ấn tượng so với cùng kỳ này các năm trước.

Để tín dụng tiếp tục phát huy hiệu quả, thực hiện tốt giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng trong thời gian tới, ông Lệnh cho biết, các tổ chức tín dụng nói chung và trên địa bàn nói riêng cần quan tâm và thực hiện tốt một số giải pháp.

Đó là tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; kiểm soát tốt nợ xấu và tiếp tục tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng kinh tế, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất.

Trong đó, mới đây nhất là nhiệm vụ khẩn trương triển khai thực hiện hỗ trợ 2% lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc các nhóm ngành bị ảnh hưởng bởi đại dịch theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN. Đảm bảo phát huy hiệu quả gói tín dụng hỗ trợ này, đồng thời mở rộng và tăng trưởng tín dụng bền vững.

Tin bài liên quan