Tín dụng tiêu dùng góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng

Tín dụng tiêu dùng góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng

Tín dụng tiêu dùng… lấp chỗ trống

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường tài chính tiêu dùng phát triển dần lấp khoảng trống cho những khách hàng không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Dư địa còn lớn, nhưng một số rủi ro, thách thức đang xuất hiện.

Cho vay tín chấp trong vài giờ

Trước đây, khi cần vốn nhập hàng gấp, một số tiểu thương ở chợ An Đông, quận 5, TP.HCM phải tìm đến tín dụng “đen”, nhưng nay đã dễ dàng vay từ các công ty tài chính.

Chị Kim Hồng, một tiểu thương cho biết, nhân viên ngân hàng từng đến chợ phát tờ rơi, chào mời các tiểu thương vay vốn bổ sung vốn lưu động, song ngân hàng xét duyệt hồ sơ rất gắt gao, không dễ được duyệt. Sau đó, các công ty tài chính dần tiếp cận khách hàng vay vốn tín chấp, với thời gian xét duyệt hồ sơ chỉ vài tiếng.

Trong bối cảnh nhu cầu vay tiêu dùng tăng nhanh, sự xuất hiện của các công ty tài chính cho vay tiêu dùng mở ra nguồn cung vốn, đáp ứng nhu cầu của nhiều cá nhân.

Khi người dân không có khả năng tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng do rào cản chứng minh thu nhập cùng hàng loạt yêu cầu về giấy tờ, thủ tục, quy trình phức tạp, ngày càng có nhiều người lựa chọn vay tại công ty tài chính. Người đi vay có thể tận dụng các khoản vay tiêu dùng để thu mua nguyên liệu, mở quán ăn, cửa hàng tạp hóa, kinh doanh trực tuyến, mua xe máy để chở khách hoặc làm dịch vụ giao nhận…

Ông Phương (quận Bình Chánh, TP.HCM) cho hay, ông đã vay 20 triệu đồng của một công ty tài chính để chạy xe ôm công nghệ, từ bỏ nghề bốc vác thuê - một công việc vất vả. Tương tự, chị Thùy Ngân, nhân viên tại căng-tin của một trường tiểu học tâm sự: “Tôi vay tiền trả học phí và mua máy tính cho đứa con lớn vào đại học, nhưng bị ngân hàng từ chối vì thu nhập hàng tháng không cao. May mà vay được từ công ty tài chính…”.

Tài chính tiêu dùng phát triển nhanh

Trong vòng 5 năm trở lại đây, tài chính tiêu dùng phát triển mạnh, ước tính chiếm 11 - 12% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, tài chính tiêu dùng phát triển mạnh, ước tính chiếm 11 - 12% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Lĩnh vực tài chính tiêu dùng chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động tín dụng của nền kinh tế, nhưng có ý nghĩa trong việc bảo đảm an sinh xã hội, giúp người dân vượt qua khó khăn tài chính tạm thời, thúc đẩy tiêu dùng xã hội, thông qua đó thúc đẩy sản xuất và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Năm ngoái, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, khiến nhu cầu vay tiêu dùng giảm sút, nhưng thị trường tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng và các công ty tài chính vẫn “ăn nên làm ra”. Trong đó, HD Saison có đóng góp một phần lợi nhuận không nhỏ vào tổng lợi nhuận trước thuế 5.818 tỷ đồng của ngân hàng mẹ là HDBank.

Tại FE Credit, tính đến hết tháng 12/2020, tổng dư nợ đạt 66.045 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2019; hệ số an toàn vốn (CAR) tăng từ 15,19% lên 19,14%; tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm còn 27,6%.

Dự báo về thị trường cho vay tiêu dùng năm 2021, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, tiêu dùng và cho vay tiêu dùng sẽ có khả năng tăng trưởng cao hơn nhiều năm 2020.

Một số rủi ro, thách thức

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh đánh giá, vay tiêu dùng qua các công ty tài chính sẽ đẩy lùi tín dụng đen có lãi suất rất cao - tác nhân chính đẩy người vay lún sâu vào nợ nần, dẫn đến những hệ lụy nan giải cho xã hội. Người tiêu dùng giờ đây có thể chủ động lựa chọn các sản phẩm vay linh hoạt, thủ tục đơn giản, thời gian giải ngân nhanh chóng từ các công ty tài chính.

Tài chính tiêu dùng có ý nghĩa trong việc bảo đảm an sinh xã hội, giúp người dân vượt qua khó khăn tài chính tạm thời, thúc đẩy tiêu dùng xã hội, thông qua đó thúc đẩy sản xuất…

Nhưng xu hướng phát triển về công nghệ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng trên thế giới đã kéo theo các phương thức lừa đảo cho vay tiêu dùng trên nền tảng Internet. Thực tế cho thấy, không ít người thu nhập thấp tìm đến các thông tin cho vay tiêu dùng được quảng cáo trên các mạng xã hội, ứng dụng cho vay tiêu dùng chưa được xác thực, từ đó rơi vào bẫy lừa đảo chiếm đoạt tiền, hoặc bất ngờ trở thành con nợ dù không vay. Điều này không chỉ gây ra hệ lụy cho người bị hại, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh và thương hiệu của công ty tài chính bị kẻ xấu lợi dụng, đồng thời kìm hãm sự phát triển minh bạch của thị trường cho vay tiêu dùng.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng. Ngoài ra, nhu cầu vay vốn của người dân hiện nay vẫn rất lớn, tín dụng đen có dấu hiệu tăng, phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần hạn chế và đẩy lùi vấn nạn này. Tuy nhiên, trước tác động của dịch bệnh, nợ xấu trong phân khúc tài chính tiêu dùng cá nhân có nguy cơ tăng, do các công ty tài chính tiêu dùng cung cấp khoản vay tín chấp và thẻ tín dụng cho phân khúc khách hàng đại chúng - vốn có thu nhập thấp và dễ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế.

Trong một báo cáo công bố mới đây, hãng đánh giá xếp hạng tín nhiệm Moody's lo ngại về cú sốc kinh tế do Covid-19 có thể tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản, lợi nhuận và thanh khoản của các công ty tài chính tiêu dùng do hồ sơ của người vay đa phần rất rủi ro.

Theo Moody's, công ty tài chính FE Credit, Home Credit, SHB Finance... đều có nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng tín chấp, nhắm vào phân khúc khách hàng thu nhập thấp, đối tượng dễ bị tổn thương trước những cú sốc kinh tế. Hơn nữa, thất nghiệp có nguy cơ gia tăng sẽ làm suy yếu khả năng trả nợ của nhóm khách hàng này, do nguồn thu nhập bị hạn chế, thiếu ổn định.

Ngày 25/3/2021, Tại trụ sở Báo Đầu tư sẽ diễn ra buổi Tọa đàm thường niên năm thứ 5 với chủ đề: “Tài chính tiêu dùng - Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển”. Nội dung buổi tọa đàm tập trung đánh giá vai trò của tài chính tiêu dùng trong hỗ trợ tài chính cho người dân, thúc đẩy tiêu dùng xã hội, đẩy lùi tín dụng đen… trong giai đoạn bình thường mới hơn 1 năm qua, cũng như vai trò của tài chính tiêu dùng trong phát triển hệ thống tài chính toàn diện.

Tọa đàm có sự tham dự của các chuyên gia tài chính: bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước; TS. Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM); TS. Cấn Văn Lực - thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ; PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính; LS. Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI và lãnh đạo các công ty tài chính tiêu dùng.

Tin bài liên quan