Tín dụng tiêu dùng: Lãi suất cao là “con dao hai lưỡi”

Tín dụng tiêu dùng: Lãi suất cao là “con dao hai lưỡi”

(ĐTCK) Lãi suất cho vay tiêu dùng cao được các nhà cung ứng vốn cho rằng để bù đắp lại rủi ro trong hoạt động này. Thế nhưng, theo các chuyên gia tài chính - tín dụng, nếu không thận trọng, việc áp mức lãi suất cao chính là con “dao hai lưỡi” dẫn đến rủi ro nợ xấu. 

Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh

Dư nợ tín dụng tiêu dùng của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh thời gian qua và dự báo sẽ còn “bùng nổ” trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. HCM cho biết, đến cuối năm 2017, dư nợ tại địa bàn đã lần đầu tiên cán mốc trên 2 triệu tỷ đồng, chiếm 28% tổng dư nợ cả nước. Trong đó, 12,2% thuộc về lĩnh vực cho vay tiêu dùng.

Theo ông Minh, trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là giai đoạn 2012 - 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng tiêu dùng của Thành phố mỗi năm là 20% - 22%. Nếu như năm 2012, chỉ có 4% trong tổng dư nợ trên địa bàn là tín dụng cho vay tiêu dùng, thì đến cuối năm nay có thể đạt 12,2%.

Bên cạnh đó, Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) vừa công bố cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 11/2017, tổng tín dụng vào nền kinh tế ước tăng 2,8% so với tháng trước đó và tăng 15,3% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2016 tăng 15,6% so với đầu năm).

Đáng chú ý, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016, trong đó cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở… chiếm tỷ trọng 52,9% (cuối năm 2016 là 49,5%); cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3%...

Rủi ro nếu áp lãi suất cao

Hiện tại, có hai phân khúc riêng biệt trong cho vay tiêu dùng giữa ngân hàng thương mại và công ty tài chính. Theo đó, khách hàng của ngân hàng là những khách hàng đạt chuẩn, còn công ty tài chính là khách hàng dưới chuẩn (có mức rủi ro lớn; thu nhập trung bình hoặc thấp; không có tài sản đảm bảo khi vay vốn, không thể tiếp cận được nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại).

Vì vậy, công ty tài chính phải có những dịch vụ và sản phẩm phù hợp, chuyên biệt để đáp ứng nhu cầu của phân khúc này, đi kèm với đó là mức lãi suất cao hơn rất nhiều. Với một số khoản vay, lãi suất mà công ty tài chính áp dụng có thể lên tới 70 - 80%/năm.

Trước tình trạng này, ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) cho rằng: “Các công ty tài chính áp dụng lãi suất cao là nhằm bù đắp lại rủi ro tiềm ẩn lớn, song theo tôi, điều đó chưa hẳn sẽ mang lại hiệu quả. Thậm chí nếu không thận trọng sẽ phản tác dụng, mang tới rủi ro lớn hơn”.

Cụ thể, nếu mức lãi suất cho vay quá cao, khó tránh rủi ro khách hàng mất khả năng trả nợ, từ đó nợ xấu sẽ tăng lên. Cũng theo ông Phong, tình trạng nợ xấu của các công ty tài chính hiện tại tuy đã tích cực hơn thời gian trước đây, song vẫn cao hơn nhiều so với ngân hàng trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng.

Bên cạnh đó, ông Ngovandan Hoàng Hùng, chuyên gia cao cấp ngành tài chính - Chương trình Phát triển thị trường và ngành tài chính, IFC/Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra nhận định, một khi tài chính tiêu dùng phát triển mạnh thì các tổ chức cho vay cũng có phần “dễ dãi” hơn trong xét duyệt khoản vay. Điều này dễ dẫn đến rủi ro nợ xấu gia tăng. Đáng chú ý là các khoản vay tiêu dùng được áp mức lãi suất cao, với kỳ vọng bù đắp rủi ro, song một khi kinh tế khủng hoảng, lãi suất tăng cũng đồng nghĩa với việc áp lực trả nợ tăng lên, kéo theo nợ xấu là điều khó tránh.

Do đó, theo ông Hùng, các tổ chức cung ứng vốn, nhất là công ty tài chính cần phải cho người vay thấy được sự cẩn trọng trong cho vay tiêu dùng lãi suất cao, luôn đặt trách nhiệm trả nợ, lãi suất lên hàng đầu… Nhất là trong bối cảnh thông tin tín dụng của nhiều khách hàng vay chưa được thể hiện trên CIC.

Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, CIC cho biết, theo phân tích số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ 51% dân số trưởng thành của Việt Nam có hồ sơ thông tin tín dụng. Tại CIC, đầu năm 2017 mới có 31,5 triệu khách hàng vay có thông tin tín dụng trong kho dữ liệu, đến nay đã tăng lên trên 34 triệu khách hàng, trong đó, có thông tin tín dụng của 33,4 triệu khách hàng cá nhân và trên 700.000 khách hàng doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo CIC, đối với tín dụng tiêu dùng, điều được quan tâm là làm thế nào để lãi suất cho vay ở mức hợp lý. Vì nếu áp lãi suất cao, không chỉ người vay mà ngay cả các tổ chức cho vay cũng phải gánh chịu rủi ro nợ xấu gia tăng khi áp lực trả nợ của khách hàng quá cao.

Tin bài liên quan