Lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng
Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng nửa đầu năm 2022 đạt mức cao, trên 9,3%. Nguồn vốn chủ yếu chảy vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, giúp nhiều doanh nghiệp hồi phục sau giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19.
Để kích cầu cho vay tiêu dùng cá nhân, các công ty tài chính tích cực triển khai nhiều chương trình ưu đãi. Nhờ vậy, tăng trưởng tín dụng của ngành này được cải thiện, song chưa hết khó khăn, nhất là áp lực nợ xấu gia tăng.
Trong quý I/2022, FE Credit đạt xấp xỉ 800 tỷ đồng lợi nhuận, gần gấp đôi kết quả cả năm 2021, nhưng bước sang quý II bắt đầu lỗ lớn. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, FE Credit chỉ lãi 130 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ năm ngoái, không còn là “gà đẻ trứng vàng” của VPBank.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, sự sụt giảm biên lãi ròng (NIM) cùng chi phí dự phòng tăng mạnh khiến lợi nhuận của FE Credit lao dốc. Tính đến cuối tháng 6/2022, công ty tài chính này ghi nhận nợ xấu tăng 113% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tỷ lệ nợ xấu lên 15,1%.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của VPBank cho thấy, số dư nợ xấu hợp nhất cuối tháng 6/2022 là 20.625 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm 2022, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 5,25%. Nguyên nhân phát sinh nợ xấu chính là nhóm dư nợ thuộc FE Credit. Xét riêng tại ngân hàng mẹ, số dư nợ xấu hơn 8.900 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 2,83%, trong khi dư nợ tại đây chiếm 80% tổng dư nợ hợp nhất.
Theo VNDIRECT, ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến chi phí tín dụng của FE Credit tăng mạnh trong quý II/2022. Chi phí này có khả năng giảm trong nửa cuối năm nay nhờ kinh tế phục hồi, giúp thu nhập của người lao động (đối tượng khách hàng chính của các công ty tài chính) được cải thiện. Trong khi đó, FE Credit tăng cường trích lập dự phòng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt khoảng 60%.
Tại VietCredit, quý II/2022, thu nhập lãi thuần đạt gần 342 tỷ đồng, tăng 12% so với quý II/2021, nhưng Công ty lỗ thuần từ dịch vụ và mua bán chứng khoán đầu tư lần lượt là gần 5 tỷ đồng và 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi thuần từ hoạt động khác tăng đột biến, gấp 42,8 lần cùng kỳ, đạt hơn 40 tỷ đồng, nhờ tăng thu từ nợ đã xử lý rủi ro và hoạt động bán nợ. Kết quả, Công ty thu về gần 42 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 4% so với cùng kỳ, dù chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro tín dụng lần lượt tăng 15% và 44%. Tính đến cuối quý II/2022, dư nợ cho vay khách hàng của VietCredit đạt gần 4.775 tỷ đồng, tăng 35% so với cuối quý II/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, VietCredit lãi trước thuế hơn 49 tỷ đồng, giảm 15% so cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do lỗ thuần từ dịch vụ hơn 13 tỷ đồng và dự phòng rủi ro tín dụng tăng 41%. Năm nay, VietCredit đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 80,1 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2021.
Lãnh đạo nhiều công ty tài chính tiêu dùng cho biết, công ty đã sẵn sàng các giải pháp nhằm thích ứng với hoàn cảnh mới, duy trì ổn định và tạo đà tăng trưởng trở lại. Hoạt động kinh doanh sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, song cũng có thời cơ để tạo ra bước đột phá trong những tháng cuối năm.
Kỳ vọng giải ngân gói 20.000 tỷ đồng
Thị trường tài chính tiêu dùng được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm 2022 và dự kiến tăng trưởng mạnh hơn vào năm 2023.
Gần 2 năm qua, thị trường tài chính tiêu dùng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid-19 khi việc tiếp cận khách hàng mới cũng như thu hồi nợ khách hàng hiện hữu gặp khó khăn, dẫn đến tổng dư nợ của các công ty tài chính tăng trưởng thấp hơn kế hoạch và tỷ lệ nợ xấu tăng vọt lên mức 9%.
Tuy nhiên, nhờ công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và nỗ lực kích cầu của các công ty tài chính, tín dụng tiêu dùng kỳ vọng dần lấy lại đà tăng trưởng, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Đặc biệt, gói tín dụng tiêu dùng 20.000 tỷ đồng được triển khai ngay trong tháng 8/2022 thông qua FE Credit và HD Saison sẽ tạo điều kiện cho các công nhân lao động giải quyết khó khăn.
Đây là lần đầu tiên trên thị trường có một gói cho vay có trị giá lớn như vậy dành cho đối tượng công nhân lao động. Theo đó, mỗi công ty tài chính trên triển khai gói 10.000 tỷ đồng với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường để cho vay tất cả các nhu cầu chính đáng của công nhân. Chương trình có sự phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời hạn vay từ 3 tháng đến 3 năm, số tiền cho vay tối đa 70 triệu đồng/trường hợp để phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng hằng ngày.
HD Saison cho biết, Công ty triển khai gói 10.000 tỷ đồng từ đầu tháng 8/2022 cho đến hết năm 2023, với lãi suất 20%/năm (lãi suất thông thường trên 40%/năm). Công nhân tiếp cận khoản vay này có thể quay vòng trong nhiều năm tiếp theo. Tuy nhiên, để đảm bảo các khoản vay đúng người, đúng đối tượng và an toàn, một đoàn khảo sát gồm đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước và 2 công ty tài chính tiêu dùng sẽ đi khảo sát thực tiễn tại một số công đoàn cơ sở và khu công nghiệp, từ đó có được cái nhìn thực tế và có những điều chỉnh, đề xuất, thay đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Trong khi đó, lãnh đạo FE Credit cho hay, Công ty đang phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để tiến hành các thủ tục cần thiết và sớm triển khai gói vay ưu đãi. Công ty đã lên kế hoạch để ngay trong tháng 8 này đi khảo sát thực tế nhu cầu vay, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân tại các cụm công nghiệp lớn trên toàn quốc, bao gồm Bắc Ninh, Đồng Nai, Long An, Nghệ An… Từ đó, Công ty sẽ có những sản phẩm phù hợp để người lao động tiếp cận gói vay dễ dàng, thuận tiện nhất trong bối cảnh tín dụng đen hoành hành. Hạn mức và thời hạn khoản vay sẽ linh hoạt cho từng đối tượng, với mức lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường mà các công ty tài chính đang cho vay hiện nay (25 - 45%/năm) thì lãi suất vay ưu đãi khoảng 15%/năm.
Theo lãnh đạo FE Credit, kinh tế đang cho thấy những tín hiệu lạc quan. Do đó, Công ty kỳ vọng, thị trường tài chính tiêu dùng sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm 2022 và dự kiến tăng trưởng mạnh hơn vào năm 2023.
Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối cho vay bán lẻ, Ngân hàng Shinhan chia sẻ, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng từ đầu năm 2022 đến nay tại Ngân hàng ghi nhận khá tích cực, đạt mức 2 con số, dù gặp không ít khó khăn. Triển vọng đối với hoạt động cho vay tiêu dùng các tháng còn lại của năm 2022 là tích cực, song Ngân hàng vẫn phải bảo đảm việc tăng trưởng trong hạn mức và điều kiện cho phép của Ngân hàng Nhà nước.