Khó khăn của thị trường cho vay tiêu dùng được đánh giá là tạm thời, vẫn còn nhiều dư địa để phát triển

Khó khăn của thị trường cho vay tiêu dùng được đánh giá là tạm thời, vẫn còn nhiều dư địa để phát triển

Tín dụng tiêu dùng khó... tạm thời!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tình hình kinh tế khó khăn tác động lên đời sống của người dân nên nhu cầu vay vốn tiêu dùng giảm mạnh, trong khi nợ xấu có xu hướng gia tăng, nhưng các công ty tài chính vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, đến 31/8/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2.671.000 tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 0,35% so với cuối năm 2022 và nợ xấu chiếm tỷ lệ trên 4%. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép là 135.945 tỷ đồng, chiếm hơn 5% tổng dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống. Đáng lưu ý, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8 - 10%, cá biệt có công ty ghi nhận tỷ lệ nợ xấu 20%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.

Ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng cho hay, tín dụng tiêu dùng đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong hơn 15 năm qua. Dư nợ cho vay của nhóm công ty tài chính tiêu dùng tính tới cuối tháng 6/2023 giảm 10,2% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, nợ xấu tăng từ mức 10,7% cuối năm 2022 lên 12,5% vào cuối tháng 6/2023.

Theo các chuyên gia tài chính, tình hình nợ xấu của nhóm công ty tài chính hiện nay rất đáng báo động. Nguyên nhân của tình trạng này, ngoài kinh tế khó khăn, thu nhập của người lao động giảm, còn do các công ty tài chính bị đánh đồng với các tổ chức tín dụng đen, khách hàng cố tình không trả nợ, hoạt động gian lận ngày càng tinh vi và gia tăng…

VietCredit vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với khoản lỗ 62,4 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, công ty này lỗ 136 tỷ đồng, do lãi thuần từ hoạt động kinh doanh giảm gần 23% so với cùng kỳ, xuống 468 tỷ đồng, còn chi phí dự phòng tăng lên hơn 600 tỷ đồng.

Dự phòng rủi ro tín dụng của VietCredit tăng nhanh trong bối cảnh chất lượng tài sản của Công ty xấu đi nhanh chóng. Số dư nợ xấu đã tăng từ 525 tỷ đồng cuối năm ngoái lên 868 tỷ đồng cuối tháng 9 năm nay, tỷ lệ nợ xấu nhảy vọt từ 11,88% lên 20,45%.

Tính đến cuối tháng 9/2023, VietCredit có tổng tài sản 6.472 tỷ đồng, giảm 1,1%; số dư cho vay khách hàng 4.246 tỷ đồng, giảm 3,9%; huy động từ tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá lần lượt là 336 tỷ đồng và 2.534 tỷ đồng, giảm 20% và 31% so với đầu năm. Trong khi đó, huy động từ các tổ chức tín dụng khác tăng từ 1.274 tỷ đồng lên 2.687 tỷ đồng.

Tại HD Saison, dư nợ cho vay tính đến cuối tháng 9/2023 giảm 12% so với đầu năm; tổng thu nhập hoạt động tăng 28,2%, nhưng lãi trước thuế giảm trên 60% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 400 tỷ đồng.

Theo ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc HD Saison, Công ty vẫn dẫn đầu trong lĩnh vực cho vay mua xe máy. Về chất lượng tài sản, bất chấp bối cảnh ngành tài chính tiêu dùng gặp khó khăn, tình trạng bùng nợ xuất hiện ngày càng nhiều, người lao động bị suy giảm thu nhập..., HD Saison duy trì được tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp hơn nhiều các doanh nghiệp cùng ngành. Công ty kỳ vọng, quý IV là mùa mua sắm, tín dụng sẽ tích cực hơn.

Với FE Credit, cánh tay tài chính tiêu dùng nối dài của VPBank, trải qua giai đoạn đầu tái cơ cấu, Công ty đang dần ghi nhận sự cải thiện trong kết quả kinh doanh khi các khoản lỗ giảm dần và quý III/2023 có lãi trở lại. Trước đó, FE Credit lỗ gần 3.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, vượt cả tổng lỗ năm 2022.

Vẫn hấp dẫn vốn ngoại

Nhiều công ty tài chính tiêu dùng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm, thậm chí thua lỗ do phải trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.

Trong những năm trước đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của nhiều công ty tài chính tiêu dùng được coi là “con gà đẻ trứng vàng”, mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà băng. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, các công ty tài chính liên tục báo lãi suy giảm, thậm chí thua lỗ, ảnh hưởng tới lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng.

Theo Hiệp hội Ngân hàng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn vừa qua, các công ty tài chính đã chấp hành chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức triển khai cho vay tiêu dùng đối với những đối tượng dưới chuẩn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người lao động có thu nhập thấp, nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi tín dụng đen. Song đến nay, hầu hết công ty tài chính ghi nhận nợ xấu ngày càng tăng cao, ngoài những yếu tố khách quan do kinh tế khó khăn còn có những yếu tố chủ quan như khách hàng cố tình không trả nợ, cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, thậm chí tố cáo sai sự thật rằng cán bộ dùng biện pháp manh động để đòi nợ. Một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen nên cố tình quy kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen, từ đó không trả nợ và thành lập “hội bùng nợ” trên mạng xã hội Zalo, Facebook…

Thực trạng trên dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, nhiều cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, nên không thể tiếp tục mở rộng cho vay. Thực tế, dư nợ không những không tăng, mà còn giảm.

Thế nhưng, lĩnh vực tài chính tiêu dùng của Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Mới đây, SeABank bán 100% vốn Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) cho Công ty AEON Financial Service, thành viên của AEON Group (Nhật Bản), với giá 4.300 tỷ đồng.

Trước đó, trong tháng 6/2023, SHB hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho Krungsri Bank (Thái Lan). Trong 3 năm tiếp theo, SHB sẽ chuyển nhượng 50% phần vốn còn lại cho Krungsri Bank. Tổng giá trị thương vụ ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.

Hiện tại, thị trường đang chờ đợi thông tin về việc thực hiện kế hoạch bán 100% vốn tại FCCOM của MSB.

Trong bối cảnh giấy phép thành lập công ty tài chính mới ngày càng khan hiếm, sức hút nhà đầu tư đối với lĩnh vực này không vì khó khăn mà suy giảm. Năm ngoái, SMBC (Nhật Bản) đã mua 49% vốn điều lệ FE Credit, Shinhan Card (Hàn Quốc) mua Prudential Finance, Lotte Card (Hàn Quốc) mua TechcomFinance, Credit Saison (Nhật Bản) mua HDFinance, Shinshei (Nhật Bản) mua Mcredit…

Kasikornbank (KBank), ngân hàng lớn thứ hai của Thái Lan đang đàm phán để mua lại Home Credit Việt Nam, với giá trị lên tới 1 tỷ USD, nhằm mở rộng hoạt động của KBank tại Việt Nam. Theo đánh giá của KBank, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam giàu tiềm năng với 100 triệu dân, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tăng nhanh, trong khi hơn 69% dân số không có tài khoản ngân hàng - mức cao nhất trong khu vực châu Á.

Bà Olena Khlon, Phó tổng giám đốc thường trực SHB Finance nhận xét, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng, cùng với sự quản lý và vận hành tốt của Chính phủ, nên vẫn đang là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, thị trường cho vay tiêu dùng đang gặp khó khăn, song chỉ là tạm thời và còn nhiều dư địa phát triển. Vì vậy, các nhà đầu tư có tiềm lực nhìn vào triển vọng thị trường, tin tưởng vào chính sách của Chính phủ vẫn sẵn sàng đổ vốn vào lĩnh vực này. Mua bán - sáp nhập (M&A) là con đường duy nhất để các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường.

Tin bài liên quan