Tín dụng tiêu dùng đang trở thành mảnh đất đầy hấp dẫn

Tín dụng tiêu dùng đang trở thành mảnh đất đầy hấp dẫn

Tín dụng tiêu dùng: Sân chơi không chỉ của các tổ chức tín dụng

(ĐTCK) Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang trở thành mảnh đất đầy hấp dẫn, nhưng cũng chính vì thế mà nhiều bên “lăm le” muốn nhảy vào chia phần.

Việt Nam là một trong những quốc gia có thị trường tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng nhất trong khu vực với tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng trong giai đoạn 2011 - 2015 ước tính đạt trung bình xấp xỉ 30%/năm (nguồn: Stockplus). Với nhu cầu cho vay tiêu dùng ngày càng tăng cao, tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ tiếp tục duy trì.

Triển vọng tăng trưởng này đến từ thực tế còn nhiều người dân chưa được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính và nhu cầu mua sắm, tiêu dùng để cải thiện cuộc sống không ngừng tăng lên của người dân, do sự tăng trưởng cao qua các năm của nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người.

Trước tiềm năng đó, thị trường tín dụng tiêu dùng đã chứng kiến nhiều dịch chuyển tích cực, trong đó phải kể đến sự thành lập mới của một loạt công ty tài chính tiêu dùng nội địa, cũng như sự thâm nhập của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, miếng bánh tín dụng tiêu dùng không chỉ của riêng ngân hàng và công ty tài chính, mà còn phải chia sẻ cho những “người chơi” khác như tín dụng phi chính thức và cho vay cầm đồ. Do đó, đi cùng với tiềm năng và cơ hội cũng là những thách thức và khó khăn đối với các công ty tài chính tiêu dùng.

Ông Võ Quốc Khánh, Giám đốc Dịch vụ tư vấn tài chính ngân hàng, EY Việt Nam 

Tín dụng phi chính thức và miếng bánh 50 tỷ USD

Trên thế giới, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, tồn tại song song với hệ thống ngân hàng truyền thống là hệ thống ngân hàng ngầm, được gọi là “shadow banking”.

Hệ thống ngân hàng ngầm không bị quản lý như hệ thống ngân hàng chính thức và trong nhiều trường hợp, hoàn toàn không bị quản lý.

Tín dụng phi chính thức là một phần của “shadow banking”. Tại Việt Nam, tín dụng phi chính thức hiện được hiểu là tín dụng đen, tức là những khoản cho vay với lãi suất cắt cổ và bị pháp luật nghiêm cấm.

Theo ước tính, tín dụng đen tại Việt Nam hiện đang bằng khoảng 30% tổng tín dụng do hệ thống ngân hàng cung cấp, có thể lên tới 50 tỷ USD (Nguồn: TS Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương - tại hội thảo “Cải cách thị trường tài chính trong chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế”).

Cụ thể hơn, chỉ cần gõ cụm từ “vay tiền nhanh trong ngày” trên Google, có thể tìm thấy hơn 6.400.000 kết quả cho vay nhanh không cần thế chấp, không cần chứng minh thu nhập với thủ tục đơn giản chỉ trong 1 ngày với giá trị lên cho vay lên tới hàng trăm triệu đồng.

Các quảng cáo “alo là có tiền” nở rộ công khai và các thuê bao điện thoại liên tiếp nhận được các tin nhắn rác chào mời vay tín chấp của một loạt công ty cho vay tiêu dùng “không tên tuổi”, thực chất là tín dụng đen.

So với các hình thức “vay tiền nhanh trong ngày” này thì thủ tục cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng vẫn sẽ kém thuận tiện hơn nhiều, do các quy trình thẩm định cho vay của công ty tài chính tiêu dùng tuy được đơn giản hóa đáng kể so với thủ tục của ngân hàng, nhưng cũng không thể “tối giản” như tín dụng đen.

Sự đơn giản, thuận tiện khiến tín dụng đen vẫn có đất sống dù lãi suất cắt cổ 

Khách hàng đến với tín dụng đen thường có 2 nguyên nhân: khách hàng có mục đích vay chính đáng tuy nhiên không thể tiếp cận hoặc có tâm lý ngại tiếp cận do thủ tục rườm rà của tín dụng chính thức; và khách hàng có mục đích vay cho hoạt động bất hợp pháp.

Hoạt động vay tín dụng đen cho mục đích bất hợp pháp như: đánh bạc, hoạt động đảo nợ, buôn lậu, buôn bán ma túy… vẫn luôn tồn tại trong xã hội và nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Đây là những khách hàng hoàn toàn không đủ điều kiện để tiếp cận vay vốn của công ty tài chính tiêu dùng.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khách hàng có mục đích vay chính đáng rơi vào bẫy tín dụng đen với lý do phổ biến nhất là “khó vay vốn ngân hàng”.

Nhóm đối tượng này thường là những người làm nghề tự do, không có tài sản thế chấp, hoặc do sống ở nông thôn, ít giao tiếp nên ngại tiếp xúc với các tổ chức tín dụng; hoặc một bộ phận khác đang có nợ đến hạn tại các kênh tín dụng truyền thống nhưng chưa có nguồn trả nợ; họ tìm đến tín dụng đen để đảo nợ ngân hàng.

Công ty tài chính tiêu dùng sẽ phải san sẻ “mảnh đất màu mỡ” với không chỉ các hình thức tín dụng đen đã ăn sâu trong nhận thức người dân mà còn phải đối mặt với thách thức từ các mô hình tín dụng chính thức tiện - gọn mới ra đời

Trong cuộc chiến với tín dụng đen để giành lại miếng bánh 50 tỷ USD, bất lợi của các tổ chức tín dụng là thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian, điều kiện cho vay chặt chẽ và yêu cầu mức thu nhập của khách hàng thường ổn định và ở mức trung bình khá trở lên. Do đó, việc hiểu rõ khách hàng, đặc biệt là tình hình tài chính của khách hàng, từ đó đề xuất phương án trả nợ hợp lý là một trong những điều kiện tiên quyết để các công ty tài chính tiêu dùng có thể giữ được khách hàng hiện hữu. Đồng thời, để thu hút thêm nhiều khách hàng mới, các công ty tài chính tiêu dùng cần đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tăng cường sự hiện diện trên thị trường, đặc biệt là tại những vị trí địa lý xa trung tâm như nông thôn, miền núi.

Kinh doanh cầm đồ chuyên nghiệp và sự đe dọa đến các công ty tài chính tiêu dùng

Với hơn 30.000 cửa hàng trên toàn quốc, thị trường kinh doanh cầm đồ vẫn là một kênh cung ứng vốn tiêu dùng được nhiều người tìm đến. Mặc dù, đa số các cửa hàng kinh doanh cầm đồ truyền thống đều áp lãi suất cao nhưng do thủ tục đơn giản, nhanh chóng nên nhiều khách hàng vẫn chủ động tiếp cận.

Phần lớn nguyên nhân là do những khách hàng này không đủ tiêu chuẩn để vay vốn từ các ngân hàng hoặc công ty tài chính tiêu dùng. Trong trường hợp này, phân khúc khách hàng của các cửa hàng kinh doanh cầm đồ sẽ không chồng chéo với phân khúc khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng và ngân hàng.

Tuy nhiên, nếu hệ thống cửa hàng cầm đồ được quản lý bài bản, có nguồn tiền lành mạnh, lãi suất hấp dẫn, dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp thì hoàn toàn có thể cạnh tranh với công ty tài chính tiêu dùng hay ngân hàng, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa khi các tổ chức tín dụng chưa đặt chân đến.

Hơn nữa, xét theo khía cạnh đặc thù của tính chất hoạt động, rủi ro của hình thức kinh doanh cầm đồ thấp hơn các loại cho vay tín chấp, nguồn vốn bỏ ra cho một cửa hàng cầm đồ không cao và hình thức chấp nhận tài sản cầm cố đa dạng, phù hợp với điều kiện của người đi vay.

Đồng thời, cửa hàng kinh doanh cầm đồ lại không phải chịu sự điều chỉnh của Luật Các TCTD và các quy định có liên quan, theo đó, sẽ không phải tuân thủ theo chỉ tiêu về an toàn trong hoạt động cũng như các chỉ tiêu khác.

Những yếu tố này chính là điểm mạnh và cơ hội phát triển cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cầm đồ chuyên nghiệp. Ví dụ điển hình chính là trường hợp Công ty cổ phần F88.

Không giống như những cửa hàng kinh doanh cầm đồ truyền thống với doanh thu chủ yếu từ bán các tài sản thế chấp, những cửa hàng kinh doanh cầm đồ chuyên nghiệp như F88 chú trọng vào thu nhập từ lãi dựa trên mô hình kinh doanh hiện đại và linh hoạt.

Thương vụ đầu tư của Mekong Capital vào hệ thống cửa hàng kinh doanh cầm đồ chuyên nghiệp của F88 cho thấy, tiềm năng của các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ chuyên nghiệp là rất lớn, trong tương lai gần sẽ là đối thủ đáng gờm của các công ty tài chính tiêu dùng.

Sự lớn mạnh của F88 và các công ty tương tự sẽ có thể tạo nên một xu hướng phát triển trên thị trường kinh doanh cầm đồ, theo đó, công ty hoạt động trong lĩnh vực này sẽ thay đổi theo hướng tăng cường tính chuyên nghiệp trong cung cấp sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý giao dịch, do đó sẽ ngày càng thu hút khách hàng và nâng cao thị phần tín dụng tiêu dùng.

Miếng bánh sẽ bị san sẻ

Công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố để cất cánh, hỗ trợ nền kinh tế phát triển bền vững và thay đổi trong nhận thức vay tiêu dùng của người dân.

Sự đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và quy định pháp luật chặt chẽ sẽ là nền tảng giúp công ty tài chính tiêu dùng đạt được thành công trong giai đoạn tiếp theo, bắt nhịp với xu hướng các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, công ty tài chính tiêu dùng sẽ phải san sẻ “mảnh đất màu mỡ” này với không chỉ các hình thức tín dụng đen đã ăn sâu trong nhận thức người dân, mà còn phải đối mặt với thách thức từ các mô hình tín dụng chính thức tiện - gọn mới ra đời.

Liệu các công ty tài chính tiêu dùng đã chuẩn bị đủ tiềm lực cho cuộc đua sắp tới?

Tin bài liên quan