Kết thúc năm 2018, cho dù tỷ trọng đã giảm so với trước đây với khoảng 36%, song FE Credit vẫn là công ty con đóng góp nhiều nhất vào lợi nhuận chung của VPBank.
Theo tính toán của CTCK TP. HCM (HSC), nguồn lợi nhuận từ FE Credit chiếm gần phân nửa trong tổng số 9.200 tỷ đồng lãi trước thuế VPBank đạt được trong năm 2018. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) của công ty tài chính này đạt lần lượt là 2,5% và 22,9%, còn tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) ở mức 9%.
Đại diện FE Credit cho biết, năm 2018, Công ty đạt mức tăng trưởng khả quan với gần 30% số lượng tài khoản vay mới và tăng thêm 23% lượng khách hàng so với năm 2017.
Tại HD Saison, lợi nhuận trước thuế năm 2018 tăng 72,7% so với năm 2017, đạt 898 tỷ đồng, tương đương 22% tổng lợi nhuận hợp nhất của HDBank (hơn 4.000 tỷ đồng). HSC cho biết, năm 2018, HDBank ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng 18,3% - nằm trong hạn mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước, riêng tăng trưởng cho vay của HD Saison là 12,7%.
HSC dự phóng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 của HDBank sẽ tăng trưởng khoảng 27,3%, tương ứng 5.098 tỷ đồng, ROE tăng lên 23%; NIM tăng lên 4,47% (trong khi NIM của HD Saison vẫn giữ nguyên ở mức 27%). Dự báo này được đưa ra dựa trên giả định cho vay khách hàng của HD Saison và HDBank tăng trưởng lần lượt 20% và 18% (đạt 145.000 tỷ đồng).
Mức tăng trưởng cao vài chục phần trăm mỗi năm, trong khi dư địa phát triển còn nhiều đã tạo nên sức hấp dẫn của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, tỷ lệ thâm nhập thị trường hiện nay của các công ty tài chính tiêu dùng mới chiếm khoảng 25-30% tiềm năng của thị trường. So với các thị trường lân cận như Thái Lan, Indonesia hay thậm chí là Hàn Quốc, tỷ lệ thâm nhập tại Việt Nam cao gấp 2-3 lần cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.
Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam Dmitry Mosolov cho biết, Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ chi tiêu tiêu dùng trong GDP cao thứ hai trong khối ASEAN. Trong đó, độ tuổi lao động chiếm tới 70% dân số (hơn 90 triệu người). Tuy vậy, số lượng người dân có giao dịch tín dụng được ghi nhận thông qua các ngân hàng, công ty tài chính mới đạt khoảng 33,5 triệu người, nên tiềm năng để ngành tài chính tiêu dùng có thể khai thác là rất lớn.
"Theo dự báo, dân số Việt Nam sẽ đạt 100 triệu người vào năm 2025. Đây là nền tảng để kênh tài chính tiêu dùng bứt phá trong thời gian tới", ông Dmitry Mosolov nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Home Credit Việt Nam, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam hiện có 2 rào cản là thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư để phục vụ cho quá trình duyệt vay và hạn chế về kiến thức về tài chính tiêu dùng của người dân. Do đó, trong năm nay, Home Credit sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phổ cập kiến thức tài chính tại Việt Nam, tập trung vào nhóm khách hàng trẻ từ 22 -36 tuổi.
Theo ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit, thị trường Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ của ngành tài chính tiêu dùng kể từ năm 2015, với mức tăng trưởng trung bình 40-50% mỗi năm.
"Hiện tại, quy mô thị trường đã lớn hơn nhiều so với trước đây, sự cạnh tranh cũng khốc liệt hơn bởi sự gia nhập của nhiều công ty tài chính tiêu mới. Chúng tôi kỳ vọng FE Credit sẽ duy trì đà tăng trưởng ổn định ở mức 20% mỗi năm trong giai đoạn tới”, ông Kalidas Ghose nói.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá, sự bùng nổ của thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam chỉ mới bắt đầu nhờ quá trình đô thị hóa nhanh, thu nhập tăng cao, cũng như sự chuyển dịch sang lĩnh vực tài chính hộ gia đình. Mặt khác, việc tài chính tiêu dùng phát triển phần nào giúp đẩy lùi tình trạng tín dụng "đen", song lãi suất cho vay tiêu dùng cần được điều chỉnh ở mức phù hợp hơn, thay vì ở mức cao từ 50-60%/năm như hiện nay, để tránh tạo áp lực trả lãi cao cho khách hàng.